Sau nhiều thập niên lãnh đạo đất nước, đảng CSVN đã sản sanh được nhiều thế hệ cán bộ tham ô và vô văn hóa, hầu lãnh đạo quốc sách chấn hưng văn hóa cho dân tộc. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Gió Bấc với tựa đề: “Trước khi chấn hưng văn hóa, quan chức cần phục hồi nhân tính!” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Gió Bấc
Dân chúng Việt Nam chưa kịp nuốt trôi cơn phẫn uất về đề xuất đốt núi tiền 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa, thì lại một lần nữa phải nén tiếng văng tục, nuốt nước bọt khi chứng kiến lễ hội đình đám “hát trên những xác người” của các quan chức hàng đầu ngành văn hóa, tư tưởng, truyền thông báo chí cấp trung ương.
Ngày 13-9, dư luận xã hội, truyền thông nhà nước đều xót xa, đau đớn, kinh hoàng về vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng nửa đêm trước đó tại một chung cư mini cao khoảng 9 tầng nằm sâu trong hẻm 29/70 Khương Hạ, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hình ảnh ngọn lửa kinh khiếp, bao trùm ngôi nhà, cột khói đen bốc cao hàng chục mét. Những khung cửa cháy đen, sắt thép cũng cong queo vặt vẹo thì còn gì thân thể con người. “Trong tòa chung cư mini có 45 căn hộ, nhiều mái ấm với 3-4 người cũng không còn ai sống sót. Số phận của họ đã được định đoạt trong bối cảnh chung cư không thiết kế sẵn lối thoát hiểm và ngọn lửa dữ đã bịt kín lối ra vào”.
Ngôi nhà nhỏ mặt bằng chỉ có 200m2 hình ống, trong ngách sâu 400m làm việc tiếp cận, cứu chữa càng khó khăn. Những nạn nhân chỉ có thời gian ngắn ngủi có thể giải thoát bằng cách liều lĩnh nhảy lần xuống sân thượng nhà lân cận. Có người không chết cháy mà chết vì chấn thương nhảy lầu.
Theo Công an Hà Nội, vụ cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hơn 100 người được cứu thoát, nhưng có đến 56 người tử vong.
Thông tin dư luận đặt ra nhiều điều bức xúc như quản lý xây dựng đô thị vì sao để tồn tại khu chung cư mini mất an toàn như vậy? Trách nhiệm về ai? Quản lý phòng cháy chửa cháy thế nào để chung cư cao 9 tầng không có phương tiện thoát hiểm… Đã rút ra kinh nghiệm gì từ vụ cháy chết hàng chục người ở Karaoke Bình Dương hơn một năm trước mà lại để xảy ra tổn thất lớn hơn?….
Nhưng theo tâm thức chung của con người, luồng dư luận chính vẫn là đau đớn, xót thương những nạn nhân xấu số. Tiến sĩ Đoàn Lê Giang ở Trường ĐH XH&NV TP.HCM đã viết stt ngắn trên nền đen tang tóc “Đề nghị Quốc tang để tưởng niệm 56 nạn nhân hỏa hoạn và để nhắc nhở cả nước sao cho thảm hoạ không lặp lại!”
Thế nhưng ngay trong tối đầu tiên tang tóc
ấy, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hồn nhiên tưng bừng tổ chức Lễ
trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”
lần thứ Nhất. Đến dự lễ trao giải có đủ mặt các quan chức cao cấp nhất của đảng,
nhà nước với những chức danh dài lòng thòng.
Buổi lễ được truyền hình đăng tin tràn ngập các mặt báo, các kênh truyền hình, truyền thông với hình ảnh diêm dúa cờ quạt, hoa tươi, ca múa hát hò.
Quan chức, báo chí, hớn hở tươi vui khen tặng nhau những thành tựu văn hóa, tự hào là người lãnh đạo văn hóa, người làm văn hóa, người truyền thông văn hóa giỏi nhưng tất cả đều không nhớ đến câu nói của ông bà xưa “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Người cộng sản thường truyền tụng nhau câu nói của Karl Marx “Chỉ có con vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để săm soi bộ lông của mình”. Ở đây còn hơn cả nỗi đau, đó là cái chết. Cao hơn đồng loại đó là đồng bào.
Nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư Ký Tòa Soạn
báo Tuổi Trẻ không dằn được sự phẫn uất, đã viết trên fb “trong khi hàng chục
người dân thủ đô chết cháy thảm thương, thủ tướng và bí thư Hà Nội đều có mặt để
chia buồn thì bộ văn hóa vẫn vui vẻ tổ chức lễ lạt cho các nhà báo.
Facebooker Ha Vu Hien đã đưa ra sự so sánh hết sức xác đáng và cũng hết sức cay đắng về cách hành xử rất tế nhị, nhân văn của Đại sứ Mỹ trong cùng thời điểm:
“Trong cuộc họp báo do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày hôm qua nhân kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong phần phát biểu của mình, đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân của vụ cháy khủng khiếp vừa xảy ra tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội cướp đi mạng sống của gần 60 người.
Đấy là ứng xử văn hoá thường thấy ở các chính khách trước một sự kiện đau buồn như thế này.
Điều đáng nói là, chỉ mới một tuần lễ trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với nguồn kinh phí hơn 350.000 tỉ đồng.
Vượt lên trên cách đốt tiền lẻ tẻ vài ngàn tỉ xây tượng đài, cổng chào, nhà hát, của người tiền nhiệm, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng đã sáng tạo đốt tiền sỉ từng núi, từng dãy núi tiền với chương trình tổng thể quốc gia như đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện.
Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.
Xin miễn bàn tính hữu ích, khả thi của chương trình chấn hưng văn hóa đó. Không bỏ bóng đá người nhưng phải áp dụng đúng lý luận của đảng để bàn. Xưa nay đảng thường nêu khẩu hiệu “Không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu không có con người mới xã hội chủ nghĩa”. Tương tự, không thể chấn hưng văn hóa bởi những con người lãnh đạo thiếu văn hóa. Văn hóa bao hàm nghĩa rất rộng và căn bản nhất không thể thiếu là nhân tính.
Qua cách ứng xử phi nhân, bất nghĩa vừa rồi,
khoan nói đến chấn hưng văn hóa dân tộc, không riêng ông Bộ Trưởng Hùng, mà tất
cả các quan chức đã tham dự lễ hội “Hát trên những xác người” vừa qua, cần được
đưa vào trường “phục hồi nhân tính” tương tự như cách đã đưa những cô gái bán
trôn nuôi miệng vào trường “phục hồi nhân phẩm”.
No comments:
Post a Comment