Saturday, August 30, 2014

Thoại Ngọc Hầu

Thứ Bảy, ngày 30.08.2014
Kính thưa quý thính giả, lịch sử Việt Nam ghi nhận một danh thần có công lao khai khẩn vùng đất phía Nam, cùng với 7 lần mang quân sang Xiêm La, 2 lần mang quân sang Lào và 11 năm bảo hộ nước Cao Miên. Ông là một người có tầm nhìn chiến lược và là một nhà ngoại giao giỏi, luôn vì nước vì dân, đã chỉ huy công cuộc đào kinh Vĩnh Tế dài hơn 90 cây số, nối từ Châu Đốc thẳng ra biển Hà Tiên. Trong chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài: “Thoại Ngọc Hầu” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại. Do lập được đại công, được phong tước Hầu, nên dân chúng kính trọng gọi là Thoại Ngọc Hầu. Do hai lần sang bảo hộ Cao Miên nên còn được gọi là Bảo hộ Thoại.
Nguyễn Văn Thoại sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761), tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Cha ông là Nguyễn Văn Lượng, giữ chức Từ thừa, một chức quan nhỏ chuyên lo việc tế tự tại các đền miếu và mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tuyết. Cả hai đều nổi tiếng nhân hậu và khéo dạy con.
Ngày 21/7/1822, cha ông được vua Minh Mạng sắc phong Anh dũng Tướng quân Vệ úy Nguyễn Hầu và bà Nguyễn Thị Tuyết được phong tặng mỹ hiệu Thục Nhân. Nguyễn Văn Thoại là người con cả trong gia đình, có người em gái tên Nguyễn Thị Định và em trai tên Nguyễn Văn Ngoạt. Nguyễn Văn Thoại theo mẹ vào Nam, định cư tại làng Thới Bình trên cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (tỉnh Vĩnh Long).
Năm 17 tuổi, Ông đầu quân theo Nguyễn Ánh tại Ba Giồng (Định Tường). Từ đó, Nguyễn Văn Thoại có mặt trong nhiều trận đánh giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Nhiều lần Nguyễn Ánh phải bỏ thành Gia Định lưu vong, Nguyễn Văn Thoại có mặt trong đoàn phò giá Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn. Ông được Nguyễn Ánh cử đi sứ sang Xiêm và Lào để xin viện binh để đánh nhau với quân Tây Sơn.
Năm 1801, quân Nguyễn Ánh trên đà thắng thế, Nguyễn Văn Thoại chỉ huy binh sĩ từ Vạn Tượng tiến đánh Phú Xuân. Trần Quang Diệu trấn giữ thành Qui Nhơn liền mang quân ra cứu viện. Nguyễn Văn Thoại giao binh quyền cho phó tướng Lưu Phước Tường rồi bỏ về Gia Định. Nguyễn Ánh khép tội ông chưa có lệnh mà rời bỏ phần nhiệm, nên giáng cấp làm Cai đội Quản đạo Thanh Châu.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, thăng thưởng cho tướng sĩ. Nguyễn Văn Thoại được thăng lên Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, Quản suất Biền binh lưu thủ Bắc Thành. Năm 1803, Ông được giao Trấn thủ Lạng Sơn một thời gian rồi được triệu về kinh. Năm 1808, Ông được cử làm Trấn thủ Định Tường.
Khi nước Chân Lạp xảy ra biến loạn vì anh em tranh giành ngôi báu, vua Nặc Ông Chân chạy sang nước Việt nhờ giúp đỡ. Năm 1813, Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt và Hiệp Tổng trấn Ngô Nhân Tĩnh cùng Nguyễn Văn Thoại được lệnh triều đình mang 13 ngàn quân đưa Nặc Ông Chân về làm vua nước Chân Lạp. Sau đó, Nguyễn Văn Thoại cùng hơn một ngàn quân ở lại giữ thành Nam Vang, bảo hộ nước Chân Lạp.
Tháng 9 năm 1816, Nguyễn Văn Thoại xin từ chức vì bệnh nên được triệu về kinh. Tháng 6 năm 1817, Nguyễn Văn Triêm bệnh nặng, Nguyễn Văn Thoại được cử thay thế làm Trấn thủ Vĩnh Thanh.
Tháng 9 năm 1818, Ông được phong chức Thống chế, bảo hộ nước Chân Lạp và nhận lệnh đào kinh Đông Xuyên dài khoảng 30 cây số, từ núi Sập thông đến Rạch Giá.
Năm 1819 nhận lệnh vua, Nguyễn Văn Thoại chỉ huy dân quân khởi công đào kinh Vĩnh Tế. Phụ tá cho Ông có Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều bát Nguyễn Văn Tồn và Trần Công Lại. Kinh đào gặp nhiều trở ngại nên bị gián đoạn nhiều lần, Ông phải huy động đến khoảng 80 ngàn nhân công với dụng cụ thô sơ và trong điều kiện hết sức gian khổ.
Đến tháng 5 năm 1824, kinh Vĩnh Tế dài hơn 90 cây số nối từ sông Hậu (Châu Đốc) thẳng ra biển Hà Tiên hoàn thành, Ông được vua Minh Mạng khen ngợi và ban thưởng.
Năm 1820, nước Cao Miên bị nội loạn. Triều đình cử Ông và Phó thống chế Nguyễn Văn Trí cầm quân dẹp loạn. Sau khi dẹp loạn xong, vua Cao Miên yêu cầu nước Việt lập lại chức Bảo hộ. Năm 1821, Ông lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên kiêm Quản quân vụ trấn Hà Tiên.
Năm 1822, Ông đặt dinh Bảo hộ tại Châu Đốc, lập làng Thoại Sơn và lập đội quân mang tên An Hải để trấn giữ Hà Tiên.
Năm 1823, Ông lập ra 5 làng mới bên bờ kinh Vĩnh Tế là: Vĩnh Tế, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.
Ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), Ông mất vì bạo bệnh tại Châu Đốc, hưởng thọ 68 tuổi. Lăng Thoại Ngọc Hầu được dân chúng trong vùng xây dựng tại chân núi Sam. Tên Ông được đặt cho nhiều con đường trong các thành phố và một trường trung học tại tỉnh An Giang.
* * *
Tên tuổi Thoại Ngọc Hầu đi vào sử Việt như là một trong những công thần đã mở rộng bờ cõi, đặc biệt tại miền Nam. Công lao lớn nhất của Ông là đào kinh Vĩnh Tế, giúp cho giao thông thuận lợi, mang lại sự trù phú cho người dân trong vùng. Với công trình vĩ đại này, tên Thoại Ngọc Hầu đã trở thành bất tử và xứng đáng được người dân tôn thờ mãi mãi.
Uy viễn Tướng quân Nguyễn Công Trứ mở mang bờ cõi ở miền Bắc, thì Thoại Ngọc Hầu khai khẩn đất đai ở miền Nam, triều đại nhà Nguyễn tuy bị phê phán khá nặng nề vì bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng ít nhất vẫn có nhiều điểm sáng chói hơn là nhà cầm quyền Cộng sản hiện nay đã đẩy đất nước vào sự lạc hậu và suy đồi về mọi lãnh vực. Thê thảm hơn nữa là chẳng những đảng CSVN không mở mang thêm được một tấc đất nào cho đất nước mà còn lén lút dâng hiến hàng loạt đất đai và biển đảo cho Tàu Cộng.
Thử nghĩ, có bao nhiêu đảng viên đảng Cộng sản biết đến tên Thoại Ngọc Hầu và nếu như biết, thì liệu họ có thấy hổ thẹn đối với các bậc tiền nhân hay không?
Việt Thái

No comments:

Post a Comment