Tuesday, September 5, 2023

Tin Tức: Thứ Ba 05.09.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Vân Hà trình bày sau đây.

1/ CHIẾN HẠM MỸ - PHI ĐI QUA VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA PHI

Chiến hạm Hoa Kỳ và Philippines đã phối hợp đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông vào hôm qua, thứ Hai 4/9.

Theo thông báo của bộ tư lệnh miền tây quân đội Phi thì đây là lần đầu tiên hai phía tiến hành chiến lược đi qua vùng đặc quyền kinh tế ở phía tây đảo Palawan của Phi. Chiến hạm trang bị phi đạn Jose Rizal của Phi và khu trục hạm Ralph Johnson của Hoa Kỳ cùng tham gia. Mục tiêu được cho biết nhằm tạo cơ hội cho hai phía thử nghiệm và định hình vùng biển hiện nay.

Hoạt động này diễn ra vào khi căng thẳng tại vùng biển Phi gia tăng do hành động gây hấn của phía Trung Cộng. Vào hôm 5/8, tàu hải cảnh Trung Cộng dùng vòi rồng để ngăn cản hoạt động tiếp tế của hải quân Phi đến chiếc tàu tiền đồn ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

Đến ngày 28/8, Trung Cộng công bố bản đồ chủ quyền mới với đường đứt khúc 10 đoạn bao gồm đến 90% diện tích Biển Đông, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Các nước Mã Lai, Philippines, Việt Nam và cả Đài Loan, đã lên tiếng bác bỏ bản đồ này.

Cần nhắc lại, vào năm 2016, tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết là đường đứt đoạn mà Trung Cộng đơn phương vạch ra ở Biển Đông là không có căn cứ cả về lịch sử và pháp lý. Tuy nhiên Bắc Kinh không thừa nhận và tuân thủ phán quyết này.

2/ MÃ LAI KÊU GỌI KHỐI ASEAN CÓ BIỆN PHÁP MẠNH ĐỐI VỚI MIẾN ĐIỆN

Vào hôm qua 4/9, Mã Lai lên tiếng kêu gọi các nước ASEAN phải có biện pháp mạnh mẽ đối với tập đoàn quân phiệt Miến Điện, vì những cản trở mà họ đang tạo ra đã ngăn cản kế hoạch hòa bình cho đất nước này.

Đây là bức thông điệp thẳng thừng và bất thường từ Mã Lai. Nó được đưa ra khi các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á đang nhóm họp để xem xét kế hoạch hòa bình đối với Miến Điện. Khối này đã bày tỏ sự thất vọng ngày càng gia tăng trước việc quân đội Miến Điện không chấm dứt được bạo lực hơn hai năm sau khi xảy ra cuộc đảo chính.

Ngoại trưởng Mã Lai Zambry Kadir nói với các phóng viên sau cuộc họp ở thủ đô Jakarta là Mã Lai không thể cho phép tình trạng này tiếp diễn nếu không có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả đối với tập đoàn quân phiệt Miến Điện. Tuy nhiên ông Kadir không nêu tên các thành viên khác của khối ASEAN có chung quan điểm với ông.

Cần biết là giới lãnh đạo ASEAN sẽ nhóm họp tại Jakarta trong tuần này để thảo luận về Miến Điện, bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nền kinh tế khu vực, tội phạm xuyên quốc gia và các vấn đề khác.

Khối ASEAN đã đồng ý về một kế hoạch hòa bình, được gọi là đồng thuận 5 điểm, kêu gọi chấm dứt bạo lực và đối thoại giữa tất cả các bên, nhưng các tướng lĩnh hầu như không có hành động gì ngoài việc nói suông.

3/ ẤN ĐỘ TẬP TRẬN LỚN NGAY BIÊN GIỚI TRUNG CỘNG

Quân đội Ấn Độ vào hôm qua đã mở cuộc tập trận lớn dọc các khu vực giáp biên giới Trung Cộng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 mà nước này làm chủ nhà.

Một quan chức Ấn Độ cho biết cuộc tập trận Trishul (tạm dịch là Đinh ba) sẽ kéo dài 11 ngày. Vị này nói đây là cuộc tập trận thường niên, được tổ chức tại các vùng phía bắc giáp với Pakistan và Trung Cộng.

Cần biết Ấn Độ có đường ranh giới dài 3500 cây số với Trung Cộng nhưng chưa được phân định rõ rệt. Vào năm 2020, đụng độ xảy ra giữa binh sĩ hai bên khiến hàng chục người thiệt mạng. Vào tháng 8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Nam Phi và có cuộc trao đổi về vấn đề biên giới Ấn – Hoa.

Cuộc tập trận của Ấn Độ sẽ diễn ra trong lúc nước này tổ chức hội nghị G20, diễn ra từ ngày 9/9 tại thủ đô New Delhi. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung  Cộng vào hôm qua thông báo là Thủ tướng Lý Cường sẽ tham dự hội nghị, gợi ý là Tập Cận Bình sẽ không đến dự.

Nếu điều này là đúng thì đó sẽ là lần đầu tiên chủ tịch Trung Cộng bỏ lỡ hội nghị G20 từ năm 2008, ngoại trừ 2 năm 2020 và 2021 phải dự trực tuyến do đại dịch Vũ Hán. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng vì không gặp được ông Tập tại Ấn Độ, nhưng nói sẽ tìm cách để hai bên gặp nhau.

Một nhân vật khác vắng mặt tại hội nghị lần này là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ là người đi thay.

4/ QUÂN NGA Ồ ẠT OANH KÍCH VÙNG ODESSA BẰNG DRONE

Chính quyền Ukraine vào sáng hôm qua  4/9 loan báo là quân Nga tiếp tục dùng máy bay không người lái ồ ạt tấn công vùng Odessa của Ukraine, gây hư hại nhiều cơ sở hạ tầng.

Đợt tấn công diễn ra vài giờ trước cuộc họp giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và đồng nhiệm Nga Putin để bàn về việc tái lập thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc Ukraine.

Trong đêm 3/9 cho đến rạng sáng, quân Nga đã tấn công một bến xuất cảng ngũ cốc quan trọng của Ukraine ở Izamail, bên bờ sông Danube, tại vùng Odessa. Không quân Ukraine kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn. Báo chí Ukraine cho biết có nhiều vụ nổ xảy ra trong khu vực. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 23 trong tổng số 32 drone Nga do Iran chế tạo. 

Tỉnh trưởng vùng Odessa cho biết nhiều nhà kho, xưởng sản xuất, máy móc nông nghiệp và trang thiết bị của các nhà máy công nghiệp ở nhiều nơi trong thành phố Izmail bị hư hại sau đợt oanh kích kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ, một số đám cháy bùng lên ở các chung cư  do mảnh vỡ máy bay bị bắn hạ rớt xuống.

Theo phát ngôn nhân bộ ngoại giao Ukraine, nhiều drone của Nga đã rớt xuống và phát nổ trên lãnh thổ nước láng giềng Romania, nhưng bộ quốc phòng Romania đã bác bỏ thông tin này.

Tromg khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky vào hôm 3/9 thông báo đã đạt được một thỏa thuận rất quan trọng với Paris về việc huấn luyện phi công Ukraine tại Pháp. Cũng theo tổng thống Ukraine, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Macron, hai bên đã thảo luận về khả năng Pháp hỗ trợ Ukraine bảo vệ cảng Odessa và vùng Odessa. 

Về phía Nga, Moscow tuyên bố lực lượng không quân của hạm đội Hắc Hải đã phá hủy được 4 chiếc tàu quân sự của Ukraine đang chở quân tại vùng tây bắc Biển Đen. Trong thông báo, bộ quốc phòng Nga cho biết đó là 4 tàu đổ bộ do Mỹ chế tạo, chở 50 thành viên đặc nhiệm Ukraine tiến về mũi Tarkhankut ở phía tây bán đảo Crimea.

5/ TƯỚNG ĐẢO CHÁNH Ở GABON LÊN NẮM QUYỀN TỔNG THỐNG

Năm ngày sau khi lật đổ Tổng thống Ali Bongo, vào hôm qua 4/9, tướng Brice Oligui Nguema đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời tại Gabon, đồng thời hứa hẹn thiết lập các định chế dân chủ hơn cho đất nước trước khi tiến hành tuyển cử tự do.

Kể từ cuộc đảo chính hôm thứ Tư tuần trước, tướng Brice Oligui Nguema xuất hiện hàng ngày, vây quanh là các tướng tá chỉ huy quân đội và cảnh sát. Ngoài ra, nhân vật này còn được sự ủng hộ của phe đối lập trước đây và của phần đông dân chúng.

Trong các cuộc biểu tình những ngày qua tại Gabon, dân chúng đã bày tỏ lòng biết ơn của họ với việc quân đội quân đã giải phóng họ khỏi “gia tộc Bongo"  đã độc quyền cai trị đất nước trong hơn 55 năm qua ở đất nước Trung Phi nhỏ bé này.

Ông Nguema phát biểu tại thủ đô Libreville, cho biết cuộc chiến lớn lúc này là chống tham nhũng và yếu kém trong giàn lãnh đạo đất nước nhằm phục hồi nền kinh tế và phân chia lại thu nhập cho nhân dân. Hôm thứ Sáu vừa qua ông hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Nhưng tất cả những việc đó sẽ chỉ được thực hiện sau khi thông qua bản hiến pháp mới bằng cuộc trưng cầu dân ý.

Brice Oligui Nguema là một cấp chỉ huy lính dù có sức cuốn hút. Ông đã nhanh chóng được biết đến như là một nhân vật trung thành với cựu Tổng thống Omar Bongo Ondimba, người cầm quyền tại Gabon suốt 41 năm, qua đời vào năm 2009 và là cha của Tổng thống Ali Bongo vừa bị lật đổ.

Sau khi Ali Bongo đắc cử tổng thống năm 2009, Oligui Nguema bị thất sủng và bị chuyển sang làm tùy viên quân sự tại sứ quán Gabon ở Maroc và Senegal trong 10 năm. Trở về vào năm 2019, với tư cách là đại tá cầm đầu lực lượng tình báo của lực lượng Vệ binh Cộng hòa. Sau đó  ông được thăng chức tướng, đứng đầu đội cận vệ của tổng thống.

Theo báo cáo, tướng Oligui Nguema  đã tích lũy được một tài sản lớn ở Hoa Kỳ. Tại đó ông đã mua 3 bất động sản vào năm 2015 và 2018 ở Maryland, với giá trị hơn một triệu Mỹ kim và thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt.

 

No comments:

Post a Comment