HOA KỲ TIẾP XÚC GIỚI ĐẤU TRANH VN TRƯỚC KHI ĐÓN NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Chính phủ Mỹ đã tổ chức buổi gặp gỡ với một số nhà đấu tranh VN để
thu thập ý kiến trước khi tiếp đón phái đoàn Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng vào tuần tới.
Buổi gặp gỡ diễn ra tại tòa Bạch Ốc do bộ ngoại giao Mỹ tổ chức. Phía
VN có các khuôn mặt đấu tranh nổi tiếng như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Bác
sĩ Nguyễn Quốc Quân và đại diện một số hội đoàn đảng phái. Về phía Hoa
Kỳ thì người chủ tọa buổi gặp gỡ là ông Dan Kritenbrink, giám đốc vụ
châu Á về nhân quyền, và một số quan chức khác thuộc bộ ngoại giao. Buổi
gặp gỡ nhằm mục đích ghi nhận các ý kiến đóng góp trước khi chính phủ
Mỹ tiếp đón phái đoàn Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới.
Trong khi đó thì tại VN, trong buổi tiếp tân do tòa đại sứ Mỹ tổ
chức, cựu tổng thống Bill Clinton cũng dành ra thì giờ để gặp gỡ một số
đại diện các tổ chức dân sự xã hội tại VN. Theo lời kể của Tiến sĩ
Nguyễn Quang A thì ông Clinton cũng đã gặp riêng và thảo luận kín đáo
với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và trưởng ban đối ngoại trung ương đảng
CSVN, ông Hoàng Bình Quân.
THÊM HAI NHÀ ĐẤU TRANH BỊ BỘ CÔNG AN VN CẤM XUẤT NGOẠI
Bộ công an Hà Nội đã thẳng thừng từ chối cấp sổ thông hành cho hai
phụ nữ Tạ Minh Tú ở Bạc Liêu và Trần Thị Nga ở Hà Nam với lý do là cả
hai "đều nằm trong danh sách cấm xuất cảnh".
Chị Trần Thị Nga là một thành viên trong ban chấp hành Hội Phụ nữ
Nhân quyền VN. Chị Nga từng bị công an côn đồ hành hung nhiều lần, kể cả
bị đánh gẫy hai chân vào năm ngoái. Vào hôm qua khi đến trụ sở công an
tỉnh Hà Nam để xin cấp sổ thông hành thì bị bác đơn và đã bị một số công
an lớn tiếng đe dọa khi chị Nga đòi hỏi họ phải cấp một văn bản xác
nhận mình bị cấm xuất cảnh.
Trong cùng ngày thì chị Tạ Minh Tú, em ruột tù nhân lương tâm Tạ
Phong Tần, cũng bị bác đơn tại phòng quản lý xuất nhập cảnh ở Sài Gòn,
với lý do chị Tú gia nhập Hội Phụ nữ Nhân quyền VN. Trong thời gian
tranh cãi, chị bị ba nữ công an bẻ tay và cướp máy điện thoại đang ghi
âm các lời đối thoại.
HÀNG CHỤC CĂN NHÀ ĐỔ ẬP XUỐNG SÔNG SÀI GÒN GIỮA ĐÊM KHUYA
Hàng chục cư dân ở phường Hiệp Bình Phước, thuộc quận Thủ Đức – Sài
Gòn, đã kinh hoàng kể lại giây phút nhiều ngôi nhà đổ ập xuống sông Sài
Gòn giữa đêm khuya thứ Tư 1/7 vừa qua.
Các hình ảnh loan tải trên báo chí cho thấy, khúc sông sạt lở dài
hàng trăm thước, sâu vào bên trong gần 50 thước, với nhiều căn nhà cao
hai ba tầng đổ ập xuống sông. Một khúc đường nhựa rộng 6 thước và nhiều
cột điện cũng bị nước cuốn trôi. Rất may mắn là không có ai thiệt mạng
trong vụ sạt lở kinh hoàng này. Tuy nhiên hàng chục căn nhà khác cũng
đang nghiêng ngã, có nguy cơ đổ ập xuống sông bất cứ giờ phút nào. Rất
nhiều xe hơi, xe tải cũng bị cuốn xuống sông trong đêm sạt lở.
Trong một diễn biến khác thì tại tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù nhà cầm
quyền đã huy động lực lượng công an hùng hậu đến trấn áp nhưng hàng trăm
người dân xã Đức Chánh huyện Mộ Đức vẫn quyết liệt ngăn cản công nhân
tiến hành việc tráng nhựa trên đoạn quốc lộ 1 đang mở rộng. Lý do mà
người dân đưa ra là nhà thầu xây dựng đến hôm nay vẫn chưa bồi thường
thiệt hại hàng trăm nhà cửa của họ bị lún nứt do công trình mở rộng quốc
lộ này gây ra. Trước sự chống đối quyết liệt của dân, nhà cầm quyền
huyện Mộ Đức hứa hẹn sẽ buộc nhà thầu chi tiền bồi thường trước ngày
30/8 tới đây.
CAMPUCHIA YÊU CẦU VN NGƯNG XÂY DỰNG Ở BIÊN GIỚI ĐANG TRANH CHẤP
Nhà cầm quyền Campuchia vào hôm qua lên tiếng yêu cầu VN phải lập tức
ngưng xây dựng đường sá hay các cơ sở hạ tầng dọc theo đường biên giới
chưa được phân định rõ ràng giữa hai nước, và chờ đến khi ủy ban biên
giới hỗn hợp hoàn tất việc cắm mốc phân chia biên giới.
Đây là công hàm phản đối thứ tư mà Campuchia gửi cho phía VN, kể từ
khi xảy ra cuộc xung đột ở khu vực biên giới hai tỉnh Long An và Svay
Rieng vào hôm 28/6, với hàng chục người bị thương ở hai phía. Theo dự
trù thì ủy ban biên giới Việt – Miên sẽ nhóm họp vào thứ Hai tuần tới để
giải quyết vụ xung đột này. Nhưng phía Campuchia cho biết là VN đang
xây dựng một con đường tại vùng đất đang tranh chấp và hành động này đã
vi phạm thỏa ước song phương được ký kết vào năm 1995.
Cần nói thêm là Việt nam và Campuchia có biên giới dài hơn 1700 cây số, trong đó có nhiều nơi chưa được phân định rõ ràng.
TRUNG CỘNG SẮP HOÀN TẤT PHI ĐẠO TRÊN ĐẢO ĐÁ CHỮ THẬP
Một bức ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ chụp được cho thấy là Trung Cộng đã
đẩy mạnh tiến trình xây dựng phi đạo dài 3 cây số trên đảo Đá Chữ Thập
(Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, kèm với một số cơ sở hạ
tầng như bãi đậu xe và đài điều khiển không lưu.
Cần nhắc lại là vào tuần trước, giới truyền thông Trung Cộng công bố
một số hình ảnh rất hiền lành về hòn đảo này, với nông trại trồng rau,
nuôi heo và các nữ bộ đội xinh đẹp như minh tinh điện ảnh. Trong khi đó
thì các ảnh vệ tinh của Mỹ, chụp ngày 28/6 vừa qua, không có một bóng
người, với một hồ nước ngọt ngay giữa đảo và một hải cảng sắp xây xong.
Theo một số quan sát viên thì việc Trung Cộng đẩy mạnh công trình xây
dựng không chỉ nhằm mục đích đặt thế giới vào thế đã rồi mà có thể là
vì Biển Đông sắp bước vào mùa bão tố.
THÁI LAN ĐƯA RA QUY ĐỊNH KHẮT KHE VỀ VIỆC ĐÁNH BẮT HẢI SẢN
Khoảng 5 ngàn tàu cá Thái Lan đã tạm ngưng ra khơi vì sợ vi phạm các
qui định mới mà nhà cầm quyền đưa ra nhằm ngăn chận tình trạng đánh bắt
hải sản bất hợp pháp đang có nguy cơ bị các nước Âu châu tẩy chay các
sản phẩm này.
Nhà cầm quyền Thái Lan đã nhanh chóng đưa ra các qui định này sau khi
chính phủ Bỉ đưa ra lời yêu cầu kiểm tra các hoạt động đầy tai tiếng
của ngành ngư nghiệp Thái Lan, trong đó có việc càn quét hải sản, bất kể
các tác hại đến môi trường. Theo khuyến cáo của Bỉ thì nếu trong vòng 6
tháng, Thái Lan không có biện pháp giải quyết thì khối Âu châu sẽ tẩy
chay toàn bộ hải sản Thái Lan, vốn đang đứng hàng thứ ba thế giới về sản
lượng xuất cảng.
Trong một diễn biến khác thì 10 nước châu Á đã đồng ý thành lập một
quỹ tài chánh để trợ giúp các nạn nhân của bọn buôn người. Kết thúc
phiên họp các bộ trưởng nội vụ khối ASEAN vào hôm qua, bộ trưởng nội Mã
Lai cho biết 10 thành viên ASEAN, trong đó có VN, sẽ phối hợp với các tổ
chức quốc tế trong việc giải cứu và trợ giúp tài chánh cho những nạn
nhân của bọn người. Mã Lai đề nghị mỗi nước đóng góp 100 ngàn Mỹ kim,
riêng Singapore hứa hẹn sẽ góp 200 ngàn Mỹ kim.
No comments:
Post a Comment