Việc nâng cấp ngoại giao Việt - Mỹ vừa qua đã giúp Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao cấp “đối tác chiến lược toàn diện” với 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Hoa Kỳ, Nga và Trung Cộng, và “đối tác chiến lược” của 2 thành viên còn lại là Anh và Pháp. Sự kiện này cho thấy, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương không thể thay đổi tình trạng nhân quyền tồi tệ ở VN.
Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa
đề “Dân
chủ và nhân quyền ở VN chỉ trông cậy vào cuộc đấu tranh của chính người dân” qua giọng đọc của HẢI NGUYÊN để chấm dứt chương trình phát
thanh tối hôm nay.
Thưa quý thính giả,
Tổng
thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến Hà Nội hôm Chủ Nhật 10 tháng 9 vừa qua. Đây là
chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của ông từ khi nhậm chức, theo lời mời của
ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN.
Ông
Biden đến VN để thăm viếng và ký nâng cấp ngoại giao đặc biệt giữa 2 nước Việt
- Mỹ, bỏ qua giai đoạn “đối tác chiến lược”, từ “đối tác toàn diện” nhảy vọt
lên “đối tác chiến lược toàn diện” ngang hàng với Nga và Trung Cộng. Đây là một
bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của đảng CS vì họ nhận ra rằng,
Trung Cộng ngày càng chèn ép quá lộ liễu, buộc lòng VN phải tìm một chỗ dựa,
thay vì ngồi yên nhượng bộ, luôn bị kềm chế và răn đe.
Sự
thay đổi chính sách và thái độ của đảng CSVN trong việc nâng cấp ngoại giao với
Mỹ còn là một nước cờ trong bối cảnh tình hình chính trị thay đổi gần đây, vì 2
đối tác quan trọng mà Hà Nội dựa vào đều bị suy yếu: Nga bị sa lầy vì xâm lược
Ukraine và đang bị thế giới cô lập, còn Trung Cộng đang đối mặt với nền kinh tế
suy thoái và đang củng cố quyền lực chính trị nội bộ.
Việt
Nam cũng đang bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng, có nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội,
nên cấp lãnh đạo nhận thấy, chỉ có sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước Tây phương thì mới
giúp nền kinh tế VN ổn định và phát triến.
Đối với
người Việt trong và ngoài nước, thì việc nâng cấp bang giao của VN với Hoa Kỳ
là điều đáng khích lệ trong việc ngăn chận tham vọng bá quyền của Trung Cộng, hy
vọng VN sẽ hội nhập vào thế giới tự do.
Nhưng
người Việt hải ngoại không đặt nhiều kỳ vọng vào việc nâng cấp ngoại giao này
vì chính sách “4 không” của Hà Nội: Không
tham gia liên minh quân sự, không đứng cùng nước này chống lại nước khác, không
có căn cứ quân sự nước ngoài và không dùng vũ lực trong liên hệ quốc tế.
Chính sách “4 không” làm cho VN không thể trở thành một “đồng minh” của Hoa Kỳ trong
vùng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương như Nhật, Nam Hàn và Phi Luật Tân.
Theo
Giáo sư Alexander L Vuving, trọng tâm hợp tác Việt - Mỹ khi nâng cấp bang giao sẽ
là kinh tế và công nghệ thay vì an ninh quốc phòng. Thứ VN rất cần ở Mỹ là kinh
tế và công nghệ, Mỹ sẽ đưa chuỗi cung ứng về VN những mặt hàng chiến lược như đất
hiếm, chất bán dẫn v.v... để VN giảm bị lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Theo
ông, đây là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ đến VN theo lời mời của Tổng bí thư
đảng CSVN, là ý đồ của tập đoàn lãnh đạo, nhằm cho thấy đảng CS đang nắm quyền.
Tổng bí thư là cấp lãnh đạo tương đương với Tổng thống Mỹ. Ý đồ thứ hai, nhằm
cho thấy sự thừa nhận của Mỹ đối với quyền lãnh đạo của đảng CSVN và tôn trọng
thể chế chính trị này.
Do
đó, chuyến viếng thăm VN của ông Biden không được giới hoạt động nhân quyền
hoan nghênh, vì những cam kết thúc đẩy dân chủ và nhân quyền bị ông Biden dẹp
qua một bên, để tiến hành việc thực thi trật tự thế giới.
Vì vậy,
đảng CSVN từ nay sẽ không còn lo ngại bị Hoa Kỳ và Tây phương cấm vận, hoặc đòi
hỏi các điều kiện về nhân quyền. Họ sẽ tiếp tục đàn áp những người bất đồng
chính kiến. Tình trạng nhân quyền ở VN chẳng những không được thay đổi, mà có
thể trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao “đối tác toàn diện”
vào năm 2013.
Cần biết là giới lãnh đạo thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và khối
Tây phương, từ nhiều năm qua đã không còn xem nhân quyền là tầm mức ưu tiên, mặc
dù vẫn hô hào các điều này. Thực tế cho thấy các chế độ độc tài và độc đảng
đang ngày càng tỏ ra hung hăng hơn.
Việc trả tự do cho vài nhà đấu tranh trong nước, như vợ chồng
ông Nguyễn Bắc Truyển và 3 người bảo vệ môi trường, chỉ là thủ thuật quen thuộc
của Việt Cộng trước chuyến thăm viếng của ông Biden.
Và vài
ngày trước khi ông Biden sang VN, có 61 gia đình tù nhân lương tâm ở VN ký Thỉnh
Nguyện Thư gửi cho tòa đại sứ Hoa Kỳ, nhờ chuyển cho ông Biden để can thiệp về
tình trạng nhân quyền. Nhưng không thấy trả lời, mà hầu hết những người ký tên
đều bị công an gọi lên đồn thẩm vấn và đe dọa.
Qua các
diễn biến vừa nêu, một lần nữa đã khẳng định tình
trạng nhân quyền tồi tệ ở VN có thay đổi hay không, đều tùy thuộc vào sự dấn
thân đấu tranh của chính người dân, chứ không phải từ các thế lực quốc tế.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment