Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ ĐÀI LOAN SIẾT CHẶT THỊ THỰC ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI DU KHÁCH VIỆT
Những người Việt Nam xử dụng visa Nhật Bản và Nam Hàn để
xin cấp thị thực điện tử nhập cảnh vào Đài Loan không được chấp thuận khi đăng bạ
trên mạng, kể từ 10 giờ ngày 14/9 vừa qua.
Trong thông báo đưa vào ngày 13/9, Văn phòng Kinh tế và Văn
hóa Đài Bắc tại Sài Gòn cho biết quy định này chỉ áp dụng duy nhất cho Việt
Nam, các nước còn lại trong Đông Nam Á vẫn giữ chính sách cũ. Các công ty du
lịch VN cho rằng việc siết chặt điều kiện cấp thị thực của Đài Loan là nhằm mục
đích ngăn chận người Việt dùng thị thực của Nhật Bản và Nam Hàn để nhập cảnh
đến Đài Loan với các “mục đích khác”.
Các công ty du lịch VN đang rất lo ngại
trước chính sách thay đổi này vì sẽ gây tiêu cực đến các doanh nghiệp trong
ngành du lịch của VN trong thời gian tới. Một số công ty đang có lượng du khách
đi Nhật và Nam Hàn bị giảm đáng kể.
Theo quy định trước đây, những người nộp đơn dạng này sẽ tự
động được cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần có giá trị trong 3 tháng, cho phép
mỗi cá nhân ở lại tối đa 30 ngày mỗi lần.
Đây không phải là lần đầu tiên Đài Loan thực hiện các biện
pháp siết chặt thị thực đối với du khách Việt Nam. Vào năm 2019, giới chức Đài
Loan đã tạm dừng cấp thị thực điện tử cho các đoàn du lịch Việt Nam tham gia
chương trình đặc biệt. Quyết định này được đưa ra sau vụ Đài Loan bắt giữ 17
trong số 152 du khách Việt Nam bị nghi ngờ bỏ trốn để điều tra.
Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường đóng góp lớn nhất cho ngành du lịch Đài Loan. Năm 2019, một năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Đài Loan đã đón hơn 777 ngàn du khách Việt Nam.
2/ KHỐI ASEAN LẦN ĐẦU TIÊN TỔ CHỨC TẬP TRẬN Ở BIỂN ĐÔNG
Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức một cuộc tập trận lần đầu tiên, có
tên là Solidarity Exercices-1 (gọi tắt là ASEX 01) kéo dài 5 ngày.
Cuộc tập trận khai mạc vào hôm qua 19/9, diễn ra tại khu vực ngoài khơi phía
nam quần đảo Natuna của Indonesia.
Theo nhiều nhà quan sát, cuộc diễn tập quân sự đầu tiên này
là một tín hiệu “đoàn kết” của khối
ASEAN gửi đến Trung Cộng.
Quân đội Indonesia thông báo đây là một
đợt diễn tập “không
bao gồm các bài tập chiến đấu mà chỉ nhằm mục đích phát triển các kỹ năng quân
sự phối hợp, bao gồm an ninh hàng hải và tuần tra cũng như phân phối hỗ
trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai”.
Các thành viên ASEAN đều cử lực lượng tham gia. Riêng Miến
Điện chỉ cử tùy viên quân sự đến quan sát. Cuộc tập trận lần này có sự hiện
diện của 5 chiến hạm từ Indonesia, Brunei, Mã Lai và Singapore. Không
quân Indonesia cũng cử trực thăng tham gia.
Khi được hỏi liệu khối ASEAN có gửi đi một thông điệp mạnh
mẽ hơn chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông hay không, Tư
lệnh Margono cho biết là khối ASEAN có lập trường vững chắc về vấn đề này,
đồng thời cho biết thêm là khối ASEAN đã đồng ý tổ chức các cuộc diễn tập quân
sự hàng năm. Trong tương lai, cuộc diễn tập sẽ được mở rộng hơn với các
cuộc tập trận toàn diện với sự tham gia của lục quân, hải quân và không quân.
Chuyên gia Muhammad Waffaa Kharisma, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khẳng định cuộc tập trận này mang lại một “luồng sinh khí mới” cho ASEAN trong bối cảnh khối này đang lâm vào tình trạng “trì trệ và bế tắc” trong nhiều năm qua. Cụ thể là các cuộc đàm phán kéo dài giữa ASEAN và Trung Cộng về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và cuộc khủng hoảng Miến Điện.
3/ QUÂN NGA VỪA MẤT THÊM HAI ĐẠI TÁ, NÂNG CON SỐ LÊN ĐẾN VÀI TRĂM
Vừa có
thêm một đại tá nhảy dù của quân Nga tử trận ở miền đông Ukraine, chỉ một thời
gian ngắn sau khi một đồng cấp của ông này bị thiệt mạng.
Đại tá Andrei Kondrashkin bị tử trận ở
tuổi 44 tại làng Andriivka, phía nam Bakhmut vào cuối tuần qua. Tin này được tư
lệnh phó đội cận vệ Rosgvardia xác nhận trên mạng vào ngày 17/9.
Có vẻ như phía Nga đang phải tung vào
trận nhiều đơn vị nhảy dù tinh nhuệ để cầm chân quân Ukraine đang trên đà
phản công ở phía tây nam nước họ. Giới báo chí Ukraine và Tây phương cho rằng khoảng
10 ngàn lính dù Nga đã được đưa vào chiến trường, thay thế giới bộ binh ở các
điểm trọng yếu trên tuyến phòng thủ của Nga ở tây nam Ukraine.
Ông Kondrashkin là trung đoàn trưởng
Trung đoàn dù số 31, và là sĩ quan cấp tá chết trận mới nhất sau khi Đại tá
Vasily Popov 38 tuổi bị giết cũng trên lãnh thổ Ukraine trước đó. Ông Popov là
lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 247 và mới lên chức vào khoảng tháng 8 năm ngoái.
Người tiền nhiệm của ông, đại tá
Konstantin Zizevsky, đã tử trận vào mùa xuân năm 2022.
Trang Top Cargo
200 chuyên theo dõi số thương vong trong cấp chỉ huy của quân Nga ở Ukraine,
cho hay có hơn 450 thiếu tá, gần 250 trung tá và khoảng 100 đại tá của Nga đã
thiệt mạng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Vào tháng 11 năm 2022, Đại tướng Mark Milley, tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nêu ước tính là khoảng 100 ngàn binh sĩ Nga và 100 ngàn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến ở Ukraine.
4/ ẤN ĐỘ PHỦ NHẬN VỤ SÁT HẠI THỦ LÃNH NGƯỜI SIKH Ở CANADA
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ ông đang
tích cực theo đuổi các cáo buộc đáng tin cậy là đặc vụ Ấn Độ có liên quan trong
vụ sát hại một thủ lãnh phe ly khai người Sikh, điều mà Ấn Độ bác bỏ là vô lý.
Cuộc tranh chấp này giáng một đòn mới vào mối quan hệ ngoại
giao vốn đã rạn nứt trong nhiều năm, theo đó thì Ấn Độ không hài lòng về hoạt
động ly khai của người Sikh ở Canada. Hiện Ấn Độ cũng mạnh mẽ chỉ trích các mối
quan hệ thương mại giữa hai nước bị đóng băng vào tuần trước.
Mỗi nước cũng trục xuất một nhà ngoại giao của nước kia.
Canada trục xuất nhân viên tình báo hàng đầu của Ấn Độ, trong khi New Delhi đáp
trả bằng cách yêu cầu một nhà ngoại giao Canada có 5 ngày phải rời khỏi Ấn Ðộ.
Ông Trudeau nói với quốc hội vào hôm 18/9 là bất cứ sự liên
quan nào của chính phủ nước ngoài đến vụ sát hại một công dân Canada đều là sự
vi phạm chủ quyền không thể chấp nhận được.
Ông Trudeau ám chỉ đến ông Hardeep Singh Nijjar 45 tuổi, bị
bắn chết bên ngoài một ngôi đền của người Sikh vào ngày 18/6 ở vùng Surrey
thuộc ngoại ô Vancouver có đông người theo đạo Sikh, ba năm sau khi Ấn Độ coi
ông này là “kẻ khủng bố”.
Ông Nijjar là người ủng hộ quê hương của người Sikh là một quốc gia độc lập, được gọi là Khalistan ở tiểu bang Punjab thuộc phía bắc Ấn Độ, nơi khai sinh đạo Sikh.
No comments:
Post a Comment