Saturday, September 23, 2023

Nữ Tướng Triệu Thị Trinh

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Qua gần 5 ngàn năm chống ngoại xâm để dân tộc được sinh tồn, sử Việt ghi lại nhiều phụ nữ Việt Nam đã góp công trong việc bảo vệ tổ quốc. Dân tộc Việt đã sản sinh ra rất nhiều bậc anh thư kiên cường chiến đấu trong tinh thần bất khuất, để dựng lại ngọn cờ tự chủ.

Đến nay, tấm gương anh dũng của các bậc anh thư này vẫn đang được các nữ lưu hậu duệ noi theo trong cuộc đấu tranh chống Tàu Cộng phương Bắc.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi gửi đến quý thính giả bài “Nữ tướng Triệu Thị Trinh” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

"Muốn coi lên núi mà coi,

Có bà Triệu tướng, cưỡi voi đánh cồng"

Khi nói đến truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt, chúng ta thể không nhắc đến bà Triệu, một phụ nữ đã không ngại hiểm nguy, xông pha trận mạc chống giặc Ngô xâm lấn cõi bờ. Sau Hai Bà Trưng, bà Triệu cũng được lịch sử nước Việt xem là một anh thư khả kính của dân tộc và vẫn in đậm trong tâm thức mỗi người Việt với lòng ngưỡng mộ và tự hào về giòng giống Lạc Hồng.

Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh, còn được gọi là Triệu Trinh Nương, sinh ngày 2/10 nǎm Bính Ngọ (226) tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình hào trưởng. Bà là người nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ và có trí lực hơn người.

Khi quân Ngô xâm chiếm nước Việt, gây ra bao cảnh đau thương cho dân chúng, dù khi đó chỉ mới 19 tuổi, Bà đã bỏ nhà vào núi rừng xây dựng cǎn cứ địa, chiêu mộ nghĩa quân đánh đuổi quân giặc. Khi người anh trai nhắn gọi bà về nhà để lấy chồng, bà đã khẳng khái trả lời: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người".

Không thuyết phục được em gái từ bỏ cuộc đấu tranh gian khổ, người anh trai là Triệu Quốc Đạt đã gia nhập lực lượng và được tôn làm chủ tướng. Bà Triệu được binh sĩ gọi là Nhuỵ Kiều tướng quân vì khi ra trận Bà mặc áo giáp vàng, chít khǎn vàng, cưỡi voi một ngà.

Quân của Bà đi đến đâu đều được dân chúng hưởng ứng. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con gia nhập vào đoàn quân của Bà.

Từ 2 căn cứ vùng Nưa và Yên Định, Bà và người anh dẫn quân đánh chiếm quận lỵ Tư Phố nằm ở vị trí hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quân Đông Ngô trên đất Cửu Chân, đứng đầu là Tiết Kính Hàn. Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng của con sông này.

Sau khi đến đồng bằng, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh tôn bà Triệu lên làm chủ tướng.

Được tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, Tôn Quyền liền phái tướng Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu, mang theo 8 ngàn quân để trấn áp cuộc khởi nghĩa. Vừa đến nơi, tướng Lục Dận liền dùng vàng bạc mua chuộc một số lãnh tụ địa phương để làm suy yếu và gây chia rẽ lực lượng nghĩa quân.

Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, bà Triệu chống quân Đông Ngô được 5 tháng thì thua trận, tuẫn tiết trên núi Tùng (thuộc tỉnh Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248). Lúc đó bà chỉ mới 23 tuổi. Từ đó nước Việt bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến năm 265.

Về sau, vua Lý Nam Đế khen bà Triệu là người trung dũng và sai lập miếu thờ, phong là "Bật chính Anh liệt, Hùng tài Trinh nhất Phu nhân". Bà Triệu còn được người đời tôn là Lệ Hải Bà Vương. Hiện nay, nơi núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn di tích lăng mộ của Bà.

Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng vẫn tổ chức lễ giỗ Bà. Nhiều trường học và đường phố được đặt tên Bà. Riêng tại Hà Nội, có một con phố mang tên phố Bà Triệu.

*****

Sau Hai Bà Trưng, Bà Triệu mặc dù thua trận, nhưng cũng được xem là vị anh thư thứ 3 nêu gương ái quốc cho dân tộc Việt.

Điều đáng hãnh diện hơn nữa, là tấm lòng yêu nước thương dân của Hai Bà Trưng và bà Triệu vẫn được lưu truyền suốt mấy ngàn năm qua. Bất cứ thời nào, dân tộc cũng sản sinh ra được những bậc anh thư kiệt xuất. Chẳng hạn như nữ tướng Bùi Thị Xuân thời Tây Sơn hay Cô Bắc, Cô Giang của Việt Nam Quốc Dân Đảng dưới thời chống Pháp. Và bây giờ dưới chế độ Cộng Sản độc tài thì hàng loạt phụ nữ đã dấn thân tranh đấu để quyết đòi lại quyền làm người với những lời tuyên bố đầy can trường.

Lịch sử VN rồi đây sẽ vinh danh họ và sẽ khắc ghi mãi mãi nỗi ô nhục của đảng CSVN, những kẻ tự hào là "vì dân, do dân" nhưng lại đối xử tàn bạo với đồng bào mình hơn cả giặc Tàu hay Pháp. Bạo quyền CSVN có thể bỏ tù những phụ nữ can trường đó, nhưng sẽ không sao dập tắt được ngọn lửa đấu tranh đã được họ thắp lên trong bóng tối âm u của hiện tình đất nước.

Tương tự như Bà Triệu, họ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, giành lại chủ quyền của VN ở Biển Đông, đánh đuổi quân xâm lược, dẹp bỏ chế độ độc tài cộng sản, chứ không chấp nhận cúi đầu làm nô lệ cho Đại Hán. Truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt muôn đời bất diệt.

No comments:

Post a Comment