Wednesday, August 27, 2014

Tinh Thần Trách Nhiệm tại Việt Nam Ra Sao (Phần 1)

Thứ Tư, ngày 27.08.2014    
Tinh thần vô trách nhiệm xảy ra tại Việt Nam có trên mọi thành phần và ở khắp mọi nơi. Sự thật ra sao? Liên tục chương trình, trong chuyên mục Con Người Việt Nam, tuần này Nguyên Hồng chia sẻ nhận định để trả lời cho câu hỏi nêu trên. Mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây
Sau khi nhận định những trách nhiệm của Con Người trong xã hội, gia đình, quốc gia -- thì có lẽ chúng ta nên nhìn về thực tế tại Việt Nam -- để đánh giá những trách nhiệm của Con Người mà chúng ta đã thảo luận trong ba tuần vừa qua.
Người VN quan niệm sống hôm nay không nghĩ đến ngày mai và vì phải quần quật lo cho cuộc sống của bản thân hoặc gia đình, những người làm cha mẹ, hoặc ông bà đều không có thời gian để thực hiện chuyện dạy dỗ con cái. Chuyện giáo dục của con cái hoàn toàn khoán cho nhà trường. Khi mà bố mẹ đã không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ con cái (ngoài cái trách nhiệm tài chính) thì kết quả là tạo một xã hội không biết đúng sai -- phải quấy. Chưa kể con cái thấy bố mẹ làm chuyện lừa gạt người khác để tạo ra đồng tiền. Con cái sẽ học hình ảnh này và cho rằng chuyện lừa gạt người khác cũng là chuyện rất bình thường. Cuối cùng thì bố mẹ đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra một xã hội ai cũng vô trách nhiệm với chính bản thân cũng như với chính dân tộc của mình.
Nói về nhà trường thì bộ giáo dục cũng chẳng quan tâm đến sự giáo dục học sinh. Thành phần giáo chức cũng như thành phần lãnh đạo trong bộ giáo dục, chỉ có một số nhỏ thực sự quan tâm đến chuyện giáo dục Con Người. Tuy nhiên, thành phần này là con số nhỏ, quá nhỏ và ý kiến của thành phần này chẳng được quan tâm. Ngược lại con số giáo chức dạy để cho có dạy, dạy để có thể dạy thêm bên ngoài kiếm tiền nuôi bản thân, dạy những điều mà chính người giáo chức không hề tin tưởng – đây là con số giáo chức rất lớn trong ngành giáo dục. Chưa kể thành phần giáo chức hoàn toàn không có khả năng mà được vào ngành giáo dục bởi đút lót để nằm trong vị trí giáo dục. Bởi do đảng toàn trị trên mọi mặt về cả giáo dục, các vị giáo chức phải thực hiện cuộc sống của một con vẹt. Lập đi lập lại những gì mà đảng và cơ quan lãnh đạo giáo dục muốn phải giảng dạy, cho dù những điều giảng dạy đó thực sự không có giá trị thực tế, hoàn toàn đi ngược lại thực tế. Chính vì hệ thống giáo dục để phục vụ chế độ, phục vụ đảng CSVN, dạy những điều hoàn toàn sai với thực tế của thế giới, đã đưa đến một tầng lớp người trong xã hội kém khả năng, thiếu suy nghĩ độc lập, thiếu tinh thần sáng tạo, không có những quyết định trên lãnh vực việc làm cũng như tinh thần làm việc chung. Nói chung hệ thống giáo dục Việt Nam là một hệ thống vô trách nhiệm đối với học sinh, và có nhiều trách nhiệm đối với đảng và bộ máy cầm quyền dù rằng những trách nhiệm này đi ngược lại trách nhiệm của một nhà giáo chức đối với lãnh vực đào tạo Con Người. Hệ thống giáo dục tại VN tạo ra nhiều tiến sĩ, phó tiến sĩ mà những vị này hoàn toàn không có khả năng trong nghề nghiệp ngoại trừ khả năng nói phét, tham nhũng, hối lộ để làm giàu cho chính bản thân mà không quan tâm đến sự sống còn của đất nước dân tộc.
Đối với các công ty thì thay phiên nhau để làm tiền cho chính bản thân của những người quản lý công ty mà không cần biết sẽ thiệt hại đến môi trường, sức khoẻ của người dân ra sao. Những công ty ăn tiền hối lộ để đưa người dân ra nước ngoài làm việc mà không cần biết là việc làm ở nước ngoài có đủ để lấy lại số tiền mà cá nhân đó đã bỏ ra cho công ty đó hay không. Những công ty không chịu trách nhiệm trước thân chủ Việt Nam của mình mà trái lại sẵn sàng a dua với những ông chủ ngoại quốc để bóc lột, trấn áp người Việt làm việc tại nước ngoài. Bao nhiêu người đã ra nước ngoài làm việc để rồi bị tàn tật, bị đuổi việc sau vài tháng làm việc và rồi tiền mất (tiền lo lót đi ra nước ngoài làm việc) tật mang (tàn tật không thuốc men, không bồi thường)? Con số này chẳng một ai trong bộ máy cầm quyền làm con số thống kê bởi những người cầm quyền là những người vô cảm hay nói chính xác hơn là bộ máy cầm quyền tại VN là những thái thú của Trung Quốc cho nên họ chỉ có trách nhiệm với Trung Quốc mà không cần có trách nhiệm với người VN.
Bộ máy nhà nước, các cơ quan quốc hội, cơ quan công an -- tất cả điều làm việc không có trách nhiệm. Công an đánh đập người dân, không một cơ quan nhà nước nào truy tố chuyện đánh đập này. Đảng CSVN bán nước, vi phạm hiến pháp, chẳng một ai trong bộ tư pháp lên tiếng để trừng phạt đảng CSVN. Các vị chánh án trong cơ quan tư pháp a dua với đảng cầm quyền để chấp nhận những nhân chứng, vật chứng giả tạo đưa ra và để rồi bắt những người vô tội bỏ tù vì nhiều lý do mà đảng cầm quyền, bộ máy cầm quyền muốn thực hiện chuyện bỏ tù đó.
Ngay cả trên lãnh vực hành chánh cũng thấy được rằng bộ máy nhà nước VN làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm. Hãy lấy thí dụ một quyết định thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị vào ngày 26 tháng 2 năm 2014. Một quyết định quan trọng -- thế mà không có địa chỉ cũng như số điện thoại của cơ quan đưa ra quyết định trên. Và nơi nhận quyết định này, tức là tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị, cũng chẳng có địa chỉ và số điện thoại của tờ báo trên quyết định này. Đây là những lịch sự tối thiểu để gửi một lá thư từ một cơ quan nhà nước đến một cơ sở tư nhân hoặc đến một cơ quan nhà nước khác. Địa chỉ người nhận và người gửi hoàn toàn không có trong tờ giấy thu hồi giấy phép hoạt động của tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị. Chẳng ai chịu trách nhiệm nếu quyết định đó đến hay không đến tay người nhận và người nhận cũng chẳng biết quyết định này từ đâu gửi đến bởi trên quyết định đó hoàn toàn không có địa chỉ và số điện thoại của người ra quyết định lẫn người nhận quyết nhận. Có lẽ lối làm việc vô trách nhiệm này đã có từ lúc đảng CSVN ra đời, cho nên vẫn phải theo truyền thống làm việc vô trách nhiệm này của đảng.
Tuần tới chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về cách làm việc vô trách nhiệm của nhà cầm quyền VN nói riêng và của người Việt Nam nói chung.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment