Thursday, September 21, 2023

Tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch

Chân dung tù nhân

Liên tục chương trình, mời quý thính  giả theo dõi chuyên mục  Chân Dung Người Tù Lương Tâm Trần Đức Thạch do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.

Ông Trần Đức Thạch, là một nhà thơ, sinh năm 1952 cư ngụ tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông bị bắt ngày 23/4/2020 với cáo buộc vi phạm điều 109 -BLHS năm 2015 (tức điều 79 -BLHS năm 1999) “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Báo chí lề đảng loan tin ông Thạch đã có hành vi “lợi dụng dịch bệnh Covid-19, thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết để xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm mục đích kích động phá rối an ninh trật tự”.

Ông Trần Đức Thạch từng tham gia quân đội Bắc Việt và giữ chức vụ Tiểu đội trưởng trinh sát tiểu đoàn 8- E266 trong cuộc nội chiến hai miền Nam-Bắc. Năm 2008, Trần Đức Thạch ghi lại hồi ức mang tên “Hố chôn người ám ảnh”, tố cáo tội ác kinh hoàng của quân đội Việt cộng trong trận đánh tại Tân Lập cuối tháng 4/1975. Những ký ức khủng khiếp về chiến tranh, về tội ác của chế độ mà ông từng phục vụ đã ám ảnh Trần Đức Thạch suốt thời gian sau khi ông rời quân ngũ. Và với tâm hồn nhạy cảm của một người nghệ sĩ trước thời cuộc, Trần Đức Thạch nhận ra rằng chỉ có Tự Do mới mang lại sự đổi thay cho phận người, cho vận nước. Trong một cuộc nói chuyện trên Diễn đàn Paltalk của người Việt hải ngoại hồi năm 2008, Trần Đức Thạch từng bộc bạch: “tôi nhận thức và đòi quyền làm người từ khá sớm. Tôi từng tự thiêu năm 1976 để đòi quyền làm người. Tôi quyết chết nhưng chúng đã cứu tôi. Bộ đội cộng sản dập lửa, không cho tôi chết”. Trần Đức Thạch không chết nhưng cuộc tự thiêu đã khiến khuôn mặt và cơ thể ông bị biến dạng do bỏng nặng. Ông vẫn tiếp tục phản kháng, theo cách riêng của ông, quyết liệt và có phần liều lĩnh. Năm 2000, ông bị bắt và bị kết án 15 năm với tội danh “chống chính quyền”. Án tù này sau đó đã giảm xuống còn 8 năm.

Lần thứ hai ông bị bắt vào năm 2009 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”- điều 88 BLHS năm 1999. Ông bị kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế. Khi ra tù, ông tố cáo các điều tra viên, cai tù nhiều lần dùng nhục hình, tra tấn, bức cung để ép buộc ông nhận tội theo ý họ muốn. Khủng khiếp hơn, cai tù còn dùng dùi cui cao su đánh vào dương vật của ông như một trò tiêu khiển. Nhưng ông vẫn không nhận tội. Như nhiều TNLT can trường khác, ông Trần Đức Thạch cũng “ăn đủ ở đủ” 3 năm tù, không được giảm án ngày nào vì không chịu khuất phục. Ra tù, ông bị quản chế 3 năm, bị đánh đập và sách nhiễu nhiều lần.

Ông Thạch bước chân vào tù lần thứ 3 khi đã xấp xỉ tuổi 70, cái tuổi mà quỹ thời gian của cuộc đời không còn nhiều nữa. Trần Đức Thạch đã mất cả tuổi thanh xuân vào cuộc chiến tranh phi nghĩa mà khi ấy, ông những tưởng đó là một sự cống hiến đầy cao đẹp. Sự trớ trêu và những năm tháng gian khổ thời chiến như một lẽ dĩ nhiên đã hủy hoại sức khỏe và gặm nhấm tâm hồn ông. Với Trần Đức Thạch, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Chỉ khác là, sau ngày 30/4/1975, Trần Đức Thạch không còn phải cầm súng, không phải chứng kiến những “hố chôn người ám ảnh” nữa. Thay vào đó là một cuộc chiến khốc liệt kéo dài đến tận hôm nay. Một cựu TNLT từng có một nhận định rất cay đắng về Trần Đức Thạch rằng, “ông đã dùng gần như cả cuộc để đấu tranh và ...ở tù (cả tù giam lẫn tù nhà), và để đòi quyền làm người”.

Đã gần 5 tháng trôi qua kể từ khi Trần Đức Thạch bị bắt, không ai biết tin tức gì về ông. Song người ta biết chắc chắn một điều rằng, lần tù này đối với ông là cuộc chiến sinh tử. Cuộc chiến ấy đòi hỏi nhiều hơn một sự phi thường. Sự phi thường mang tên Trần Đức Thạch, và những điều không dễ gọi tên. Xin Ơn Trên, xin hồn thiêng sông núi ban sức mạnh, nâng đỡ và phù trợ cho Trần Đức Thạch- người tù không tội.

Thúc Lân

 

No comments:

Post a Comment