Monday, July 6, 2015

Đảo nợ

Thứ Hai, ngày 06.07.2015    
Quý thính giả thân mến, đảo nợ là một thủ thuật biến nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn có tính cách chối bỏ trách nhiệm của chế độ đương quyền và chuyển tải trách nhiệm này lại cho các thế hệ tương lai. Thêm vào đó, cán bộ chuyên trách thủ thuật này cũng thuận nước đẩy thuyền làm giàu trên xương máu dân. Để tiếp nối chương trình hôm nay, qua Chuyên mục Chuyện Chỉ Có Ở VN, đài ĐLSN mời quý thính giả theo dõi bài của Việt Hùng tựa đề: “Đảo nợ” sẽ được Tâm Anh trình bày sau đây
Cụm từ đảo nợ có nhiều khái niệm, nhưng hiểu một cách đơn giản đảo nợ là: thay món nợ cũ bằng một món nợ mới. Một người vay nợ do làm ăn không có hiệu quả hay vì một lý do nào đó dẫn đến tình trạng không thể trả nợ khi thời hạn đã đến, trước tiên ngân hàng sẽ bị thiệt hại do không thu hồi được vốn đúng thời hạn, nợ xấu gia tăng, vốn khả dụng giảm, khả năng cho vay giảm và cuối cùng là lợi nhuận giảm theo. Do đó để tránh tình trạng này, ngân hàng kết hợp với khách hàng tìm cách biến món nợ xấu thành món nợ mới, bằng cách làm lại hợp đồng mới tái vay cho khách hàng. Cách thứ hai: khách hàng có thể vay ở ngoài để trả nợ trước, sau đó ngân hàng cho khách hàng vay lại tức là biến vay cũ thành vay mới. Cả hai cách trên đều bị ngân hàng nghiêm cấm.
Một khái niệm khác được hiểu là chỉ giành riêng cho chính phủ, theo đó: ngân hàng cho giải ngân một hợp đồng mới để trả nợ cho hợp đồng cũ. Theo quy chế cho vay của ngân hàng nhà nước Việt Nam thì chỉ có duy nhất là chính phủ mới được phép thực hiện cách đảo nợ này.
Một hợp đồng tín dụng mà các khoản nợ quá hạn trả lãi hoặc gốc đã trên 90 ngày và khả năng trả nợ đáng lo ngại được gọi là nợ xấu. Xử lý nợ xấu bằng phương án bán nợ cho các tổ chức có chức năng chuyên mua bán nợ chuyên nghiệp là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn đã bỏ ra. Năm 2014, công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt nam (VAMC) đã duyệt mua 68 ngàn tỷ đồng nợ xấu, làm giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng cả nước xuống còn khoảng 167.861 nghìn tỷ đồng, chiếm vào khoảng 3,8% so với tổng nợ.
Chính phủ, với tư cách là con nợ, khi các khoản nợ đã đáo hạn (đến hạn phải trả cả gốc lẫn lãi), trong khi không có những nguồn tiền để trả nợ thì việc đi vay để đảo nợ là chuyện mang tính phổ biến. Việc đảo nợ của chính phủ dễ như trở bàn tay, vì ngân hàng nhà nước, cơ quan trực thuộc chính phủ giành riêng cho chính phủ những phương hướng và đường lối giải quyết mà các tổ chức, cá nhân với tư cách là khách hàng không thể có. Như đã đề cập ở trên, đó chính là: tiến hành giải ngân hợp đồng mới để trả nợ cho một hợp đồng cũ đã đáo hạn. Vậy là nợ xấu của chính phủ đã được giải quyết. Quyết sách của chính phủ mà nay được gọi là tái cơ cấu nợ xấu là: vay dài hạn (thường là 10 đến 20 năm) để đảo nợ và thay thế nợ ngắn hạn, làm cho nợ xấu giảm đi, nợ tốt, bình thường tăng lên, bộ mặt tín dụng được cải thiện, trấn an được giới quan sát quốc tế và các nhà đầu tư yên tâm tăng đầu tư vào Việt nam.
Hành động này thực chất là chuyển cho thế hệ sau gánh chịu, đây là cách làm truyền thống của nhà nước cộng sản Việt nam trong suốt quá trình cầm quyền, cai trị đất nước. Một cách làm khác là: Chính phủ phát hành trái phiếu dài hạn, hô hào các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mua, tức là cho chính phủ vay để đảo nợ hoặc bù vào các khoản thâm hụt của ngân sách nhà nước. Điều đáng chú ý là trong việc phát hành trái phiếu, chính phủ chủ trương chỉ phát hành giá trị của trái phiếu bằng nội tệ, ít phát hành bằng ngoại tệ. Lý do phát hành bằng ngoại tệ sẽ khó khăn hơn nhiều so với nội tệ trong việc trả nợ, bởi vì nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt nam còn ít, mặt khác đồng tiền Việt nam mất giá nhanh chóng, dẫn đến tỷ giá hối đoái làm tăng sự rủi ro. Trong khi đó đồng nội tệ mức lãi suất không bù đắp nổi so với tốc độ lạm phát và đồng nội tệ nằm trong sự điều hành, điều chỉnh của chính phủ, chính phủ có thể dùng những thủ thuật để ăn cướp hoặc ít ra là giảm bớt các khoản nợ của mình một cách dễ dàng, một trong những cách đó là tiến hành đổi tiền. Người gửi vào với số tiền trị giá có thể mua được một con trâu, chỉ sau một ngày sau khi đổi tiền, số tiền chỉ còn mua được con gà giống, việc làm này đã diễn từng diển ra cách đây không lâu vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng rầm rộ học theo cách đảo nợ của chính phủ, tìm cách giật tạm chỗ này ,chỗ kia để đắp vào trả nợ cũ, tiếp tục vay khoản mới, vậy là từ nợ cũ thành nợ mới, từ nợ xấu trở thành nợ tốt, nợ bình thường. Các dịch vụ cho vay ngày, tuần với lãi suất cao cắt cổ được mọc lên như nấm, đáp ứng kịp mọi nhu cầu thị trường. Các nhà đầu tư chuyển hướng, dốc cả túi tiền tham gia; các cán bộ tín dụng tích cực hoạt động trở thành môi giới tâm điểm cho hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Các thế lực trong giơí tín dụng Việt nam cấu kết với các đại lý, dịch vụ, phân phối tiền của ngân hàng cung cấp để các đại lý quay lại kiếm lãi.
Đúng là chuyện chỉ có ở ViệtNam !
Việt Hùng

No comments:

Post a Comment