Wednesday, September 6, 2023

Tin Tức: Thứ Tư 06.09.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1/ TNLT ĐẶNG ĐÌNH BÁCH BỊ CAI TÙ ĐÁNH ĐẬP

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách bị đám cai tù hành hung ngay sau cú điện thoại gọi về nhà để tố cáo vụ nghiêm trọng xảy ra trong trại tù.

Vụ đánh đập được biết đến sau khi gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách lên trại giam ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, để thăm viếng và tìm hiểu về sự việc các tù nhân chính trị bị đe dọa tính mạng khi đang thọ án ở đây vào ngày 5/9.

Ông Thức trong cuộc gọi về gia đình hôm 31/8 tố cáo vụ 4 tù nhân chính trị ở trại giam số 6 bị một nhóm người mặc đồ phạm nhân nhảy vào khu giam giữ tù chính trị uy hiếp tính mạng. Vụ này sau đó được ông Đặng Đình Bách xác nhận với người vợ là bà Trần Phương Thảo.

Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, trong buổi trưa ngày 5/9 cho hay khi cuộc thăm gặp mới diễn ra, ông Thức kêu gia đình ghi lại tên và số hiệu của 8 người công an đứng xung quanh và cho biết đó là "những người đàn áp và gây khó khăn cho anh ở trong trại".

Gia đình cho biết vụ nghiêm trọng xảy ra vào ngày 25/8 là do trước đó 4 tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Đình Bách, Nguyễn Trọng Bằng và Nguyễn Thanh Quang gửi đơn yêu cầu đám cai tù phải niêm yết công khai về khẩu phần ăn ở phân trại số 1 của trại giam.

Ông Thức cũng nhấn mạnh là "nhóm cầm dao đó không phải do đám cai tù mà là nhóm người lạ cầm dao vào uy hiếp”. Ông cho biết thêm là ông Bách bị đánh vào đầu sau khi gọi điện về nhà cho biết vụ này.

2/ MỘT THANH NIÊN ĐỘT TỬ TRONG ĐỒN CÔNG AN TỈNH BÌNH THUẬN

Danh sách những thường dân đột tử trong đồn công an VN vừa có thêm một nạn nhân mới nhất là một thanh niên 28 tuổi chết trong đồn sau vài giờ bị tạm giữ.

Tuy nhiên, tương tự như những cái chết trước đây, công an tỉnh Bình Thuận cho biết là nạn nhân Bùi Văn Hải đột tử vì mệt mỏi và khó thở sau khi bị áp giải đến đồn công an huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Ông Bùi Mạnh Hùng, anh ruột của nạn nhân, cho biết là vào lúc khoảng 6 giờ chiều ngày 3/9, trưởng công an xã Vũ Hòa xuống mời Bùi Văn Hải lên đồn để thẩm vấn. Đến 7 giờ rưởi tối thì công an xã chuyển anh Hải lên đền công an huyện Đức Linh. Nhưng đến lúc 12 giờ đêm thì ông Hùng nhận được thông báo là người em đã chết.

Ông Hùng cho biết thêm là đã chạy đến bệnh viện sau khi được mật báo là em ông bị người ta đánh chết. Khi mở ra thi hài thì thấy đôi mắc trợn lên, miệng mở to với hai tay bị vết còng treo lên và có mất vết cắn nặng ở bắt tay và hai đùi. Ông quay phim chụp hình và khẳng định là anh Hải bị công an đánh chết trong đồn Đức Linh.

Cần biết anh Bùi Văn Hải 28 tuổi có một vợ và một đứa con trai còn nhỏ dưới một tuổi.

3/ ĐÀI LOAN KHÔNG CHO NHẬP HƠN 900 KÝ MÌ ĂN LIỀN VN

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan vào hôm qua 5/9 cho biết đã không cho thông qua hơn 900 ký mì ăn liền hải sản SiuKay của công ty Acecook Việt Nam vì nhiễm hóa chất nông nghiệp bị cấm.

Theo cơ quan nói trên, khoảng 921 ký mì vị hải sản cay của Acecook Việt Nam có chứa khoảng 0.1 mg chất cethylene oxide trong gói gia vị, và điều này đã vi phạm quy định và phải trả về lại Việt Nam.

Cần biết chất ethylene oxide là một loại hóa chất trong thuốc trừ sâu bị cấm tại Đài Loan. Đây là lô mì ăn liền đầu tiên của Việt Nam bị cấm nhập vào Đài Loan trong năm 2023. Ngoài ra, giới chức Đài Loan cũng tìm thấy các sản phẩm nhập từ Nam Hàn và Indonesia cũng có chứa chất bị cấm.

Vào tháng 8 năm ngoái, Đài Loan cũng phát giác hàm lượng thuốc trừ sâu trong mì ăn liền Omachi hương tôm chua cay của tập đoàn Masan. Sản phẩm mì sườn hầm ngũ quả cũng của thương hiệu này cũng bị Đài Loan vào cùng năm phát giác có dư lượng thuốc trừ sâu tương tự. Kết quả gần 2 tấn mì Omachi hương tôm chua cay và 720 ký mì ăn liền Omachi sườn hầm ngũ quả bị phía Đài Loan trả lại hoặc tiêu hủy.

4/ KHỐI ASEAN NHÓM HỌP VỚI 2 ĐỀ TÀI CHÍNH LÀ MIẾN ĐIỆN VÀ BIỂN ĐÔNG

Giới lãnh đạo các nước ASEAN đã họp thượng đỉnh lần thứ 43 tại thủ đô Jakarta của Indonesia vào ngày 5/9, với hai đề tài chính là Biển Đông và Miến Điện gây bất đồng tại phiên họp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Joko Widodo khẳng định là Indonesia, với tư cách là chủ tịch luân phiên, ưu tiên và tôn trọng giá trị bình đẳng giữa các nước ASEAN và tiếp tục đoàn két để đối phó với mọi thách thức trên thế giới.

Tổng thống Widodo nhấn mạnh đến sự đoàn kết của khối ASEAN trong việc giải quyết nhiều đề tài nhưng cũng lưu ý đến sự đoàn kết này không có nghĩa là thiếu sự khác biệt về quan điểm. Hàm ý là muốn nói đến những chỉ trích về bất đồng của khối trong các đề tài lớn như Biển Đông, Miến Điện và sự cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Hoa trong vùng.

Tổng thống Indonesia tái khẳng định là khối ASEAN không chấp nhận trở thành bên ủy nhiệm của bất kỳ cường quốc nào, và hợp tác với tất cả các nước vì hòa bình và thịnh vượng. Ông cảnh cáo là đừng biến ASEAN thành một đấu trường cạnh tranh hủy diệt, mà hãy biến ASEAN thành vùng đất phồn thịnh cho hợp tác.

Về tình hình Miến Điện, giới lãnh đạo ASEAN đã lên án trình trạng bạo lực và các cuộc tấn công thường dân ở Miến Điện. Indonesia thừa nhận là “có rất ít tiến bộ” trong kế hoạch hòa bình 5 điểm đã được thông qua trước đây.

Về tình hình Biển Đông, giới lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về những biến cố nghiêm trọng và hoạt động gần đây ở trên biển, dù không chỉ trích hoạt động gây hấn của chiến hạm Trung Cộng, đặc biệt là đối với Philippines.

Theo dự trù, thời hạn 2026 cũng được ấn định để đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông mà đàm phán đã bị bế tắc từ năm 2011.

5/ DO THÁI VẪN BÁN VŨ KHÍ CHO TẬP ĐOÀN QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN

Nhật báo Do Thái Haaretz vào hôm qua 5/9 đã tiết lộ chính quyền Do Thái tiếp tục bán vũ khí cho tập đoàn quân phiệt Miến Điện, trái với cam kết đưa ra từ năm 2018 là ngưng bán vũ khí cho Miến Điện.

Tiết lộ này được đưa ra vào lúc quân đội Miến Điện thường xuyên bị cáo buộc thảm sát người Rohingya, sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi, cũng như đàn áp người dân sau cuộc đảo chánh năm 2021. 

Theo cáo buộc nói trên, vào năm 2017, quân đội Miến Điện mở cuộc trấn áp đẫm máu người Rohingya. Cùng năm đó, tòa án tối cao Do Thái ra lệnh cấm bán vũ khí cho Miến Điện. Đây là tuyên bố chính thức, nhưng trong hậu trường, hai công ty Do Thái vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Miến Điện. 

Theo các tài liệu mà nhật báo Haaretz tìm thấy được, ít nhất có 4 kiện vũ khí mới đây đã được Do Thái gửi đến Miến Điện. Chuyến hàng cuối cùng là vào tháng 3 năm ngoái, nghĩa là một năm sau cuộc đảo chánh đưa quân đội Miến Điện lên cầm quyền. Tổng cộng có 250 tấn thiết bị quân sự của Do Thái, từ linh kiện cho máy bay cho đến drone, và thậm chí có cả một tháp pháo hải quân điều khiển từ xa có trang bị một khẩu pháo. 

Quân đội Miến Điện chủ yếu mở các cuộc không kích để tấn công những ngôi làng chống lại tập đoàn quân phiệt. Theo Liên Hiệp Quốc, từ khi lên nắm quyền năm 2021, tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã mua hơn một tỷ Mỹ kim vũ khí từ các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là Nga và Trung Cộng.  

No comments:

Post a Comment