Saturday, September 14, 2013

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc

Thứ Bảy 14.09.2013  
Kính thưa quý thính giả, Đức Phạm Công Tắc tự là Ái Dân, biệt hiệu Tây Sơn Đạo, là một trong những người có công lớn trong việc hình thành, xây dựng, phát triển và kiện toàn đạo Cao Đài. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đức Hộ Pháp Cao Đài giáo" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc sinh ngày 21/6/1890 tại làng Bình Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Cha là ông Phạm Công Thiện, mẹ là bà La Thị Đường. Ông được rửa tội tại nhà thờ ở Tây Ninh vào năm 1900.

Năm 1907, ông đậu bằng Thành Chung. Trong thời gian học trung học, ông tham gia vào phong trào Đông Du. Năm 1908, ông được Hội Minh Tân, một tổ chức của phong trào Đông Du, chuẩn bị đưa đi nước ngoài, nhưng kế hoạch bị bại lộ nên phải hủy bỏ.
Vì bị nhà cầm quyền Pháp theo dõi gây khó dễ, nên ông phải bỏ học và làm việc cho một hãng buôn. Thời gian này, với bút hiệu Ái Dân, ông viết bài "cổ vũ tinh thần dân tộc" cho các tờ báo như Công Luận và Chuông Rè của Nguyễn An Ninh. Tiếng nói Tự do và Lục tỉnh Tân văn của ông Pierre Jeantet và ông Trần Chánh Chiếu. Khi ông Chiếu bị bắt, tờ báo đình bản, ông trở về Tân An.
Đầu thập niên 1920, phong trào Thông Linh học bắt đầu phổ biến tại Nam Kỳ. Vào khoảng tháng 7 năm 1925, ông cùng với các bạn gốc Tây Ninh là Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang cùng thử nghiệm xây bàn cầu cơ và đến giữa tháng 12, được Thượng Đế xưng danh Cao Đài lần đầu tiên và dạy Đạo, để chuẩn bị ra mắt một tôn giáo mới tại Việt Nam. Nhóm này phát triển thêm nhiều người, quy tụ nhiều nhà khoa bảng trí thức thời bấy giờ, trong đó có ông Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.
Ngày 21/2/1926, trong một buổi cầu cơ tại nhà ông Vương Quang Kỳ, một bài thơ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng đế, trong đó có tên của 13 chức sắc với ông Ngô Văn Chiêu được tôn là Anh Cả.
Trong một buổi hầu cơ ngày 17/4/1926, ông Phạm Công Tắc cùng với các ông Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư và bà Nguyễn Hương Hiếu, đã nhận cơ giáng, chuẩn bị đạo phục Giáo Tông cho ông Ngô Văn Chiêu. Nhưng ông Chiêu từ chối, chọn ra một số ít tín đồ để tu theo Nội giáo Tâm truyền, thành lập hệ phái Cao Đài Chiếu Minh.
Do vậy, hai vị Đầu sư Lê Văn Trung và Lê Văn Lịch bắt đầu đảm trách việc của Hội Thánh, phát triển thêm 6 đàn cầu cơ ở Nam Kỳ và thu nạp thêm tín đồ.
Ngày 29/9/1926, ông Phạm Công Tắc cùng 246 tín đồ lập tờ tịch đạo (tức danh sách tín đồ), gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 7/10/1926. Từ đó, các tín đồ chia làm 3 nhóm đi phổ độ khắp Nam Kỳ Lục tỉnh.
Ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần, ông cùng với những vị đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài thọ phong phẩm vị, được Ơn Trên dìu dẫn thiết Đại lễ, long trọng chính thức Khai Đạo Cao Đài ra mắt với tất cả nhân sanh tại Từ Lâm Tự thuộc tỉnh Tây Ninh.
Năm 1927, nhà cầm quyền chuyển ông đi Nam Vang. Tại đây, ông chiêu nạp thêm tín đồ và phong phẩm vị theo cơ bút do các đấng thiêng liêng tuyển chọn, từ đó hình thành Cơ quan Truyền giáo Hải ngoại.
Do hoạt động tích cực của ông và Hội Thánh Ngoại Giáo, có ảnh hưởng đến một số nhân sĩ trí thức và quan chức Pháp, nên tháng 2 năm 1932, Quốc hội Pháp đồng ý cho đạo Cao Đài hoạt động trên toàn cõi Đông Dương.
Sau khi Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt mất năm 1934, nhiều chức sắc cao cấp của Tòa Thánh ly khai và thành lập những hệ phái độc lập. Nhằm ngăn chặn sự tan rã của Hội Thánh, các chức sắc còn lại đã tổ chức Hội Quyền Vạn Linh gồm Nhơn Sanh và Hội Thánh nhóm họp vào 3 ngày 8, 9, 10 tháng 11 năm 1935, đồng cử ông vào chức vị Chưởng quản Nhị Hữu hình đài (tức kiêm quyền Giáo tông của Cửu Trùng Đài). Trên thực tế, ông trở thành vị lãnh đạo tối cao, cầm quyền Chánh Trị Đạo của Tòa Thánh Tây Ninh cho đến ngày quy Thiên.
Năm 1941, nhà cầm quyền Pháp đàn áp, bắt giữ những người bị tình nghi và đã vào tận Tòa Thánh Tây Ninh bắt đức Hộ pháp Phạm Công Tắc và 5 chức sắc đày sang đảo Madagascar.
Năm 1946, Pháp trả tự do cho ông, đổi lại điều kiện là các tín đồ Cao Đài sẽ không tấn công người Pháp. Với quan điểm chống chủ nghĩa vô thần CS, ông chấp thuận điều kiện này và từ đó ông lo việc kiện toàn công trình xây Toà Thánh và các Thánh Thất, cũng như xây dựng thêm các cơ sở Phước Thiện, Giáo Dục, các Trung tâm Tu tập cho tín đồ bên trong Toà Thánh.
Cuộc đời của Hộ Pháp Phạm Công Tắc hiến dâng cho đạo Cao Đài suốt 31 năm, kể từ lúc sơ khởi nền Đạo năm 1925 cho đến năm 1956 (năm ông lưu vong sang đất Miên vì bất đồng chánh kiến với chính phủ Ngô Đình Diệm). Ông được xem là người trẻ tuổi được phẩm vị cao quý nhất của Hiệp Thiên Đài (37 tuổi đắc phong Hộ Pháp) và kể từ đó, ông xả thân hành đạo cho đến khi sức tàn, lực kiệt, trở về thiêng liêng vị.
Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc quy Thiên lúc 1giờ 30 chiều ngày 17/5/1959, tại Chùa Tual Svay Prey ở Nam Vang.
Miền Nam đã sản sinh ra hai nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng vì tấm lòng yêu nước như đức Huỳnh Phú Sổ và đức Phạm Công Tắc. Điều đáng quý trọng là hai người tâm đức đó, đã xuất hiện và cống hiến năng lực của mình trong thời điểm đen tối của đất nước, giúp người dân đứng vững trước cơn bão thực dân và cộng sản.
Đức Phạm Công Tắc không vì đạo mà quên đời. Ông vừa đấu tranh với thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, vừa thượng hướng tâm linh cho người dân Việt Nam trong thời điểm đất nước đầy sóng gió.
Ông chính là một trong những tấm gương sáng cho người Việt, đặc biệt là trong lúc xã hội VN đang lâm vào cơn khủng hoảng đủ mọi phương diện như hiện nay.
Với công lao đóng góp của ông cho đạo Cao Đài, Hiền Tài Trần Văn Rạng (Cao học về Sử học, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) đã tóm lược cuộc đời ông trong quyển "Chân dung Hộ Pháp Phạm Công Tắc" bằng câu:
"Tâm vô quái ngại, đại hùng, đại lực, đại từ-bi".

No comments:

Post a Comment