Wednesday, August 13, 2014

Trách Nhiệm Với Gia đình

Thứ Tư, ngày 13.08.2014    
Trách nhiệm với gia đình là gì?, Đâu là điểm khởi đầu của một tinh thần trách nhiệm. Liên tục chương trình Nguyên Hồng chia sẻ bài viết Trách Nhiệm Bản Thân trong kỳ phát thanh hôm nay
Từ ngữ Gia Đình ở đây xin hiểu đó là những người gần gũi với mình. Có thể là vợ, chồng, con, bố mẹ, anh chị em, hoặc họ hàng của chính mình. Tuy nhiên, trong phạm vi thảo luận của đề tài hôm nay, xin được tóm gọn chữ gia đình trong phạm vi nhỏ của một mái gia đình gồm có vợ -- chồng -- con cái.
Theo thói thường của các loài, chúng ta lớn lên, lập gia đình để sinh con đẻ cái -- nối dòng giống. Chính vì cái quan niệm nối dòng giống này, chúng ta (phái nam) hay có quan niệm trọng Nam khinh Nữ. Rất may là thời điểm hôm nay, quan niệm này đã được xoá bởi thực tế mà nói, có Nam mà không có Nữ thì làm sao có chuyện nối dòng giống xảy ra được. Có lẽ vì quan niệm trọng Nam khinh Nữ này đã đưa Trung Qưốc ở trạng thái trai thừa gái thiếu trên lãnh vực hôn nhân của hôm nay.
Cũng trên lãnh vực gia đình, chúng ta có lối suy nghĩ thiếu tinh thần trách nhiệm qua câu "trời sinh voi sinh cỏ" thành ra cứ đẻ con ra thật nhiều, mà không cần quan tâm đến cuộc sống của đứa bé ra sao. Quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ" này đến hôm nay đã được nhận định xác với thực tế hơn. Người Việt Nam nhận diện ra một điều là "cỏ" chẳng có đủ mà ăn -- thành ra không thể tiếp tục cái quan niệm xa xưa là "trời sinh voi sinh cỏ".
Trách nhiệm với chính gia đình càng ngày càng gia tăng khi mà cuộc sống của xã hội càng ngày càng phát triển theo đà tiến hóa của loài người. Trách nhiệm của người chồng đối với vợ con, trách nhiệm của người vợ đối với chồng con, và trách nhiệm của người con đối với bố-mẹ.
Trước hết phải nói đến trách nhiệm tài chính. Bố mẹ là những người chịu trách nhiệm tài chính cho bản thân cũng như của gia đình. Một khi chúng ta trưởng thành, tách ra khỏi mái ấm gia đình của bố mẹ -- để có một mái gia đình riêng -- thì trách nhiệm tài chính này hoàn toàn phải cho chính chúng ta chủ động. Dĩ nhiên lý thuyết và thực tế là hai cái hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi thảo luận, chúng ta phải dựa vào lý thuyết bởi đó là điểm phải đến của tất cả mọi gia đình. Bố mẹ, người thân của chúng ta sẽ không mãi mãi là nguồn tài chính cho chúng ta suốt đời. Hơn nữa sự tiếp tục giúp đỡ tài chính từ những người thân trong gia đình sẽ không tạo ra tinh thần tự lập, tự cường -- trái lại tạo ra tính ỷ lại và không thể nào là tấm gương tốt cho con cái sau này.
Trách nhiệm tài chính bao gồm cách tạo ra tiền để nuôi cuộc sống gia đình và quản trị tài chính làm sao cho phù hợp với câu "liệu cơm gắp mắm". Trong cái trách nhiệm này sẽ có ảnh hưởng đến sự an sinh của xã hội và nếu có sự xung đột, chúng ta phải giải quyết ra sao? Câu hỏi này sẽ trả lời vào tuần tới, khi chúng ta nhìn tình hình hiện tại của đất nước để chúng ta có một sự lựa chọn sáng suốt.
Ngoài trách nhiệm tài chính, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ gia đình của mình khi gặp bất cứ nguy hiểm nào từ bên ngoài tạo ra. Đây là trách nhiệm rất thiên liêng mà chỉ là những người làm cha mẹ mới cảm nhận được sự hy sinh thật lớn lao này. Chỉ có những người làm cha mẹ mới sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ con cái của mình mỗi khi con cái hay bất cứ cá nhân nào trong gia đình đứng trước những nguy hiểm từ bên ngoài.
Trách nhiệm kế đến là trách nhiệm giáo dục con cái. Đây là một trách nhiệm rất là lớn lao mà nếu không làm tròn trách nhiệm này sẽ dẫn đến hậu quả không tốt cho con cái -- sau khi con cái hậu nhập vào xã hội. Đừng lầm lần trách nhiệm này là của nhà trường. Nhà trường có trách nhiệm trên lãnh vực giáo dục trí tuệ và một phần của đạo đức con người. Trách nhiệm của bố mẹ trong sự giáo dục trẻ nhỏ bắt đầu từ lúc trẻ nhỏ ra đời cho đến khi trẻ đạt tuổi trưởng thành. Trách nhiệm này gồm có hướng dẫn từng bước để trẻ biết hành xử trong gia đình cũng như tại trường học cho đúng là một con người; biết giữ chữ tín, không nói dóc và tôn trọng sự thật cho dù đó là một sự thật đau buồn; biết đạo lý làm người, biết cái gì gọi là xấu-tốt, đạo đức – phi đạo đức, nhân bản, bác ái; biết kính trọng người nhưng không có nghĩa là sợ hãi người; biết hạch hỏi những điều, những lý thuyết trong quá khứ để thẩm định giá trị hiện tại là những điều, những lý thuyết trong quá khứ có còn giá trị hôm nay hay không; biết nhận lãnh trách nhiệm trước những quyết định cá nhân của mình; biết nhận lỗi và sẵn sàng sửa đổi lỗi lầm để thành một người tốt hơn; biết trách nhiệm của một con người đối với xã hội và đất nước; biết ai là kẻ bán nước, lường gạt đồng bào; biết lịch sử của gia đình và lịch sử đó gắng liền với quốc gia -- dân tộc ra sao. Những trách nhiệm giáo dục bên trên sẽ được bố mẹ thực thiện trong suốt 18 năm khi trẻ vẫn ở với mình. Và khoảng thời gian này rất là quan trọng, đặc biệt là khoảng thời gian 10 năm đầu tiên, bố mẹ đóng một vài trò rất lớn trong việc đặt viên gạch căn bản vào chính Con Người của con cái mình ở mai sau.
Sẽ có người lý luận rằng trách nhiệm tài chính đã làm mất thời gian để thực hiện trách nhiệm giáo dục với con cái. Điều này đúng ở một khía cạnh nào đó. Nhưng chúng ta có thể làm nhiều trách nhiệm cùng một lúc mà trong đó, trách nhiệm giáo dục với con cái đóng một vai trò rất lớn cho sự trưởng thành của con cái sau này.
Trách nhiệm của con cái đối với bố mẹ trong thời điểm trước 18 tuổi là lắng nghe, thực hiện theo lời dạy bảo của bố mẹ, và có quyền hạch hỏi bố mẹ khi mà bố mẹ làm ngược lại những điều bố mẹ dạy con cái. Một thí dụ điển hình là bố hay mẹ kể lại một sự kiện mà đứa bé cũng biết sự kiện đó. Và nếu bố mẹ kể sự kiện không đúng sự thật, đứa bé sẽ lên tiếng để điều chỉnh cái sự thật sai mà bố mẹ vừa kể. Đây là một hình ảnh lành mạnh, chứ không phải là hình ảnh hỗn láo mà ngày xưa chúng ta thường hay được giáo dục là không cãi lại bố mẹ, cho dù lời dạy bảo của bố mẹ hoàn toàn sai.
Tuần tới chúng ta sẽ nói về trách nhiệm với xã hội cũng như giải quyết những xung đột giữa trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment