Tuesday, September 12, 2023

MỘT CUỐN SÁCH LẠ

Bình Luận

Các chế độ chính trị như Phát Xít, Quốc Xã và Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế là những anh em song sinh, cùng bản chất toàn trị và tàn ác như nhau.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống với tựa đề: “MỘT CUỐN SÁCH LẠ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Nguyễn Đình Cống

Vừa qua trang Tiếng Dân đăng bài “Nguồn gốc Quốc Xã của điều 4 Hiến Pháp 2013” của Luật sư Đào Tăng Dực. Bài báo chỉ ra rằng, tuy cộng sản và phát xít chống đối nhau về ý thức hệ, nhưng bản chất độc tài toàn trị lại rất giống nhau đến từng chi tiết. 

Cộng sản và phát xít như 2 khuôn mặt của cặp song sinh cùng trứng. Chúng có tổ chức, có chủ trương đường lối và hoạt động gần như trùng nhau. Chúng hành động giống hệt như việc cùng học từ một thầy và răm rắp làm theo đúng lời dạy của thầy. Nhưng chưa ai tìm thấy thầy đó ở đâu, vì vậy, tôi đoán rằng chúng nó học lẫn nhau theo phương châm “học thầy không tày học bạn”. 

Có nhiều khả năng cộng sản học được từ phát xít để thực hiện những việc sau: 

– Chủ trương độc đảng và tiêu diệt hết tất cả các đảng phái khác bằng bạo lực. Triệt để chống lại nhà nước tam quyền phân lập. 

– Đồng nhất đảng và nhà nước, và đặt đảng cao hơn. Lập các “đảng ủy” để chỉ đạo các tổ chức của nhà nước. Mọi tài sản của đất nước là của đảng. Nhà nước phải trả mọi chi tiêu của đảng. 

– Sùng bái cá nhân lãnh tụ, lãnh đạo. Không ai được phép nghi ngờ sự trong sạch, sự tài giỏi và đạo đức của lãnh tụ hoặc lãnh đạo tối cao. 

– Thống nhất tuyệt đối về tư tưởng theo người đứng đầu đảng. Không cho phép bất kỳ ai có ý nghĩ khác với lãnh đạo, không ai được phản biện lãnh đạo. 

– Đảng dựa vào sự trung thành của công an và tuyên giáo để tồn tại. Mà công an thì dùng bạo lực để đàn áp, còn tuyên giáo dùng dối trá, ngụy biện để tuyên truyền và khống chế. 

– Tổ chức mọi người dân ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi vào các đoàn thể do đảng điều khiển. Không chấp nhận các tổ chức xã hội dân sự. 

Và còn nhiều việc khác… 

Những điều vừa viết được trích từ cuốn sách “CHẾ ĐỘ PHÁT XÍT”, (tên tiếng Anh là Fascism). Đó là một “cuốn sách lạ” vì nó trực tiếp lên án chế độ phát xít, không viết một chữ gì về cộng sản, nhưng lại làm cho cộng sản hoảng sợ, đặc biệt là Cộng sản Việt Nam. Họ tìm mọi cách để hủy diệt cuốn sách, nhưng không diệt được hoàn toàn.

Cùng với bài báo của Luật sư Đào Tăng Dực, tôi xin được giới thiệu qua về cuốn sách nêu trên, để vị nào quan tâm thì có thể tìm đọc. 

Tác giả sách là Tiến sĩ Jeliu Jeliev (1935-2015), người Bungary và có những nghiên cứu sâu sắc về chế độ phát xít ở Đức, Ý, Tây Ban Nha… Ông viết cuốn sách này trước năm 1967, lúc đang là giáo sư ở nước Bungary xã hội chủ nghĩa và gửi in ở nước ngoài. Sau chính biến lật đổ chế độ chuyên chế năm 1989, ông được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của Bungary. Ông giữ chức vụ Tổng Thống nhiệm kỳ 1992 – 1997.

Người dịch sách này ra tiếng Việt là kỹ sư xây dựng Phạm Văn Viêm, quê Thanh Hóa. Viêm học đại học tại Bungary, dịch sách trong thời gian làm xuất khẩu lao động. Anh dịch một cách công khai vì nghĩ rằng tác giả của nó đang được dân Bungary tín nhiệm, bầu làm Tổng Thống. Thế nhưng, sứ quán Việt Nam ở Bungary nhận được lệnh phải bắt Viêm dẫn về nước, đồng thời tịch thu và hủy hết mọi tài liệu để sách và bản dịch của Viêm không lọt về Việt Nam. Viêm bị bắt một lần, đã trốn thoát và trong lúc đi trốn đã dịch lại lần thứ hai. Bản dịch lại đã lọt được về Việt Nam, nhưng rồi Viêm bị bắt lại, bị dẫn độ về nước. 

Giới thiệu sách, tác giả viết:

“Trong thời đại chúng ta, chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với đồi bại nhất về chính trị và tinh thần. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng, trên quan điểm lịch sử chế độ phát xít đã bị tuyệt diệt hoàn toàn.

Nhưng từ đó không thể suy ra rằng, trên quan điểm chính trị nó cũng đã bị tuyệt diệt, rằng trong những điều kiện nhất định, giới cầm quyền chóp bu của một nước nào đó sẽ không dám xử dụng những vũ khí chiến lược của chủ nghĩa phát xít”. 

Nhà cầm quyền một số nước đang sử dụng vũ khí chiến lược của phát xít, nhưng ra sức tuyên truyền dối trá để che đậy và huyênh hoang rằng chính họ mới bảo đảm tự do, dân chủ cho nhân dân. Họ sợ dân đọc “Chủ nghĩa phát xít”, sẽ phát hiện ra sự thật, vì thế họ tìm mọi cách hủy diệt sách đó. 

Như vậy việc nghiên cứu tư tưởng, cách tổ chức, điều hành của phát xít rồi đối chiếu với thực tại để vạch ra những chiến lược của nhà cầm quyền một số nước nhằm cảnh tỉnh nhân dân là có tính thực tế và cấp thiết. 

Nhờ một may mắn hiếm có, tôi đọc được sách này.

Đây là một trong những cuốn sách về chính trị rất nên đọc.

Đây là nội dung cuốn sách “Chế độ phát xít” của tiến sĩ, Tổng Thống Zhelyu Jelev, do Phạm Văn Viêm dịch./.

No comments:

Post a Comment