Tuesday, September 17, 2013

Khi nhân dân thành "Kẻ khủng bố".

Thứ Ba, ngày 17.09.2013    
Nhà nước CSVN đã từ nguyên thủy hội đủ các yếu tố khách quan để bị định nghĩa, trên phạm vi luật quốc tế, như là một “nhà nước khủng bố”. Một trong những thủ thuật bình thường của các nhà nước khủng bố là quy chụp tất cả những người dân chống đối họ là những kẻ khủng bố …” Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Trung Hà với tựa đề: “Khi Nhân Dân Thành Kẻ Khủng Bố” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Các báo trong nước đưa tin về vụ anh Đoàn Văn Vươn và gần đây là vụ anh Đặng Ngọc Viết đều qui chụp họ là những "kẻ khủng bố". Đặc biệt, vụ anh Đặng Ngọc Viết mang súng nã vào đầu 5 cán bộ quan chức cấp huyện có liên quan đến giải tỏa đền bù nhà đất của anh, các báo đồng loạt đưa tin với nội dung anh Viết đã có hành động khủng bố, giết người hàng loạt.

Giả sử như điều các báo qui chụp là đúng, thì cần đặt ngược vấn đề, ai là kẻ khủng bố? Đến đây, xâu chuỗi theo thời gian và sự kiện cũng như hiện tượng phát sinh hành vi khủng bố đều ở mức từ nhẹ đến nặng, từ chống đối đến giết người, từ súng hoa cải bắn tự vệ đến súng rullo nhắm thẳng vào đầu đối phương, từ chấp nhận ngồi tù đến chấp nhận hy sinh tính mạng. Nhưng, tuy cấp độ có khác nhau mà bản chất và đối tượng lại rất giống nhau, đó là đấu tranh cho quyền sở hữu chính đáng về đất đai, nhà cửa và họ đều là những dân oan không có chức quyền.
Sở dĩ họ có hành động sẵn sàng chiến đấu với nhà cầm quyền, sẵn sàng đánh đổi tính mạng bằng những vũ khí thô sơ tự chế, tự mua lén lút để chống chọi với vũ khí tối tân, với một lực lượng được đào tạo bài bản, chính qui về kĩ năng chiến đấu cũng như nghiệp vụ tiếp cận đối phương dưới sự hỗ trợ của máy móc và chó săn... là vì họ không còn gì để mất, ngay cả mạng sống của họ, sự tồn tại của họ cũng trở nên vô nghĩa khi mọi nỗ lực và quyền lợi bị tước đoạt, cướp cạn, mọi thành quả mồ hôi nước mắt bị nhà cầm quyền lấy nó bằng thủ đoạn này hoặc thủ đoạn khác.
Giả sử, anh Đoàn Văn Vươn hoặc anh Đặng Ngọc Viết cũng chịu để nhà cầm quyền đến tịch thu đất đai, nhà cửa rồi mang đơn ra Hà Nội kiện tụng, cũng ăn bờ ngủ bụi, màn trời chiếu đất đợi từ năm này qua năm khác để nộp đơn và nghe hứa hẹn, thậm chí trong những ngày nổi gió lưu manh, dân oan lại bị công an đến trấn áp, tịch thu quần áo, mùng mền mang đi đổ bãi rác, đánh đập, bấm huyệt đến chết người... Thì liệu anh Vươn có lấy lại được mảnh đất của mình một khi nó đã thuộc về tay kẻ có thế lực? Và anh Viết cũng làm như thế, liệu đến bao giờ anh lấy lại công bằng cho mình, có chăng là anh cũng chìm vào hàng triệu dân oan chẳng ai biết tên tuổi đang sống lây lất, đau khổ dưới vòm trời xã hội chủ nghĩa này!?
Chính vì những chính sách bất minh của nhà cầm quyền đã tiếp tay cho đám quan lại tham ô đục khoét của dân, làm cho nhân dân điêu đứng và cũng chính vì sự thờ ơ, vô cảm của hệ thống cầm quyền từ trung ương đến địa phương đã đẩy người dân từ chỗ ổn định đến chỗ mất trắng, từ chỗ hiền lành chất phác làm ăn đến chỗ phẫn uất, kêu trời không thấu. Và đương nhiên, những ai đến sau, đã chứng kiến những trò hề của nhà cầm quyền sau khi cướp của dân đều nhìn nhận một thực tế phũ phàng là càng tin vào công lý, càng mau chết, càng mau trắng tay.
Chính vì cay đắng nhận ra điều này, bắt buộc con người phải đi đến hành động. Lẽ dĩ nhiên là hành động vừa phải, hợp lẽ phải và hợp tình huống. Chính cái yêu cầu nội tại trong mỗi dân oan về hợp lẽ phải và hợp tình huống đó đã đưa họ đến lựa chọn: Hoặc là hành động như một khủng bố, hoặc là chấp nhận mất tất cả, ngồi ôm nỗi oan đến khi chết hoặc chết đường chết chợ trong hành trình kiện tụng.
Cái lẽ phải đặt ra trong mỗi dân oan chính là nhà nước bắt buộc phải công nhận những quyền lợi chính đáng của người dân, kẻ nào làm trái với lương tri, trái với đạo lý và pháp luật thì kẻ đó phải trả giá. Sự hợp tình huống ở đây chính là phải hành động lúc nào để tạo hiệu ứng thông tin, để hành động của mình không trở nên hoang phí, uổng công.
Và anh Đoàn Văn Vươn, anh Đặng Ngọc Viết đã hành động theo lẽ phải, đã thẳng tay nã vào kẻ đã dùng quyền lực, thủ đoạn để cướp những gì thuộc về sở hữu chính đáng của các anh. Đồng thời, hai người đàn ông này cũng chọn đúng thời điểm mà nhà cầm quyền địa phương đang nóng lòng lấy được tài sản của các anh để hành động, điều này giữ được bằng chứng nóng và tạo hiệu ứng domino về thông tin cũng như sự đồng thuận xã hội.
Có một điều lạ là khi hai anh bị các báo trong nước qui chụp cho tội khủng bố. Nhưng trong dư luận nhân dân, họ lại ngưỡng mộ kẻ khủng bố như Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết, sự ngưỡng mộ dành cho Đặng Ngọc Viết qua các từ biểu cảm như: ngầu, anh hùng, ngon lành, dữ dội, khủng bố hiệu, quả cảm, lấy một đổi năm là đáng chơi... Chứ người ta không chê bai kẻ khủng bố nhẫn tâm hoặc tàn độc gì đó. Đơn giản, hai "kẻ khủng bố" Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết đã thành biểu tượng anh hùng trong nhân dân. Vì sao lại có chuyện này?
Vì tuy hành động mỗi người có khác, nhưng nỗi oan chung của hơn 80 triệu dân Việt Nam đều nằm ở chỗ không có tự do, bị ức chế, bị đàn áp và bị cướp trắng bằng nhiều hình thức nhân danh quản lý nhà nước, sở hữu toàn dân. Chính vì cái chính sách bóc lột trắng trợn của nhà nước đã vô hình trung biến nhân dân thành kẻ khủng bố. Và đối tượng để khủng bố chính là nhà cầm quyền.
Và một khi nhân dân thành kẻ khủng bố, thì nhà cầm quyền chỉ còn nước liệu thần hồn!
Trung Hà.

No comments:

Post a Comment