Friday, September 8, 2023

Tin Tức :Thứ Sáu 08.09.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

1) TƯỚNG CÔNG AN THỪA NHẬN CÓ YẾU TỐ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRONG VỤ TẤN CÔNG Ở ĐẮC LẮC

Liên quan đến nguyên nhân vụ tấn công hai trụ sở công quyền xã tại tỉnh Đắc Lắc, tướng Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng Bộ Công an lần đầu tiên nhắc đến vấn đề “đất đai”, một thực tế “nhạy cảm” trong chế độ cộng sản.

Mặc dù vẫn khẳng định vụ tấn công là do thế lực “thù địch” xúi giục, nhưng ông Trần Quốc Tỏ cho biết còn có nguyên nhân khác là sự “phân hóa giàu nghèo” và “tranh chấp đất đai” giữa người dân và chính quyền địa phương. Lời thú nhận của tướng Tỏ được đưa ra với cương vị đại biểu quốc hội, trước phiên họp của Uỷ ban Tư pháp vào hôm 6/9.

Ông Tỏ cho biết thêm là vụ tấn công ở Đắc Lắc vào tháng 6 vừa qua là điều rất đáng tiếc, nhưng khẳng định đó là hệ quả tất yếu của việc thế lực thù địch không ngừng chống phá, chứ không đơn thuần là vấn đề sơ suất.

Đây là lần đầu tiên phía cơ quan công quyền thừa nhận vụ hàng chục người Thượng tấn công vào hai đồn công an xã ở Đắc Lắc còn có nguyên nhân khác, chứ không chỉ đơn thuần là "các thế lực thù địch lôi kéo, giật dây" như báo chí lề đảng tuyên truyền. 

2/ NHÂN SĨ VN HỐI THÚC NHÀ NƯỚC THỰC THI ĐIỀU 25 TRONG HIẾN PHÁP

Vào ngày 5/9 vừa qua, hàng loạt tổ chức xã hội độc lập và nhiều nhân sĩ VN trong và ngoài nước đã công bố một bản tuyên bố chung với tựa đề “Đã đến lúc công dân thực hiện điều 25 Hiến pháp”.

Điều 25 trong hiến pháp 2013 quy định rõ là “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp và biểu tình”. Tuyên bố chung có đoạn nhắc đến yêu sách của ông Nguyễn Ái Quốc vào năm 1919 gửi đến hội nghị Versailles của Pháp, yêu cầu tổng ân xá cho những công dân Việt bị án tù chính trị, xóa bỏ các tòa án công cụ để khủng bố dân chúng An Nam, tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp.

Bản tuyên bố hôm 5/9 có chữ ký của hàng chục nhân sĩ trí thức và được đồng ký tên bởi các tổ chức xã hội dân sự độc lập như Diễn đàn Xã hội Dân sự mà đại diện là Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A.

Bản tuyên bố nhắc lại nội dung trong bản Tuyên ngôn Độc lập của ông Hồ Chí Minh tuyên bố vào 78 năm trước. Theo đó thì tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, trong đó có quyển được sống, quyền tự do và quyền mưa cầu hạnh phúc. Vậy thì cách tốt nhất là thực thi ngay cái hiến pháp đang có sẵn, thực hiện điều 25 ghi trong đó.

Cuối cùng bản tuyên bố đưa ra lời kêu gọi là để đất nước phát triển bền vững và ngăn chận tham nhũng, mọi công dân hãy tích cực thực thi các quyền được ghi trong điều 25 hiến pháp 2013 và đòi nhà cầm quyền tạo điều kiện thuận lợi để thực thi các quyền hiến định đó.

3/ KHỐI ASEAN LO NGẠI VỀ CUỘC XUNG ĐỘT MỚI

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm qua 6/9 kêu gọi giới lãnh đạo thế giới hãy từ bỏ các cuộc đối đầu khi gặp nhau tại hội nghị thương mại và an ninh do khối ASEAN tổ chức.

Cần biết là hội nghị ASEAN kỳ này có Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng với giới lãnh đạo nhiều nước khác.

Tình trạng căng thẳng với các cuộc đàm phán về các vấn đề từ thương mại, kỹ thuật cho đến sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Cộng ở Biển Đông, tập đoàn quân phiệt Miến Điện từ chối hợp tác với khối ASEAN về kế hoạch hòa bình, cuộc chiến ở Ukraine và nỗi nghi ngờ Bắc Hàn có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Nga.

Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong tuần này đã cảnh báo về sự cạnh tranh “tai hại” giữa các cường quốc, ám chỉ căng thẳng Mỹ - Hoa. Ông Widodo, đương kim chủ tịch khối ASEAN, nhấn mạnh là mọi quốc gia đều có trách nhiệm không tạo ra xung đột mới hay cuộc chiến tranh mới.

Ông nhấn mạnh là các sự hợp tác và chủ nghĩa đa phương có nguy cơ bị thay thế bởi “sự thống trị của kẻ mạnh”. Theo ông thì thế giới sẽ bị hủy diệt nếu xung đột và căng thẳng ở nơi này được chuyển sang nơi khác.

Vào hôm thứ Tư 6/9, Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường cảnh báo không nên bắt đầu một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới và cảnh báo các nước không nên đứng về bên nào trong bất kỳ cuộc xung đột nào.

Trong khi đó phó tổng thống Mỹ nhắc lại cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á và vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

4/ NHẬT PHÓNG THÀNH CÔNG PHI THUYỀN THÁM HIỂM MẶT TRĂNG

Nhật Bản vào hôm qua thứ Năm 7/9 đã thành công phóng phi đạn mang theo phi thuyền thám hiểm mặt trăng với hy vọng trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới đáp lên mặt trăng vào đầu năm tới.

Cơ quan Không gian Nhật Bản (JAXA) cho biết phi đạn được phóng đi từ trung tâm vũ trụ ở miền nam, theo kế hoạch mang theo tàu đổ bộ thông minh thám hiểm mặt trăng (gọi tắt là SLIM). Thời tiết xấu đã khiến vụ phóng này bị hoãn lại đến 3 lần trong một tuần vào tháng trước.

Được mệnh danh là tàu bắn tỉa, Nhật Bản đặt mục tiêu hạ cánh chiếc tàu SLIM chính xác tại một địa điểm được nhắm đến trên mặt trăng với sai số không quá 100 thước. Con tàu có trị giá 100 triệu Mỹ kim dự trù sẽ bắt đầu hạ cánh vào tháng 2 năm tới, sau một quỹ đạo tiếp cận dài và tiết kiệm nhiên liệu.

Vài giờ sau khi phóng con tàu cơ quan Không gian Nhật cho biết họ nhận được tín hiệu từ SLIM cho thấy nó đang hoạt động bình thường.

Vụ phóng diễn ra hai tuần sau khi Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên cực nam mặt trăng chưa được khám phá. Cùng lúc đó, tàu đổ bộ Luna-25 của Nga bị rơi khi đáp xuống mặt trăng.

SLIM được dự trù sẽ đáp xuống khu vực gần của mặt trăng, gần Mare Nectaris, một vùng biển trên mặt trăng, nhìn từ Trái đất như là một điểm tối. Mục tiêu chính của nó là thử nghiệm công nghệ hình ảnh và quang học tiên tiến.

5/ SẼ KHÔNG CÓ CỜ NGA TRONG THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hôm qua tuyên bố là sẽ không có lá cờ Nga nào được tung bay tại Thế vận hội Paris vào năm 2024, và việc các vận động viên Nga tham gia là vấn đề do Ủy ban Olympic Quốc tế quyết định.

Ukraine đã đe dọa tẩy chay Thế vận hội kỳ này nhưng có thể thay đổi quyết định nếu các vận động viên từ hai nước Nga và Belarus thi đấu dưới lá cờ trung lập thay vì màu cờ quốc gia.

Tuyên bố với nhật báo thể thao L’Equipe, ông Macron cho biết là không thể có cờ Nga trong Thế vận hội Paris. Bởi vì nước Nga không được chào đón vào thời điểm nước này phạm tội ác chiến tranh và trục xuất trẻ em.

Ông Macron nói thêm là người Ukraine nên tham gia vào các cuộc họp của ủy ban Olympic quốc tế về vấn đề các vận động viên đến từ Nga và Belarus.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã giết chết hàng chục ngàn người, phá hủy các thành phố, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và phá hoại nền kinh tế. Quân đội Nga đã xử dụng Belarus làm nơi dàn dựng cuộc tấn công của họ vào thủ đô Kiev ngay từ đầu cuộc xâm lược.

No comments:

Post a Comment