Sunday, September 24, 2023

Việt Nam Tuần Qua: 24.09.2023

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, tin đầu tiên trong tuần qua là việc một viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân bị lãnh án tù, xin anh nói thêm về tin này

Hướng Dương: Vân, thưa chị, đó là ông  Vi Đức Ninh – nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lục Ngạn –  vừa bị Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên án tám năm sáu tháng tù với cáo buộc tội “Nhận hối lộ” vào ngày 22/9.

Theo báo Bắc Giang, cùng hầu toà tại phiên sơ thẩm lần này, ngoài ông Vi Đức Ninh còn có bốn người khác bao gồm ba người dân thường và ông Hồ Anh Khoa – nguyên cán bộ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an. Những người này bị kết tội “Môi giới hối lộ”.

Theo cáo trạng, ông Vi Đức Ninh đã nhận hối lộ 500 triệu đồng từ ông Hồ Anh Khoa để chạy án cho hai người khác bị cáo buộc tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” trong một vụ án xảy ra hồi giữa năm 2022.

Số tiền thu xếp để chạy án là bốn tỷ đồng. Ông Hồ Anh Khoa đã đưa cho ông Vi Đức Ninh số tiền một tỷ đồng để chạy án cho hai người nhưng cuối cùng ông Ninh trả lại một nửa vì nói chỉ giúp được một người.

Ngày 14/10/2022, Vi Đức Ninh ra đầu thú và nộp lại 500 triệu đồng đã nhận của Hồ Anh Khoa.

Ngoài ông Ninh bị kết án 8 năm rưỡi tù giam, những người còn lại bị kết án từ bốn đến sáu năm tù.

Bảo Trân: Kế đến là liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu, kỳ này lại có thêm người bị khởi tố, anh có thể cho biết thêm chi tiết được không ạ?

Hướng Dương: Thưa chị, đó là có thêm 5 người nữa chính thức bị khởi tố trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Tất cả bị khởi tố với tội danh “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vào ngày 22 tháng 9 vừa qua.

Ông Vũ Hồng Quang, nguyên phó trưởng phòng Vận tải hàng không, và  Vũ Hoàng Dũng bị khởi tố với tội danh “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ba người còn lại bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú gồm: Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng Phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; Trần Thanh Nhã và Đặng Nhật Đức, Giám đốc Công ty Top Agent Japan. Cả ba người này bị cáo buộc tội “Đưa hối lộ”.

Vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn hai được bắt đầu điều tra từ ngày 9/6 vừa qua. Người đầu tiên bị bắt là ông Trần Tùng, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, với cáo buộc tội “Nhận hối lộ”.

Ông Trần Tùng bị cáo buộc đã đưa 50 triệu đồng cho Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự) để chúc Tết Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Phiên toà sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án giai đoạn một đã diễn ra vào tháng 7 vừa qua. 25 bị cáo là các cựu quan chức Chính phủ bị cáo buộc các tội bao gồm: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Số tiền nhận hối lộ được xác định là gần 165 tỷ đồng.         

Bảo Trân: Về lãnh vực các nhóm hoạt động cho môi trường tại Việt Nam, Cao ủy nhân quyền của LHQ thông báo rằng các nhóm hoạt động này dè dặt trong việc hợp tác với LHQ vì nhà cầm quyền csvn trả thù, việc này ra sao thưa anh?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả, trong báo cáo mới nhất, Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết là nhiều tổ chức xã hội dân sự VN đã không hợp tác với LHQ vì sợ bị bạo quyền Hà Nội đàn áp và trả thù.

Trong báo cáo năm 2022 được trình lên Đại hội đồng LHQ, trong phần về Việt Nam, Cao uỷ Nhân quyền LHQ lưu ý rằng không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã bị thu hẹp do nhà nước VN kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động của họ.

Báo cáo nói rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng luật pháp một cách tùy tiện đã tác động tiêu cực đến khả năng và sự sẵn lòng của các tổ chức nói trên trong việc hợp tác với LHQ. Theo báo cáo, nhiều đối tác xã hội dân sự lâu năm của LHQ đã hạn chế tham gia công khai vào các cơ chế nhân quyền.

Cao uỷ Nhân quyền LHQ cho rằng việc nhà nước Việt Nam áp dụng luật một cách tùy tiện, bao gồm các điều khoản được quy định mơ hồ trong bộ luật Hình sự, liên quan đến tuyên truyền chống nhà nước và khung pháp lý của các tổ chức phi chính phủ, đã tác động tiêu cực đến khả năng và sự sẵn lòng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc tham gia với LHQ.

Các tổ chức dân sự được cho là do dự khi tham gia với LHQ với tư cách là đối tác thực hiện hoặc nhận tài trợ từ LHQ vì sợ bị vi phạm luật thuế vốn phức tạp và mơ hồ ở Việt Nam. Để bảo đảm an toàn cho các tổ chức này, LHQ cho biết giữ kín tên và thông tin chi tiết của họ.

Các vụ bắt giữ giới hoạt động môi trường trong mấy năm qua đã làm chùn bước các tổ chức khác, đặc biệt là việc gửi báo cáo nhân quyền lên LHQ trong thời gian tới.

Bảo Trân: Và đúng như vậy, trong tuần qua lại có thêm 1 người hoạt động bảo vệ môi trường bị bắt phải không thưa anh?

Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, vào ngày 15/9, bạo quyền VN đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc tổ chức sáng kiến về chuyển đổi năng lượng VN (viết tắt là VIET) nhưng chưa rõ lý do của vụ bắt giữ này.

Tổ chức nhân quyền Project 88 loan tin này vào hôm qua 20/9 và cho biết thêm là công an đã lục soát văn phòng của VIET và thẩm vấn các nhân viên, nhưng không công bố lý do.

Theo Project 88, bà Nhiên có hơn 20 năm kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn về năng lượng và kinh tế môi trường, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp.

Ông Ben Swanton, giám đốc Project 88, nhận định là vụ bắt giữ bà Nhiên là dấu hiệu quan trọng cho thấy việc nghiên cứu chính sách năng lượng tại Việt Nam hiện nay là không được phép.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên là nhà hoạt động môi trường thứ 6 bị bắt giữ trong năm nay tại Việt Nam sau vụ bắt giam bà Hoàng Thị Minh Hồng của tổ chức phi lợi nhuận CHANGE bị bắt vào ngày 30/5 vừa qua với cáo buộc “trốn thuế”.

Khi bị bắt giam, bà Nhiên đang làm việc với tổ chức Chương trình Phát triển LHQ để giúp Việt Nam thực hiện cam kết thỏa thuận về cuộc chuyển đổi năng lượng mà nước này vừa đạt được vào cuối năm ngoái với nhóm các đối tác quốc tế. Theo thỏa thuận này, các đối tác sẽ giúp Việt Nam hơn 15 tỷ Mỹ kim để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng bền vững từ xử dụng than đá sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Cần biết là nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào ngày 10/9, bạo quyền Hà Nội đã trả tự do cho một trong số 5 nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ là nhà báo Mai Phan Lợi 18 tháng trước thời hạn tù bốn năm với cáo buộc “trốn thuế”.

 

No comments:

Post a Comment