Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Nguyên trình bày sau đây.
1/ BẠO QUYỀN VN CHO PHÉP HAI NHÀ ĐẤU TRANH SANG MỸ TỴ NẠN
Hai nhà đấu tranh Việt Nam sẽ được sang định cư tại Hoa Kỳ
theo một thỏa thuận được đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội gần đây của Tổng
thống Biden, theo tiết lộ của giới chức Mỹ.
Theo đó thì một luật sư nhân quyền lên tiếng chỉ trích tệ nạn
bạo hành của công an và một giáo dân Công giáo bị đuổi khỏi nhà sẽ được sang Mỹ
định cư. Gia đình của hai người này đang rời Việt Nam để đến Mỹ tị nạn. Tại Hoa
Kỳ, hai gia đình này dự kiến sẽ được định cư theo chương trình tị nạn “Ưu tiên
1”. Hai nhà hoạt động vừa kể dù chưa bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam.
Một giới chức Mỹ cho biết, bạo quyền VN cũng đã đồng ý trả
tự do cho hai nhà hoạt động bị giam cầm, theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ trước
chuyến thăm của ông Biden vào tuần trước.
Các thỏa thuận này xuất hiện trong bối cảnh chính quyền
Biden đối mặt với những chỉ trích về ngoại giao với Việt Nam, Ấn Độ và Saudi
Arabia, những nước từ chối cho công dân hưởng các quyền tự do chính trị như ở
phương Tây.
Trong số hai tù nhân được phóng thích nhân chuyến thăm của
ông Biden có một nhà hoạt động về tôn giáo đã được sang Đức tị nạn và một nhà
báo độc lập bị kết án tội trốn thuế liên quan đến tổ chức phi chính phủ của người
này.
Các quan chức Mỹ không nêu tên bất kỳ ai trong số 4 người
vừa kể vì lý do nhạy cảm ngoại giao và an ninh, nhưng tên của 2 cựu tù nhân đã
được biết. Nhà hoạt động cho quyền tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển xác nhận
việc ông được trả tự do và cùng vợ sang Đức vào đầu tháng này. Việc trả tự do
cho nhà báo độc lập Mai Phan Lợi cũng đã được xác nhận.
Trong khi đó, các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nói tình hình ở Việt Nam hết sức tồi tệ. Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết bạo quyền Hà Nội đang giam cầm ít nhất 159 tù nhân chính trị và bắt giữ 22 người khác. Cần biết là Việt Nam trong năm nay đã kết án 15 người với mức án tù dài hạn trong các phiên tòa không được công bằng.
2/ GIA ĐÌNH TỬ TÙ LÊ
VĂN MẠNH NHẬN ĐƯỢC THÔNG BÁO VỀ VIỆC TỬ HÌNH
Tòa án tỉnh Thanh Hóa vào ngày 18/9 đã gửi thông báo về
việc thi hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh.
Thông báo do chánh án Nguyễn Thị Nga ký gửi cho ông Lê Văn
Chính và bà Nguyễn Thị Việt, là cha mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh. Thông báo được gửi
đi để gia đình biết mà nộp đơn xin nhận tử thi đưa về mai táng. Thời gian gửi
đơn đến chánh án tỉnh Thanh Hóa phải trước ngày 21/9.
Cần biết là tử tù Lê Văn Mạnh có địa chỉ tại thôn 4, xã Yên
Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Vào năm 2005, ông này bị tòa tuyên án tử
hình với cáo buộc hiếp dâm và sát hại một bé gái tuổi vị thành niên.
Từ năm 2005 đến năm 2008, ông Lê Văn Mạnh phải qua ba lần
xét xử sơ thẩm, ba lần xét xử phúc thẩm. Nhưng tại các phiên xử ông Mạnh đều
phản cung, tố cáo bị điều tra viên và bạn tù đánh bắt nhận tội, bất chấp chứng
cứ ngoại phạm.
Ông Mạnh cũng có nhiều lá thư kêu oan. Đến cuối tháng
10 năm 2015, tử tù Lê Văn Mạnh được tòa án tỉnh Thanh Hóa đình hoãn thi hành án
vì có đơn kêu oan.
Đối với trường hợp tử tù Lê Văn Mạnh kêu oan, một số tổ chức nhân quyền trên thế giới như Ân xá Quốc tế, Hội đồng Luật gia Quốc tế từng gửi thư cho các cấp lãnh đạo cao nhất Việt Nam yêu cầu hoãn thi hành án tử hình và điều tra lại vụ việc một cách khách quan.
3/ NGƯ QUÂN TRUNG CỘNG TÀN PHÁ
MÔI TRƯỜNG BIỂN
Hoạt động đánh bắt phi pháp và mang tính hủy diệt của tàu ngư
quân Trung Cộng tại Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) và Bãi Chóp Mao (Sabina Shoal)
đã trực tiếp hủy hoại môi trường biển ở các vùng này.
Phát ngôn nhân Lực lượng Tuần duyên Khu vực Biển Tây
Philippines, ông Jay Tarriela, vào ngày 17/9 đã công bố tệ nạn vừa nêu trên.
Theo đó lực lượng này đã phát giác những tổn hại cho môi trường tại khu vực mà các
tàu ngư quân Trung Cộng thường xuyên có mặt.
Những video được lực lượng nói trên trưng ra cho thấy dấu
hiệu rõ ràng tình trạng san hô bị biến màu và ít có “dấu hiệu tối thiểu” của
các dạng sinh vật còn lại trong khu vực.
Báo cáo nêu ra nghi vấn về tàu Trung Cộng khai thác trái phép
san hô trong khu vực. Theo báo cáo, trong thời gian từ ngày 9/8 đến
ngày 11/9 họ giám sát được gần 50 tàu ngư quân Trung Cộng trong khu vực lân cận
hai nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như vừa nêu.
Khu vực này nằm ở phía nam Bãi Cỏ Rong, nơi mà một hợp đồng thăm dò dầu khí bị ngưng lại vào năm ngoái, sau khi chính phủ Philippines cho ngừng mọi hoạt động trong khu vực này vì các tàu hải cảnh và tàu thăm dò Trung Cộng xuất hiện ở khu vực này.
4/ NHIỀU NƯỚC SẴN SÀNG THAM GIA
TUẦN TRA VỚI PHILIPPINES
Nhiều nước khác, ngoài Nhật Bản và Úc, đã sẵn sàng tham gia
các cuộc tuần tra chung với Philippines và Hoa Kỳ tại Biển Đông, theo tuyên bố
của Trung tướng Romeo Brawner, tư lệnh lục quân Philippines vào ngày 17/9 vừa
qua.
Theo đó thì các cuộc tuần tra chung đang nằm trong kế hoạch
của Manila và trong quá trình hợp tác cùng các nước khác. Cụ thể Trung
tướng Romeo Brawner cho biết Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã thảo luận về vấn đề tuần
tra chung với quân đội Philippines.
Riêng Washington và Manila cũng đang xem xét mở rộng hơn
nữa các điều khoản thuộc Thỏa thuận Phòng thủ Chung để Hoa Kỳ có thể tiếp cận
thêm căn cứ hải quân tại Philippines.
Tổng số căn cứ của Philippines mà Hoa Kỳ được tiếp cận đến
nay là 9 căn cứ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường năm 2014 giữa hai
phía.
Thái độ ngày càng hung hăng của Trung Cộng tại Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tự vạch ra đường đứt khúc để tuyên bố chủ quyền, được nêu rõ là lý đo để nhiều nước gia tằng hợp tác hàng hải và tham gia tuần tra chung tại khu vực có tuyến đường biển quan trọng và giàu tài nguyên dầu khí này.
No comments:
Post a Comment