Sunday, August 24, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 24.08.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Trong tháng Tám này có một sự kiện đáng ghi nhớ trong lĩnh vực xuất bản, đó là việc ra mắt cuốn hồi ký "Đèn cù" của nhà báo cựu đảng viên cộng sản Trần Đĩnh do tòa báo hải ngoại Người Việt ấn hành và giới thiệu tại California, Hoa Kỳ. Nhà báo Trần Đĩnh sinh năm 1930, vào đảng cộng sản năm 1949 và làm báo cho cộng sản từ năm 15 tuổi, là người chấp bút viết nhiều hồi ký cho giới lãnh đạo cộng sản tiền bối của Việt Nam và cũng chính là người chấp bút viết tiểu sử đầu tiên cho Hồ Chí Minh.
Cuốn hồi ký "Đèn Cù" của Trần Đĩnh sẽ cho ta biết thêm và biết rõ hơn về hậu trường của chính thể cộng sản Việt Nam cùng những lãnh đạo từ Hồ Chí Minh cho tới Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Cơ Thạch, vân, vân. Có một chi tiết cụ thể chúng tôi muốn được chia sẻ ngay với quí vị, quí bạn hôm nay là Trần Đĩnh đã xác nhận thêm một lần nữa rằng chính Hồ Chí Minh là người ra quyết định giết và tịch thu ruộng đất, tài sản của những người như bà Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long trong "Cải cách ruộng đất". Trần Đĩnh kể lại, trong cuộc đấu tố đầu tiên ở Đồng Bẩm-Thái Nguyên, tức nhằm vào bà Nguyễn Thị Năm, Hồ Chí Minh đã hóa trang che bộ râu đi và đến tận nơi quan sát để rút kinh nghiệm cho những cuộc đấu tố sau đó.
Chúng tôi sẽ dành một dịp khác để nói chi tiết hơn về cuốn "Đèn Cù", hôm nay chúng tôi muốn tâm sự với quí vị, quí bạn một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là tình cảnh cá chậu, chim lồng hay cá nằm trên thớt của những người có lương tâm nhưng vẫn phải làm việc trong hệ thống chính quyền độc tài hiện nay.
Như tất cả chúng ta cùng biết, từ năm 1986 trở lại đây, để tránh sụp đổ toàn diện về chính trị, đảng cộng sản Việt Nam đã chấp nhận bãi bỏ độc quyền toàn bộ trong lãnh vực kinh tế, cho phép khu vực tư doanh phát triển nhưng vẫn giữ hoàn toàn độc quyền về chính trị. Nghĩa là bất kỳ ai còn làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước thì luôn luôn phải chịu sự quản lý, tác động trực tiếp của đảng cộng sản Việt Nam. Riêng ai làm việc trong khu vực tư nhân thì được tự do, dễ thở hơn tuy vẫn không thể thoát được hoàn toàn sự soi xét, sách nhiều của chính quyền độc đảng. Mặc dù khu vực tư nhân có nhiều đặc tính hấp dẫn về tự do như thế, nhưng khu vực tư nhân không thể dung nạp được hết lực lượng lao động của một quốc gia. Đó là đặc điểm chung cho mọi loại hình chính trị, dân chủ cũng như độc tài. Vì vậy tại Việt Nam, vẫn có những người, dù yêu tự do và có lương tâm, phải làm việc trong khu vực nhà nước.
Đó chính là nguyên nhân của vấn đề có vẻ bề ngoài khá mâu thuẫn: người tốt nhưng vẫn làm việc trong một hệ thống chính quyền ác ôn.
Xem như thế chúng ta đã có thể cảm được ngay sự va chạm, khó nghĩ, dằn vặt trong lương tâm của những người tốt đang phải làm việc trong các công sở của chính quyền như công an, quân đội, thuế vụ, tòa án, tư pháp, thanh tra, vân, vân.
Nhưng ngoài khó khăn do sự đối kháng giữa lương tâm còn trong sáng với những công việc thiếu đạo đức, thiếu nhân tâm, những người tốt làm việc trong hệ thống chính quyền còn phải chịu đựng một nguy cơ rất dễ trở thành lạc lõng, lẻ loi hoặc thậm chí có thể bị trừng phạt nếu lại có ý muốn làm một điều gì đó có lợi thực sự cho dân, cho xã hội nhưng không đúng với chính sách của đảng cộng sản hoặc chỉ là không đúng với ý của cấp trên.
Điển hình nhất cho khó khăn và rủi ro vừa nói có lẽ là sự vụ Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Sài Gòn, mới bị kỷ luật khai trừ Đảng vào ngày 31 tháng Bảy vừa qua.
Điều đáng nói ở đây, không những Luật sư Nguyễn Đăng Trừng không làm một điều gì sai với pháp luật, hay trái với đạo lý, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng còn là một người "đỏ" hoàn toàn. Sinh năm 1942 tại Đà Nẵng, từ rất sớm ông Trừng đã tham gia các phong trào chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa do cán bộ cộng sản giật dây. Năm 1971 ông Trừng được kết nạp vào đảng cộng sản, rồi trở thành một cán bộ an ninh cộng sản nằm vùng tại Sài Gòn. Sau năm 1975 ông Trừng được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống công an, tư pháp, làm đại biểu quốc hội và làm chủ nhiệm đoàn luật sư Sài Gòn từ năm 1995 đến nay. Mặc dù "đỏ" như vậy, nhưng ông Trừng lại có nhiều biểu hiện của một người có lương thức cho công lý và xã hội. Chính ông Nguyễn Đăng Trừng đã thay mặt giới luật sư Sài Gòn dõng dạc lên án hành vi xâm hấn của Trung Quốc cách đây nhiều năm. Với tư cách đại biểu quốc hội ông Trừng cũng bày tỏ thất vọng về việc chống tham nhũng tại Việt Nam. Đặc biệt gần đây ông Trừng còn công khai lên tiếng tố cáo cách hành xử của đảng cộng sản Việt Nam muốn khống chế, kiểm soát giới luật sư tại Việt Nam.
Trong lá đơn phản hồi ngay sau khi bị khai trừ Đảng, ông Trừng khẳng định:
"Tôi bị kỷ luật chỉ vì một lý do duy nhất là đã kiên quyết bảo vệ dân chủ và sự tự quản, độc lập của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra không có bất cứ lý do nào khác."
Nghe những lời trần tình này thật chua chát và xót xa. Liệu chúng ta có cách nào để tránh không vấp lại sự chua chát, xót xa như thế này không? Đó sẽ là chủ đề trong chuyên mục tuần tới của chúng ta.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
24/08/2014

No comments:

Post a Comment