XHCN thực ra không có thực chất, mà là một chiêu bài của các chế độ độc tài cai trị bằng gian dối và bạo lực. Đó là lý do tại sao chiến tranh thường xuyên xảy ra giữa các quốc gia XHCN giống nhau.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Kim Văn Chính với tựa đề: “Tại sao chiến tranh xảy ra rất nhiều giữa các nước Xã hội Chủ nghĩa?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Kim Văn Chính
Câu hỏi này đã có từ lâu nhưng ít công trình nghiên cứu cặn kẽ. Hôm qua có một bạn Facebook đặt ra, làm tôi chú ý. Rất khó trả lời ngắn gọn và ngọn ngành. Nhưng có một sự thật là giữa các nước XHCN (dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian vài chục năm) lại hay xảy ra chiến tranh hơn hẳn khi so sánh với các nước có định chế không phải XHCN.
Chiến tranh, xung đột mang tính chiến tranh giữa các
nước XHCN, thậm chí còn nhiều hơn chiến tranh giữa một bên là nước XHCN với bên
kia là một nước TBCN (“đối thủ lý thuyết” của nó).
Kết luận có tính thống kê này chắc chắn gây khó chịu cho những người còn tin vào XHCN (nhất là những người còn tin vào tín điều XHCN là tốt đẹp hơn TBCN và tin vào tương lai của đất nước nhất định sẽ tiến lên XHCN).
Dù vậy, sự thật lịch sử vẫn là sự thật. Nỗi ô nhục tạo ra chiến tranh huynh đệ đánh lẫn nhau không gì gột rửa được và thanh minh được. Và trớ trêu thay, Việt Nam lại là đất nước điển hình và kỷ lục nhất trong việc có chiến tranh huynh đệ với các hàng xóm cộng sản (XHCN) với nhau. Chưa có lý giải nào hoặc công trình nghiên cứu nào thỏa đáng về vấn đề nhức nhối và phức tạp này.
1. Về lý thuyết và các tuyên ngôn của các đảng, các quốc gia và phong trào cộng sản thế giới thì các nước XHCN phải là thành trì của hòa bình, ít nhất, mang lại hòa bình cho nhân dân trong nước, tiếp theo là xây dựng quan hệ hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước đồng chí anh em.
2. Hồi còn nhỏ, tôi và nhiều người cùng thế hệ mỗi lần hát vang đồng ca các bài hát “Việt Nam – Trung Hoa chung một dòng sông thắm tình hữu nghị…” đều lâng lâng tự hào mình là con em của một đất nước XHCN trong quan hệ bạn bè vững chắc với người anh em cũng XHCN phía Bắc.
Rồi khi tôi đi bộ đội năm 1970, sau khi cộng sản Khmer Đỏ (Cần nhớ Khmer Đỏ và lãnh tụ Pol Pot của họ là cộng sản nòi, một thời – khi chưa gây chiến – là anh em keo sơn với Cộng sản Việt Nam), suốt những năm 1971-1973, tôi phục vụ trong đơn vị quân đội chuyên giúp đỡ, phối hợp với chính quyền non trẻ Khmer Đỏ. Anh em với nhau nhường nhau cả củ khoai củ sắn. Tình hữu nghị quốc tế vô sản muôn năm!
Nhưng sự thật lịch sử của các đảng lãnh đạo, kéo theo lịch sử đất nước, dân tộc 3 nước Việt Nam – Trung Quốc – Campuchia cộng sản (Khmer Đỏ) suốt thập niên 1970-1980 thật là chua xót, đớn đau, gây nên không những chết chóc, thương tật cho hàng chục ngàn lính trẻ và dân thường, mà còn làm cho dân tộc ta chìm trong khốn khổ của chiến tranh, bị bao vây cấm vận, coi thường, khinh bỉ, dân tộc tụt lùi phát triển giữa lúc cần tăng tốc ganh đua, làm suy đồi đạo đức, nhân cách của mấy thế hệ về sau.
3. Khi tôi ra nước ngoài (Liên Xô) du học, rồi được chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng, ngoạn mục của các nước XHCN bên châu Âu (kể cả ở Nga), tôi lại chịu khó để ý, tham quan, nghiên cứu các mô hình nhà nước hậu XHCN (hậu cộng sản), tôi thấy: Chiến tranh giữa các nước XHCN hóa ra nó có tính quy luật, tức là phổ biến hơn khi so sánh với các nước không phải XHCN.
4. Có thể nói: XHCN phát triển đến đâu thì nguy cơ xảy ra chiến tranh với chính những nước anh em XHCN hàng xóm trở nên thường trực đến đấy. Đó là sự thật lịch sử, có bằng chứng, thực chứng rõ ràng 13 cuộc chiến giữa các nước XHCN với nhau. To nhất là chiến tranh giữa Liên Xô và Trung Quốc năm 1969. Nặng nề nhất là Việt Nam có 2 ông hàng xóm XHCN đều có chiến tranh ác liệt với họ, kéo dài mỗi cuộc hàng chục năm. Thường xuyên nhất là mấy nước châu Phi loe hoe đi theo mô hình XHCN như Angola, Mozambik, Ethiopia, Somali…
Nước gây chiến nhiều nhất chính là Liên Xô. Đó là chưa kể các nước XHCN đánh nhau khi còn là anh em chưa đủ. Khi họ chuyển đổi sang hậu XHCN vẫn còn đánh nhau to và nhiều cuộc chiến rất thảm khốc:
– Điển hình là cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine – nó chính là chiến tranh hậu XHCN. Nếu cả Nga và Ukraine không trải qua thời XHCN anh em trong liên bang Xô Viết thì tôi dám chắc là không có cuộc chiến tàn bạo như hiện nay đang diễn ra.
– Rồi chiến tranh Nga với Chechnya, Nga với Georgia, Nga với Moldova, giữa một số nước Trung Á với nhau cũng có xung đột, giữa Azerbaijan và Armenia.
– Các cuộc chiến giữa các nước Nam-Tư cũ – chủ yếu là
giữa Serbia với các nước cộng hòa khác trong Liên bang Nam-Tư suốt thập niên
1990 cũng là tàn dư chiến tranh hậu XHCN…
Rất nhiều tác giả Liên Xô và các nước XHCN trước đây thuộc phái chủ nghĩa Mác đã cố gắng chứng minh tính không thể xảy ra “xung đột đối kháng” (bao gồm cả chiến tranh) giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự thật lịch sử các cuộc chiến tranh vẫn là dữ liệu sống cần nghiên cứu, lý giải.
– CNXH giờ chỉ còn tồn tại trên giấy hoặc khẩu hiệu để lợi dụng, ngu dân ở một vài nước lẻ tẻ, không có sức sống nữa. Xét về nguy cơ chiến tranh, đó chắc chắn là điều mừng, điều tốt cho thế giới, cho loài người. Nguy cơ chiến tranh giữa các nước XHCN coi như không còn nữa (trừ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc có biên giới đất liền và biển với nhau thì nguy cơ vẫn còn thường trực).
– Để triệt thoái nguy cơ chiến tranh, các vấn đề hậu XHCN không phải một sớm một chiều triệt thoái được. Nga, Belarus và Ukraine, cả các nước Trung Á, Kavkaz, một số nước Nam-Tư cũ, nước Hungary nữa… còn phải rất vật vã lột xác để xóa bỏ các tàn dư độc hại của mô hình xã hội cũ, đạt đến mô hình văn minh.
– Điều gì rút ra cho Việt Nam?
Xin để các tác giả khác có điều kiện viết tiếp, vì nó
rất dài…
No comments:
Post a Comment