Tập Cận Bình là một nhà độc tài đang phải đối phó với nhiều kẻ thù từ trong nội bộ lẫn bên ngoài đảng. Bị dồn vào chân tường, họ Tập càng nguy hiểm hơn cho nền hòa bình thế giới.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Tập Cận Bình bị ‘nội công ngoại kích’” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân
Tuần qua cả ông Joe Biden, tổng thống Mỹ,
và ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đều nỗ lực lôi kéo thêm đồng minh để củng
cố phe cánh; Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam, còn Nga đón tiếp trọng thể ông
Kim Jong Un, lãnh tụ Bắc Hàn; chỉ riêng ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc,
im lặng một cách khó hiểu.
Nhiều nhà quan sát nhận định, ông Tập đang
khốn đốn vì “nội công, ngoại kích” khiến ông không thể rời khỏi Trung Nam Hải.
Gây ngạc nhiên nhất là sự vắng mặt của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ. Từ khi lên cầm quyền năm 2012 đến nay, ông Tập chưa bỏ lỡ một hội nghị cấp cao nào của G20; hội nghị không tổ chức trực tiếp được vì dịch COVID-19 thì ông ta đọc diễn văn qua mạng.
Trung Quốc coi trọng vai trò của G20 – diễn đàn của 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới cộng với Liên Minh Châu Âu (nay có thêm Liên Hiệp Châu Phi, tham gia từ 2023), coi đó là tổ chức mà Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng, tạo ra một đối trọng với khối G7, chỉ gồm bảy quốc gia công nghiệp phát triển nhất và đều là các nền dân chủ đa đảng.
Vì thế, ông Tập không đến hội nghị G20 năm
nay có thể là do một lý do bất khả kháng nào đó, nhất là khi Trung Quốc biết rõ
sự vắng mặt của ông Tập (và cả của ông Putin, nhà lãnh đạo Nga) là cơ hội tốt
cho ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Lý do lớn nhất có thể là do nền kinh tế
Trung Quốc đang lâm bệnh nặng. Hy vọng kinh tế phục hồi nhanh chóng sau khi
chính sách “không COVID” khắc nghiệt được bãi bỏ đầu năm nay đã không thành hiện
thực. Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng cả năm nay của Trung Quốc chỉ
có thể đạt 5%, thấp hơn cả Ấn Độ (7%) và Mỹ (6%). Nhà cửa xây lên không bán được,
người dân hạn chế chi tiêu, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, thậm
chí không muốn đi làm. Trong lúc cả thế giới lo chống lạm phát (inflation) thì
Trung Quốc ngược lại, bị rơi vào thiểu phát (deflation) nguy hiểm không kém.
Kinh tế suy yếu không chỉ là mối đe dọa trật tự và ổn định xã hội mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới. Bắc Kinh bây giờ không thể quảng bá là “công xưởng của thế giới,” là “động lực tăng trưởng toàn cầu” và vẽ ra viễn ảnh tươi đẹp rằng Trung Quốc sẽ soán ngôi bá chủ của Hoa Kỳ trong một tương lai không xa. Thêm vào đó, những chính sách hung hăng thiếu suy nghĩ của Bắc Kinh – như việc tung ra tấm “bản đồ tiêu chuẩn 2023” gây phản ứng dữ dội trong các nước láng giềng – càng làm cho Trung Quốc thêm xấu xí trong con mắt của người dân các nước.
Về kinh tế, những luồng gió ngược đang nổi lên mạnh mẽ ở cả châu Âu và Bắc Mỹ. Hoa Kỳ, sau khi đã cử một số bộ trưởng sang Trung Quốc điều đình về nối lại liên lạc cấp cao mà không thành công, chẳng những không nhượng bộ mà càng lúc càng cứng rắn hơn. Sắc lệnh của Tổng Thống Biden hạn chế các tổ chức của Mỹ đầu tư vào các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp siết chặt xuất cảng các mặt hàng công nghệ cao là những đòn hiểm của Washington mà Bắc Kinh chỉ có thể trả đũa yếu ớt bằng lệnh cấm công chức viên chức của nước này sử dụng điện thoại iPhone của Apple.
Sự kiện Liên Minh Châu Âu đầu tuần này bắt đầu cuộc điều tra chống phá giá, chống trợ cấp mặt hàng xe hơi chạy điện (EV) của nước này nhập cảng vào Châu Âu lại là một đòn hiểm khác. Xưa nay, Trung Quốc vẫn sử dụng thủ đoạn trợ cấp hào phóng cho các công ty quốc doanh phát triển một mặt hàng chiến lược nào đó – chẳng hạn như tàu lửa cao tốc, điện thoại thông minh, tấm năng lượng mặt trời (solar panel) và xe điện – để làm ra sản phẩm giá rẻ, đẩy các công ty Mỹ và Châu Âu tới chỗ phá sản vì không cạnh tranh nổi để cho công ty Trung Quốc độc chiếm thị trường. Thủ đoạn đó đã bị vạch trần và EU quyết chống lại, vì xe hơi là mặt hàng xuất cảng chủ lực của châu lục này.
Trong tình cảnh nội công ngoại kích như vậy,
thay vì bình tĩnh tự xét lại mình, ông Tập và đảng CSTQ lại tung ra những biện
pháp cực đoan, ưu tiên cho tập trung sự kiểm soát vào tay đảng Cộng Sản và cá
nhân ông Tập, coi phát triển kinh tế là thứ yếu.
Một mặt Bắc Kinh đổ thừa cho Washington kiềm
chế sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc; một mặt họ đẩy mạnh những chính sách cứng
rắn về củng cố quốc phòng, an ninh; tất cả đều được thực hiện theo một thứ chủ
nghĩa dân tộc cực đoan và nguy hiểm.
Đáng lo ngại là mỗi khi Trung Quốc gặp rắc rối trong nội bộ, đảng CSTQ thường gây xung đột bên ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý của dân chúng và kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Kinh tế trì trệ hiện không làm chậm cuộc quấy nhiễu Đài Loan bằng Không Quân, Hải Quân. Bóng ma của một cuộc chiến tranh trên eo biển Đài Loan hoặc trên vùng Biển Đông càng rõ hơn bao giờ.
Trong cuộc họp báo ở Hà Nội đầu tuần này, hãng tin Bloomberg tường thuật lời Tổng Thống Joe Biden nói: “Tôi không nghĩ nó [tình trạng hiện nay] sẽ khiến Trung Quốc xâm lăng Đài Loan, sự thực ngược lại là có lẽ [Trung Quốc] không còn cái năng lực mà họ có trước đây.”
Có thể Tổng Thống Biden có những thông tin
mà dân thường không biết được; nhưng tốt nhất là hãy đề cao cảnh giác vì suy
cho cùng chẳng ai biết được ông Tập đang nghĩ gì và sẽ làm gì để thoát ra khỏi
tình cảnh khó khăn hiện nay. Một Trung Quốc hùng mạnh có thể là mối đe dọa
nhưng một Trung Quốc suy yếu có khi còn đáng sợ hơn, nhiều chuyên gia đồng ý
như vậy.
No comments:
Post a Comment