Wednesday, August 7, 2013

Hà Nội đã để lỡ chuyến tàu

Thứ Tư, ngày 07.08.2013    
Trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang, người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại hy vọng mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ được nâng cấp một cách cụ thể, để đáp ứng đòi hỏi về an ninh của toàn vùng Đông Nam Á nói chung, và gỡ bỏ thế bí của Việt Nam nói riêng, nhưng Hà Nội đã để lỡ mất cơ hội hiếm hoi này. Mời quí thính giả theo dõi bài quan điểm của LLDTCNTQ qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Hậu quả bất lợi to lớn cho Việt Nam qua việc ông Trương Tấn Sang ký kết 10 văn kiện hợp tác bất tương xứng, và bản Tuyên Bố Chung mang tính thần phục trong chuyến đi Bắc Kinh vào cuối tháng 6 năm 2013, làm cho người dân trong nước còn đang bàng hoàng; thì đột nhiên Tòa Bạch Ốc thông báo Tổng Thống Barack Obama sẽ tiếp ông Trương tấn Sang vào ngày 25 tháng 7 năm 2013, tin này làm dấy lên nhiều thắc mắc:

Thứ nhất: Phải chăng Hà Nội đã thấm thía trước nguy cơ khôn lường, khi bị Trung Cộng tròng vào cổ sợi dây thòng lọng 16 chữ vàng và 4 tốt, và đang xiết chặt thêm đến ngộp thở, nên buộc phải tìm cách gỡ thế bí, mà con đường tốt nhất là thắt chặt mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Thứ hai: Tình trạng kinh tế Việt Nam mỗi ngày mỗi suy thoái đang đi đến bế tắc chưa có hướng giải quyết, nhìn qua quan thầy Trung Cộng, thì tình trạng cũng không khá hơn. Miếng mồi tham gia mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cái phao có thể cứu mạng trước mắt, nên đây là cơ hội hiếm hỏi cần nắm bắt.
Thứ Ba: Với tư cách chủ tịch nước, Trương Tấn Sang cần đánh bóng tên tuổi và thể hiện bản lãnh mà trong thời gian qua đã suy giảm trước cái bóng đè của Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm, với hy vọng ghi một vài dấu ấn tốt nơi những người còn chút hy vọng vào ông.
Do đó có phần chắc cuộc họp thượng đỉnh gấp gáp như thế là vì lời yêu cầu của Hà Nội chứ không do Hoa Kỳ chủ động mời. Vì truyền thống ngoại giao của Hoa Kỳ khi tiếp đón nguyên thủ một nước khác, luôn có những chuẩn bị chu đáo trước. Điều này đã được thể hiện qua cung cách Hoa Kỳ tiếp ông Trương Tấn Sang. Tại phi trường, ngoài ông David Shear Đại Sứ HK tại Hà Nội, không có một viên chức cao cấp nào trong chính phủ Mỹ ra đón. Cũng không có các nghi lễ khác như thảm đỏ, 21 phát đại bác, duyệt hàng quân danh dự, cư trú tại nhà quốc khách, yến tiệc, phát biểu tại quốc hội ...v.v..
Chẳng những thế, phía Hà Nội cũng không có nhóm tiền trạm để chuẩn bị các vấn đề kỹ thuật, soạn thảo các tài liệu cần thiết, ít ra những thỏa hiệp tiêu biểu đã nói đến lâu nay....Nhưng dầu sao cuộc họp cũng đã diễn ra, điều quan trọng lúc này là kết quả của mỗi bên đạt được những gì?
Điều Hà Nội mong muốn thì nhiều, nhưng cụ thể có ba điểm mấu chốt: Một là được chấp nhận tham gia mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương. Hai là dựa vào thế mạnh của Hoa Kỳ để có thể nới lỏng áp lực từ Trung Cộng . Và thứ ba là xoa dịu sự phẫn nộ của người Việt trong nước và hải ngoài.
Dĩ nhiên Hoa Kỳ đã biết rõ những gì Hà Nội muốn, nhưng không dễ dàng thỏa mãn vì:
Thứ nhất, Việt Nam đã gắn bó quá sâu với Trung Cộng, đã long trọng ký kết những thỏa hiệp mang tính chiến lược, và bị Trung Cộng điều khiển, nên mặc nhiên VN trở thành kẻ đối đầu với HK. Chẳng hạn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Hà Nội đã thỏa thuận với Trung Cộng là hai bên sẽ giải quyết song phương, mà không hề đá động đến đa phương, hay dựa vào công pháp quốc tế về luật biển. Như thế đã trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi của HK tại Biển Đông.
Thứ hai: Hoa Kỳ cũng biết rõ Hà Nội tiếp tục đi dây, như trước đây đã từng áp dụng giữa Trung Cộng và Nga Xô.
Thứ ba: với bản chất tráo trở cố hữu của CS, nói một đàng, làm một nẻo, thật khó tin những lời Hà Nội nói ra. Chưa kể đến cái vị trí Chủ Tịch Nước của ông Sang do Bộ Chính Trị chỉ định, nên cũng chẳng có thực quyền, mà chỉ được nói những gì đảng cho phép nói.
Và thứ tư là những toan tính của Hà Nội chỉ đặt ưu tiên trên quyền lợi của đảng Cộng Sản, chứ không đặt trên nguyện vọng đích thực của người dân Việt Nam.
Bởi những lý do đó, mà TT Obama chỉ hứa hẹn cứu xét cho Hà Nội tham gia mậu dịch TPP, còn các vấn đề khác chỉ là lời hứa trong ngôn ngữ ngoại giao mà thôi. Nhưng Hà Nội cần phải biết rằng, việc phê chuẩn còn do Quốc Hội quyết định, mà Quốc Hội đã nói rõ điều kiện để được gia nhập là Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền. Điều mà Hà Nội luôn luôn né tranh hay phủ nhận.
Tóm lại nhìn chung cuộc gặp gỡ vừa qua, về phía Hoa Kỳ dĩ nhiên cũng phải tính đến quyền lợi lâu dài khi chuyển trục qua Á Châu, nhưng Việt Nam đã không còn là vị trí quan trọng và ưu tiên trong chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ đã vạch ra từ mấy năm trước nữa, cho dù mậu dịch sẽ gia tăng, nhưng cán cân phía Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bị thâm thủng hàng chục tỉ Mỹ Kim mỗi năm như hiện nay. Cán cân mậu dịch chỉ có thể cân bằng khi Hà Nội được mua vũ khí tối tân của Ha Kỳ, điều này xem ra còn rất xa vời.
Cho dù vào phút cuối ông Sang đã đưa ra món qùa, gọi là bằng chứng năm 1946 Hồ Chí Minh đã muốn kết thân với Hoa Kỳ, thì nay xin được nối lại lời thỉnh cầu ấy. Nhưng chỉ khi nào Hà Nội cải thiện nhân quyền, mở rộng dân chủ, tôn trọng các quyền tự do, tuân thủ các công ước quốc tế, hành xử như một nhà nước có trách nhiệm, đặt quyền lợi của 90 triệu đồng bào trên quyền lợi của đảng CS, tạo được niềm tin trong lòng người dân, và tạo được niềm tin với quốc tế, thì lúc đó mới có hy vọng lấy lại được vị trí chiến lược của mình. Mới có thể trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ và khối tự do. Nhưng chắc chắn điều ấy chỉ xảy ra khi không còn đảng CSVN mà thôi. Còn nay, vì tham vọng mù quáng của đàng CS, Hà Nội đã để hụt mất một cơ hội hiếm hoi. Thật là đáng tiếc!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment