Chuyến viếng thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 9 của TT Hoa Kỳ Joe Biden sẽ không cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Hầu như vấn đề nhân quyền phải nhường bước cho nhu cầu bao vây CSTQ tại Đông Á và Đông Nam Á.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lê Quốc Quân với tựa đề: “Quan hệ Việt – Mỹ: Nhân quyền có được cải thiện qua chuyến thăm?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Lê Quốc Quân
Chuyến đi là để “nâng cấp quan hệ” với Việt Nam. Tuy hai bên đang đặt ra những vấn đề lớn hơn là an ninh khu vực và hợp tác kinh tế, nhưng nhân quyền vẫn là một giá trị căn bản mà Hoa Kỳ thường lên tiếng cổ suý và cần được phân tích.
Mặc dù chưa một tờ báo chính thống nào trong nước đề cập, các nguồn tin ngoại giao quốc tế đã khẳng định sẽ có một chuyến đi của tổng thống Biden đến Việt Nam vào trung tuần tháng 9. Tin tức gần nhất khẳng định, ông Biden sẽ đặt chân đến Việt Nam ngày 10 tháng Chín.
Chuyến đi là để “nâng cấp quan hệ” với Việt Nam. Tuy hai bên đang đặt ra những vấn đề lớn hơn là an ninh khu vực và hợp tác kinh tế, nhưng nhân quyền vẫn là một giá trị căn bản mà Hoa Kỳ thường lên tiếng cổ suý và cần được phân tích. Vậy thực chất nó như thế nào và hai bên sẽ vượt qua trở ngại này để hướng đến tương lai như thế nào?
Vào năm 2015, Việt Nam thông qua bộ luật Hình sự với nhiều điều khoản vừa “khái quát” vừa “mơ hồ” để có thể bắt giữ các nhà hoạt động mà chính quyền cho là “chống nhà nước”. Luật An Ninh mạng cũng được quốc hội chính thức thông qua vào ngày 12/6/2018, tạo cơ sở cho rất nhiều vụ xử phạt về hành chính nhiều công dân khi đang thực hành quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng.
Những vi phạm nhân quyền nặng nề hơn như: “giết người phi pháp, đối xử tàn ác, ngược đãi, giam giữ tuỳ tiện…” cũng được mô tả khá chi tiết trong Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Quyền tự do tôn giáo cũng bị vi phạm
nghiêm trọng. Chính quyền địa phương ngăn cản các giáo phái tin lành ở Tây Bắc
và Tây Nguyên; nhiều hệ phái Tin Lành và nhóm tu tập tại gia không được công nhận,
thậm chí liên tục bị sách nhiễu; một số nhà thờ Công giáo bị chính quyền địa
phương vào giải tán, tịch thu kinh Thánh và yêu cầu linh mục về trụ sở công an
xã làm việc trong khi đang thi hành Thánh lễ.
Tuy vậy, chính quyền Việt Nam vẫn luôn nói là họ tôn trọng nhân quyền và chỉ bắt giam những người vi phạm “pháp luật hình sự” đồng thời phê phán các đánh giá về nhân quyền của Hoa Kỳ là phiến diện, thiếu khách quan, dựa vào những thông tin không chính xác.
Kể từ những năm 1990s, trong các cuộc đàm phán về quan hệ Việt - Mỹ, vấn đề Nhân quyền luôn được nhắc tới. Thông thường, trước khi có một sự kiện hợp tác lớn hoặc chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp, phía Việt Nam đều thả một vài tù nhân lương tâm để coi như là một món quà nhỏ. Tuy nhiên, thông lệ đó gần đây không còn được lặp lại một cách xứng đáng.
“Quà” của Việt Nam cho cuộc gặp lần này, nếu có, chỉ là một tù nhân lương tâm nào đó, có thể là Phạm Đoan Trang được thả và/hoặc ai đó được đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng Việt Nam có thể thả một người và sau đó bắt lại 2-3 người. Ví dụ như ngay thời điểm Antony Blinken đi thăm Việt Nam, gia đình chị Phạm Thanh Nghiên được lên đường đi Mỹ nhưng chỉ trước đó 1-2 ngày, Youtuber Đường Văn Thái bị mất tích tại Thái Lan và sau đó xuất hiện ở Nhà giam Việt Nam và bị truy tố theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Những tuyên bố về nhân quyền trong các chuyến thăm cũng không còn được mạnh mẽ. Các nhân viên đại sứ quán trước đây thường công khai gặp gỡ và chụp ảnh chung với những nhân vật bất đồng chính kiến, nhưng gần đây họ ưa thích một buổi ăn trưa riêng tư nhằm tìm hiểu thông tin và tìm cách an ủi hơn là sự khích lệ. Danh sách khách mời trong những dịp như quốc khánh hoặc kỷ niệm lớn của các quốc gia phương tây đã hướng về những nhân vật “ít nhạy cảm” hơn đối với chính quyền Việt Nam.
Mỹ có thể giảm nhẹ hoặc lờ đi những vấn đề
nhân quyền với Việt Nam để sát cánh hơn nữa với Việt Nam trong một tầm cao quan
hệ mới. Tuy nhiên, nếu như Hoa Kỳ rời bỏ những giá trị cốt lõi của mình, thì
người dân và ngay cả một số lãnh đạo của Việt Nam cũng sẽ đánh giá thấp, thậm
chí gia tăng sự nghi ngờ với chính quyền Hoa Kỳ. Bởi họ nghĩ “điều cốt lõi” mà
các ông vẫn có thể bỏ qua thì cũng có thể “hy sinh” những cam kết của mình bất
cứ lúc nào.
Có thể nói thẳng rằng không có những bước tiến vượt bậc nào về nhân quyền trước, trong và sau chuyến đi của tổng thống Biden. Cấp quan hệ ngoại giao “Đối tác Chiến lược”, nếu được xác lập qua tuyên bố chung của 2 lãnh đạo, có thể có một số câu kiểu như “Chúng tôi cho rằng quyền con người là cần thiết để phát huy tiềm năng của người dân Việt Nam”. Nếu có yêu cầu Việt Nam “tuân thủ các điều ước quốc tế về Nhân quyền”, thì đồng thời cũng khẳng định rằng Mỹ “tôn trọng chế độ chính trị và sư lựa chọn của nhân dân Việt Nam”.
Còn việc đi xa hơn như đòi hỏi Việt Nam thay đổi luật pháp, bãi bỏ Điều 109, Điều 117 hay 331 trong Bộ luật hình sự; công nhận xã hội dân sự và công đoàn độc lập là điều bất khả thi. Thậm chí một cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Hoa Kỳ với các tổ chức “xã hội dân sự độc lập” kiểu thời Obama cũng khó có khả năng xảy ra, hoặc toàn gặp người của “nhà nước”.
Những đòi hỏi về việc trừng phạt, cấm vận hoặc bắt giữ đối với các cá nhân quan chức bộ công an Việt Nam vi phạm nhân quyền chỉ là những gợi ý lý thuyết của các nghị sỹ hoặc tổ chức nhân quyền. Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam (HR 3172) vẫn sẽ nằm chờ hững hờ ở đâu đó trên bàn làm việc của các dân biểu lưỡng đảng cho đến tận sau chuyến đi rất lâu và rất khó thành luật.
Về đường dài, việc gắn kết gần gũi hơn với Hoa Kỳ và các nước phương tây có thể tạo nên được những nhận thức mới của lãnh đạo đảng cộng sản. Họ sẽ thấy rằng Mỹ và các nước phương tây quan tâm đến an ninh khu vực và sự thịnh vượng chung chứ không phải là một âm mưu dùng “lá bài nhân quyền” để lật đổ chính quyền cộng sản như họ thường tự nghĩ.
Còn trước mắt, chuyến đi sẽ không đem lại
một sự thay đổi đáng kể nào.
No comments:
Post a Comment