Friday, September 29, 2023

Những con đường dập nát, tan hoang

Chuyện Nước Non Mình

Dưới sự cai trị của những kẻ cầm quyền cs ngu dốt lấy danh nghĩa xây dựng để phá cho tan hoang đất nước là chuyện toàn dân đều phải chịu đựng hàng chục năm qua.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Những con đường dập nát, tan hoang” của Thái Hạo sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay. 

Thái Hạo.

Tôi thấy một cháu bé trên đường đi học về phải cúi xuống nhặt chiếc bánh mì bị rơi vào vũng bùn giữa con đường lầy lội của xã Minh Nghĩa (Nông Cống, Thanh Hóa), sau một cú sập hố suýt lộn nhào.

Sáng có việc, tôi mang giày tất mũ nón bảo hộ chỉnh tề, lên đường. Chưa được bao xa thì bắt đầu…lội. Con đường dài gần 5km nối Minh Khôi và thị trấn Chuối của Nông Cống như một rọc ruộng với bùn đất đặc quánh, đầy hố hốc lớn nhỏ. Xe hơi, xe gắn máy, tất cả đều phải bò như những con rùa bẩn thỉu.

Nhìn sang hai bên, nhà cửa, hàng quán im ỉm đóng. Bùn đất bắn lên phủ kín tường rào, tường nhà và những hàng cây, làm thành một màu xám nhờ nhờ bê bết. Chỉ có những ngôi nhà ở lùi sâu vào trong cách xa mặt đường mới dám mở cửa, dù sân thì cũng lầy lội gần như đường.

Hỏi chuyện một người đang đứng đợi sửa xe bên đường, anh này nói: vài năm nay người ta đang làm đường cao tốc Nghi Sơn – Sao Vàng, xe và máy móc cày nát khắp nơi chứ không riêng gì đường này. Không buôn bán gì được. Cũng theo lời người đàn ông này, mùa hè cũng lầy lội, lội quanh năm chứ không phải chỉ ngày mưa. Vì nắng thì bụi đến ngộp thở, nên mỗi ngày, xe bồn sẽ đi tưới nước ướt đẫm, bốn mùa đều phải lội như thế này, cả khi có gió Lào.

Tôi nhìn qua bên kia đường, một người đàn ông lớn tuổi đang hì hục cầm xẻng xúc bùn, cái con lươn bùn cao nhô lên vì bị xe đùa lại, án ngay trước cổng nhà.

Nhớ lại, lúc mới về quê 2 năm trước, cũng đi Nông Cống có việc, tôi đã phải bì bõm lội những con đường kiểu này. Lâu lâu lại gặp một bãi san lấp giữa đồng, xe ben, máy ủi đang lầm lũi làm việc.

***

Trưa trở về, tôi không đi đường cũ nữa mà rẽ đại vào một con đường khác. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nối Thăng Bình và Tượng Lĩnh cũng lại một “con đường đau khổ”. Thoạt tiên tôi cứ nghĩ đây là đường đất vì chỉ có một màu bùn, nhưng dừng lại ở một cái ổ voi đầy nước, quan sát thấy những viên đá 1-2 rời rạc nằm lăn lóc bên mép nước thì mới biết rằng nó từng là đường nhựa. Bây giờ thì chịu, không còn mảng nhựa nào nguyên lành để nhận ra. Không biết họ đã trám con đường này bằng thứ kỹ thuật gì để có thể khiến nó biến mất gần như không dấu vết như thế.

Tôi giơ tay ra hiệu ngừng xe một thanh niên mặc bộ đồ công nhân, chắc anh này đang trên đường đi làm, và hỏi anh ta “Ở đây có nhiều con đường bị hư nát thế này không”, “đầy, đi vào trong kia thì thấy, nát bấy hết cả”.

Tôi nhìn theo hướng tay anh thanh niên, rồi nhìn xuống con đường như thửa ruộng dưới chân và nhìn đôi giày đen đã thành màu xám bùn hoàn toàn như vừa lội dưới ruộng lên, lưỡng lự rồi quay về.

Làm một con đường, dù biết là đường quan trọng và có ý nghĩa, nhưng phá nát đi biết bao nhiêu con đường khác, khiến hàng vạn người khốn khổ trong nhiều năm trời, không biết những người có trách nhiệm có bao giờ tự hỏi và thoáng chút giật mình? Rồi việc làm lại những con đường bị hư nát ấy sẽ đốt bao nhiêu tiền thuế dân, ai gánh chịu đây? Đó là chưa kể con đường cao tốc kia không biết bao giờ mới xong; và xong rồi thì người ra có thôi tiếp tục những công trình khác bằng một cung cách thế này không? Không ai dám chắc cả.

Đi khắp huyện Nông Cống, từ thị trấn đến ngõ hẻm trong một làng mạc nông thôn nghèo nàn nào đó, đều thấy những con đường được đặt tên, nhà được gắn số. Hình như đây là tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao/ kiểu mẫu. Nhưng bên dưới những cổng chào to lớn và những những cái bảng số nhà mới láng coóng kia lại là những con đường dập nát, tan hoang. Cảnh tượng ấy vừa bi hài, vừa ngao ngán không sao tả được…

No comments:

Post a Comment