Sunday, August 3, 2014

Chuyên đề: Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 03.08.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên
Kính chào quí vị thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, các bạn công an, bộ đội.
Hôm mồng 7 tháng 7 vừa qua chiếc trực thăng quân sự Mi-171 bị rơi ở gần Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 19 binh sỹ, sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hai binh sỹ còn lại vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm. Trong hoàn cảnh tang thương, không may mắn này, chúng ta hãy cùng nhau gửi tới linh hồn các binh sỹ đã khuất và tới gia đình, thân hữu của tất cả các binh sỹ không may mắn những lời chia buồn chân thành nhất.
Trong sự kiện này chúng ta cũng thấy các cơ quan của chính quyền, bộ quốc phòng và của đảng cộng sản Việt Nam có những biểu hiện chăm sóc, tri ân khá trang trọng đối với các binh sỹ gặp nạn và gia đình của họ. Nhưng, thưa quí vị, quí bạn, liệu những biểu hiện tử tế đó xuất phát từ một tấm lòng thương quân, yêu dân hay đó chỉ là những hành động mỵ dân, đạo đức giả của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhau xem lại một số bày tỏ từ chính những tướng lĩnh, sỹ quan quân đội cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam.
Trung tá Hoàng Thế Dũng, cựu Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân những năm đầu thập niên 1960, tham gia cách mạng từ năm 1943, vào đảng cộng sản từ năm 1945 đã viết như sau vào ngày 1/5/1981:
“Tôi bị bắt và bị cầm tù rồi quản chế mà không được xét xử. Khi quyết định tập trung cải tạo và quản chế, tôi không được có mặt và không được quyền tự bào chữa. Việc hỏi cung thì truy bức, và mớm cung, dồn ép người bị bắt phải trả lời theo ý đã định trước, hỏi dồn bắt nọn, nhục hình biến tướng như truy bức liên miên không kể giờ giải lao cho bị can mệt mỏi đầu không còn tỉnh táo để lợi dụng trạng thái đó khai thác tài liệu, hay không cho tắm rửa hàng tuần giữa mùa hè oi bức... Chế độ giam cầm thật hà khắc. Tôi bị giam một mình vào buồng kín, gần 3 năm liền không được ra ngoài trời trừ 1 ngày 2 lần ra lĩnh cơm và 1 lần đi vệ sinh…”
Còn đây, Thiếu tướng Đặng Kim Giang, người tham gia cộng sản từ năm 1930, cựu Xứ ủy viên và cựu Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông trường vào những năm 1960 trong thư khiếu nại đề ngày 15/3/1981 đã viết như sau:
“Hỏi cung thì truy ép, nạt nộ, dọa dẫm, thậm chí đặt súng lên bàn dọa bắn chết, buộc và dồn ép người khác bị bắt phải trả lời theo ý gán ghép của người hỏi cung.
Chế độ giam cầm thì hà khắc…: bỏ vào nhà hầm ngủ cạnh thùng phân tập thể, giam một mình vào buồng khóa suốt 2 năm liền, giam hãm mấy năm liền với tù thường phạm, gió mùa đông bắc thì cho tắm nước lạnh, ăn uống đạm bạc, thiếu thốn. Có trường hợp pha vữa tường nhiều ngày vào cơm, trộn cát vào cháo cho người ốm. Khi ốm thì hãm, không cho thuốc chữa bệnh… Kết quả là có đồng chí bị bắt trong vụ này đã chết trong tù ( đồng chí Phạm Việt), có đồng chí bị ốm nặng trong tù được tạm tha thì chết vì sưng gan (đồng chí Kỳ Vân), một số đồng chí khác thì ốm, đau đủ bệnh… Trừng trị không chỉ đối với chúng tôi mà vợ con cũng bị liên lụy…”
Và Thiếu tá Trần Thư, cựu thư ký tòa soạn báo Quân đội nhân dân vào đầu năm 1960, trong thư khiếu nại ngày 4/5/1981 đã trần tình như thế này:
“Tôi bị truy ép hàng tháng ròng và cuối cùng bị tống giam vào một cái gọi là “phòng kín”. Đó là một xà lim kín như bưng ở gần đồi trọc, nóng hầm hập và tối đen như hũ nút. Ban ngày đưa bát lên miệng mới biết ăn gì, đi đại tiểu tiện phải lấy chân đá tìm thùng vệ sinh, vì sợ đưa tay quờ quạng thì nhỡ thọc vào giữa thùng phân. Ban đêm phải cởi trần truồng nằm sấp xuống đất lấy hơi mát và ghé mũi vào khe cửa mà thở cho đỡ ngạt, đợi đến hai ba giờ sáng mới ngủ được.”
Ông Lưu Đông, tức Nguyễn Trinh Liệt, tham gia cách mạng trước 1945, từng ở tù Sơn La, cựu Trưởng ban nông nghiệp báo Nhân Dân trong thư khiếu nại đề ngày 5/8/1992 kể rằng:
“… Những người bị bắt cũng như những người bị thẩm vấn đều không qua thủ tục sơ đẳng nào của tòa án cũng như của Viện Kiểm sát nhân dân. Họ bị khám nhà, khóa tay dẫn đi như dẫn một tên cướp. Họ không cho phép nhờ luật sư và khi bị hỏi cung luôn luôn bị lăng nhục, dọa dẫm, ép cung để bảo họ nhận những tội mà không hề mắc. Những người bị bắt đều bị biệt giam trong những xà lim hết sức chật hẹp, đêm đến không có đèn, không có cái gì để đựng nước uống. Những người bị bắt nếu kể cả thời gian bị lưu đầy thì người nào cũng bị giam trên dưới 10 năm…”
Những lời tố cáo hết sức đau lòng chúng ta vừa nghe chính là từ những người cộng sản lão thành thuộc dạng công thần hàng đầu đã không tiếc xương máu để xây dựng nên chế độ cộng sản hiện nay nhưng đã được đảng cộng sản Việt Nam đối xử hết sức tiểu nhân và dã man như những gì chúng ta vừa nghe trong biến cố xảy ra vào cuối thập niên 1960, thường được gọi dưới cái tên: “vụ án xét lại, chống Đảng”.
Thưa quí vị, quí bạn, qua những chuyện đau lòng đó, có lẽ chúng ta đã hiểu rõ động cơ phía sau những hành động có bề ngoài tử tế của đảng cộng sản Việt Nam sau vụ rớt máy bay hôm mồng 7 tháng 7 vừa qua.
“Vụ án xét lại, chống Đảng” vừa nói sẽ được tìm hiểu sâu hơn trong kỳ tới.
Hải Nguyên và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị, quí bạn cũng vào giờ này tuần tới.

Tiến Văn
03/08/2014

No comments:

Post a Comment