Saturday, August 17, 2013

Hùm Thiêng Yên Thế - Hoàng Hoa Thám

Thứ Bảy, ngày 17.08.2013
Lịch sử thời cận đại đã ghi lại công đức của những vị anh hùng dân tộc. Vì Tổ Quốc, họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, họ là những con người dám quên mình vì đại nghĩa. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Hùm thiêng Yên Thế" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Hoàng Hoa Thám tên là Trương Văn Thám, còn được gọi là Đề Thám hay Hùm thiêng Yên Thế. Ông sinh năm 1858 tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (Hà Tây), rồi đến Yên Thế (Bắc Giang).
Cha ông là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Minh. Sinh thời, cha mẹ ông đều là những người rất trọng nghĩa khí, cả hai đều tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nồng Văn Vân ở Sơn Tây.

Hoàng Hoa Thám được mô tả là người giỏi võ và có khả năng lãnh đạo chỉ huy. Chính ông chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp từ năm 1885 đến năm 1913.
Năm 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia cuộc khởi nghĩa của Đại Trận. Khi Pháp chiếm Bắc Ninh năm 1884 thì Hoàng Hoa Thám gia nhập đoàn nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh.
Năm 1885, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (tức Hoàng Đình Kinh) ở Lạng Giang. Sau khi Cai Kinh chết, ông chiến đấu dưới cờ của đoàn nghĩa quân Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một vị chỉ huy có tài thao lược.
Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ tên Đề Sặt sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lãnh của phong trào Yên Thế. Ông được dân quân dưới trướng gọi là Đề Thám. Ông tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và chiêu mộ thêm binh lính. Vì ông là người nổi danh nhất trong phong trào nông dân chống Pháp, nên ông được dân chúng các vùng lân cận tôn danh là "Hùm thiêng Yên Thế".
Trong gần 30 năm chiến đấu, Đề Thám đã nhiều lần tổ chức và đích than chỉ huy tấn công quân Pháp, tiêu biểu là các trận ở thung lũng Hố Chuối vào tháng 12 năm 1890 và Đồng Hom khoảng tháng 2 năm 1892.
Từ năm 1893 đến 1895, quân Pháp tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, cấp chỉ huy Pháp không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Pháp ra lệnh cho tay sai là Lê Hoan cầm đầu đoàn quân, một mặt dụ hàng, mặt khác tung quân ra sức triệt hạ các xóm làng nơi nghĩa quân Yên Thế hoạt động.
Đề Thám dùng chiến thuật du kích, tránh được các mũi tấn kích của quân Pháp và gây cho họ nhiều tổn thất nặng nề.
Vào năm 1894, thấy chưa thể dập tắt được phong trào Yên Thế, Pháp đã yêu cầu giảng hòa, cắt nhượng cho nghĩa quân 4 tổng thuộc Yên Thế. Đề Thám cũng muốn tranh thủ thời gian để chuẩn bị và chiêu mộ thêm lực lượng nên đồng ý hòa hoãn. Nhưng chỉ vài tháng sau (đến tháng 10 năm 1895), Pháp đã bội ước, huy động toàn lực lượng mở những cuộc tấn công quy mô vào vùng Yên Thế. Pháp treo giải thưởng 30 ngàn đồng tiền Pháp cho kẻ nào bắt được Đề Thám. Lần tổng tấn công này của quân Pháp cũng không diệt được phong trào nông dân Yên Thế, nên Pháp phải yêu cầu giảng hòa lần thứ hai vào năm 1897.
Trong hơn 10 năm hòa hoãn (từ tháng 12 năm 1897 đến ngày 29 tháng 1 năm 1909), nghĩa quân Yên Thế đã có những bước phát triển mới, địa bàn hoạt động được mở rộng từ miền trung du đến vùng đồng bằng, kể cả vùng Hà Nội.
Đề Thám tổ chức thêm "Đảng Nghĩa Hưng" và "Trung Chân Ứng Nghĩa Đạo" làm nòng cốt. Và đã đích thân chỉ huy cuộc khởi nghĩa ngày 27 tháng 6 năm 1908 của nhóm lính mới ở Hà Nội trong vụ Hà Thành đầu độc. Sự kiện này làm chấn động khắp cả nước.
Ngoài ra, Đề Thám xúc tiến xây dựng đồn Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến, đồng thời bí mật liên lạc với lực lượng yêu nước ở hải ngoại. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... đã gặp gỡ Đề Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng thêm hoạt động tại vùng đồng bằng.
Ngày 29 tháng 1 năm 1909, Thống sứ Bắc Kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, cộng thêm 400 lính địa phương do đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy, chia quân ra nhiều mũi dùi, một lần nữa tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế.
Đề Thám dàn quân chống trả, nhưng vì ít quân hơn nên phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo. Con ông là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Trương Thị Thế bị bắt. Lực lượng nghĩa quân yếu dần, đến cuối năm 1909 thì tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế kết thúc vào năm 1913.
Trong những ngày cuối cùng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ bên cạnh và phải di chuyển liên tục. Khi ông tới vùng Hồ Lẩy, Pháp đã bố trí cho 3 người đến trá hàng để tiếp cận và hạ sát ông cùng 2 thủ hạ vào sáng mùng 5 Tết năm Quý Sửu, tức ngày 10 tháng 2 năm 1913, sau đó bêu đầu ông ở Phủ Đường Yên Thế để thị uy.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng tấm lòng yêu nước của Hoàng Hoa Thám sẽ mãi mãi khắc ghi trong lòng người dân Việt. Lịch sử vinh danh ông là anh hùng của dân tộc vì đã chiến đấu và hy sinh trong công cuộc chống ngoại xâm. Hầu hết các thành phố, thị xã tại Việt Nam đều có những con đường mang tên Hoàng Hoa Thám. Tên ông còn được đặt cho những con phố và chợ, như chợ Hoàng Hoa Thám ở quận Tân Bình, Sài Gòn./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment