Đảng CSVN ngày càng đậm nét công an trị và Tô Lâm trở thành ông ngáo ộp của cả chính phủ lẫn quốc hội CHXHCNVN.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trân Văn với tựa đề: “Khi công an dẫn dắt quốc gia” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Trân Văn
Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục dành thời gian để xác định nên gọi loại giấy tờ tùy thân giúp xác định danh tính, lai lịch, nhân diện, nhân dạng của một cá nhân ở Việt Nam là... “Thẻ căn cước” (Thẻ CC) hay... “Thẻ căn cước công dân” (Thẻ CCCD).
Lần này khác với cách nay hai tháng, dường như các đại biểu quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã “nhất trí cao” với đề nghị của Bộ Công an: Phải sửa Luật Căn cước công dân hiện hành, trong luật mới và theo đó, phải hồi sinh... “Thẻ CC”, khai tử... “Thẻ CCCD”.
Tuy cả kinh tế lẫn xã hội tiếp tục ngả nghiêng vì đủ loại vấn nạn nhưng Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn dành phần lớn tâm lực, trí lực, sức lực, tài lực cho việc thỏa mãn vô điều kiện các yêu cầu của Bộ Công an.
Ở Kỳ họp thứ 5 (6/2023) – kỳ họp mới nhất, bất kể tình trạng an ninh – trật tự thế nào, các ĐBQH khóa 15 vẫn ưu tiên dành thời gian cho việc thông qua Dự luật sửa đổi luật công an nhân dân (CAND) để CAND có thể... nâng số lượng tướng từ 199 lên 205.
Bởi khóa trước, viên tướng quân đội được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UB QPAN) mang hàm Thượng tướng, còn khóa này, do quy định của... Luật CAND, viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ nhiệm UB QPAN chỉ có cấp bậc Trung tướng nên Bộ Công an đã đốc thúc Quốc hội gấp rút sửa Luật CAND để các viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ nhiệm UB QPAN cũng phải là... Thượng tướng và các ĐBQH gật đầu ngay.
Cũng trong Kỳ họp thứ 5, gần như tất cả đại biểu của Quốc hội khóa 15 đều tán thành với đề nghị của Bộ Công an là phải có... luật về “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.
Cần lưu ý, cách nay khoảng ba năm, hồi
tháng 11/2020, có 290/393 ĐBQH khóa trước (Khóa 14) đã liệng “Dự luật về lực lượng
tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” vào thùng rác. Khoảng hai phần ba
ĐBQH cho rằng, ý tưởng dùng luật để thống nhất ba lực lượng: Công an bán chính
quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng trên toàn quốc của ông Tô Lâm không những không
cần thiết vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng mà còn tạo ra gánh nặng
tài chính cho quốc gia.
Trở lại với Dự luật sửa luật căn cước công
dân hiện hành, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 15, rất ít ĐBQH khóa này lưu
ý các đồng liêu như bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội
– đại ý: Lý do mà Bộ Công an nại ra để yêu cầu sửa Luật Căn cước công dân hiện
hành là không thuyết phục. Nếu thông qua dự luật sửa đổi thì có nghĩa là trong
tám năm có tới ba lần thay đổi loại giấy tờ tùy thân này. Điều đó tạo dư luận
không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước.
Tại sao đại diện cho ý chí, nguyện vọng của
nhân dân nhưng các ĐBQH lại không bận tâm đến dư luận và dễ dàng lập lại theo
ông Tô Lâm: Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ CC sẽ không tác động đến chi ngân
sách nhà nước, chi phí của xã hội. Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và
không tác động đến tâm lý người dân? Ông Tô Lâm không phải là... giáo chủ, các
ĐBQH cũng không phải là... tín đồ của ông Tô Lâm, thế thì tại sao đa số ĐBQH lại
tin tưởng vô điều kiện rằng, chuyển đổi một trong những loại giấy tờ tùy thân
quan trọng nhất của mỗi cá nhân và là loại giấy tờ phổ quát nhất trên phạm vi
quốc gia lại không gây ra bất kỳ sự tốn kém nào, đồng thời không tạo ra bất kỳ
tác động nào đến tâm lý dân chúng? Tại sao không ĐBQH nào liên tưởng đến những
tuyên bố của ông Tô Lâm về hộ chiếu không cần nơi sinh là “xu hướng tất yếu của
cuộc cách mạng công nghệ 4.0” khi yêu cầu thông qua Dự luật Xuất nhập cảnh và hậu
quả sau đó của sáng kiến này?
Giống như hộ chiếu không cần nơi sinh - “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, Bộ Công an đã yêu cầu thì chính phủ, Quốc hội phải đáp ứng, phải chiều như chiều vong – biến các yêu cầu thành luật!
Nếu chưa tin, bạn có thể tham khảo thêm
chuyện “đấu giá biển số xe ô tô”. Bởi Bộ Công an yêu cầu, Quốc hội khóa này đã
dành nhiều ngày của Kỳ họp thứ tư (11/2022) để thảo luận về việc tổ chức “đấu
giá biển số xe ô tô” được cho là “đẹp”. Có lẽ từ cổ chí kim chỉ có Việt Nam
dùng thời gian, sức lực, tiền bạc dành cho hoạt động lập pháp vào việc tìm sự
thống nhất để bán... biển số xe hơi “đẹp” rồi sau đó cơ quan lập pháp ban hành
riêng một... “nghị quyết” về chuyện này.
Cuối cùng, hoạt động... “quan trọng” tới mức
cả cơ quan lập pháp lẫn cơ quan hành pháp phải... “vào cuộc”, phải mở đường cho
Bộ Công an “tiến lên” bằng “nghị quyết quốc hội” và “nghị định chính phủ” được
Bộ Công an giao cho Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) thực thi. Doanh
nghiệp này thành lập năm 2019 và từ đó đến 2021, doanh thu nằm trong khoảng từ
vài chục... triệu đến hơn... trăm triệu đồng/năm. Thậm chí năm ngoái không những
không thu được đồng nào mà còn lỗ 200 triệu!
Tại sao VPA lại có trong tay công cụ tích
hợp các nguồn dữ liệu quan trọng nhất không chỉ đối với an ninh quốc gia mà còn
đối với sự riêng tư của từng cá nhân? Tất nhiên là thường dân không thể trả lời
nhưng khi sự việc vỡ lở (phải hủy phiên đấu giá đầu tiên vì trục trặc kỹ thuật
do hệ thống quá tải), cả Quốc hội lẫn chính phủ đều làm ngơ, không có bất kỳ
ai, nơi nào yêu cầu ông Tô Lâm giải trình. Vì sao yêu cầu của Bộ Công an là “đại
sự của quốc gia” kể cả “đấu giá biển số xe ô tô”, còn trách nhiệm lại là chuyện
nhỏ dù tính chất của nhiều scandal rất nghiêm trọng? Nếu như đã biết và đang thấy
thì có cần duy trì Quốc hội, duy trì chính phủ? Theo kế hoạch, trong các kỳ họp
tới, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa luật để giao cho Bộ Công an nắm thêm nhiều chuyện
khác vốn thuộc phạm vi trách nhiệm – phạm vi quyền hạn của nhiều bộ khác. Chẳng
hạn tách Luật Giao thông đường bộ làm đôi để công an thay Bộ Giao thông Vận tải
quản lý việc đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe lẫn các phương tiện giao
thông vận tải...
No comments:
Post a Comment