Wednesday, August 20, 2014

Trách Nhiệm Với Xã Hội

Thứ Hai, ngày 20.08.2014    
Mỗi thành viên trong xã hội không nhận lãnh trách nhiệm của mình thì sẽ tạo ra một xã hội loạn, vô trách nhiệm. Trách nhiệm với xã hội là gì? NH sẽ trình bày quan điểm trên lãnh vực này
Trách nhiệm đối với xã hội, đất nước và dân tộc là điều rất là bao la, khó nói. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau nhìn nhận vài điểm căn bản, để nhận định ra những trách nhiệm này.
Mỗi cá nhân trong xã hội là một thành viên để dựng lên xã hội đó. Và trong cái cộng đồng gọi là xã hội này, mỗi người trong cái cộng đồng xã hội này phải có trách nhiệm để bảo đảm sự sống còn của những thành phần sống trong xã hội đó. Nếu một xã hội mà không ai chịu nhận lãnh trách nhiệm thì sẽ là một xã hội loạn; ai muốn làm gì thì làm, không ai chịu trách nhiệm với bất cứ ai thì là một xã hội của thời nguyên thủy loài người; một xã hội không có chính quyền, một xã hội mạnh được yếu thua.
Trách nhiệm trước tiên của một thành viên trong xã hội là hoàn thành đúng vị trí của mình trong xã hội. Có nghĩa là vị bác sĩ phải làm tròn trách nhiệm của một vị bác sĩ trên lãnh vực nghề nghiệp với câu châm ngôn "lương y như từ mẫu", xem chuyện cứu người quan trọng hơn đồng tiền phải nhận vào và sẵn sàng cứu người cho dù người đó không có tiền để trả công cho người y sĩ. Người giáo chức phải làm tròn bổn phận của mình trong công việc dạy dỗ học sinh; đồng thời cũng là một tấm gương tốt để học sinh có thể dựa vào đó mà học hỏi nhằm mục đích trở thành một người tốt trong xã hội mai sau. Người làm công việc truyền thông cần phải mang tôn chỉ là tôn trọng sự thật, đưa ra những thông tin chính xác với thực tế và sẵn sàng đối đầu với thành phần lãnh đạo quốc gia khi mà thành phần này đi ngược lại cái hợp đồng mà tập thể nhân dân đã giao phó cho họ; khi mà thành phần lãnh đạo này trở thành độc tài, bán nước, hại dân. Cán bộ nhà nước phải làm đúng trách nhiệm của mình do người dân giao phó, đồng thời phải công minh trong việc xử lý những vụ vi phạm luật pháp, không bao che cho thành phần cầm quyền cũng như thành phần xấu trong xã hội. Thành phần lãnh đạo quốc gia phải phục vụ lợi ích của tập thể quần chúng; tạo điều kiện để mọi người, mọi thành phần có thể đóng góp ý kiến trong việc điều hành quốc gia; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước những sai lầm trong việc điều hành quốc gia và sẵn sàng chấp nhận từ chức để một thành phần lãnh đạo mới có đủ khả năng thay thế mình. Thành phần quần chúng cũng phải làm đúng trách nhiệm của mình trong xã hội, nghĩa ngoài những công việc hằng ngày để tạo ra tiền sinh sống, quần chúng cần phải quan tâm đến những thành phần khác trong xã hội, để tố cáo những thành phần xấu đang làm hại đến xã hội, hoặc lên tiếng cùng với các thành phần khác trong xã hội, khi mà cuộc sống của nhiều người đang bị đe dọa do thành phần lãnh đạo quốc gia đi ra ngoài cái hợp đồng mà tập thể nhân dân giao cho họ.
Trách nhiệm kế đến là những thành phần ưu tú trong xã hội gồm có các vị làm trong ngành y tế, giáo dục, luật pháp, khoa học, truyền thông, văn hoá, các cơ quan từ thiện phi chính phủ, các cơ quan hành chính của nhà nước, cơ quan trung ương của bộ máy cầm quyền và một số tổ chức khác. Tất cả thành phần này phải chịu trách nhiệm trước những điều luật do các nghiệp đoàn đưa ra -- nhằm bảo đảm chất lượng của các cá nhân trong thành phần ưu tú này trong xã hội, nhằm tạo sự tin tưởng của tập thể quần chúng với các thành phần ưu tú này. Những thành phần ưu tú này cần phải có một cơ quan đặt ra để tự kiểm soát lẫn nhau, đưa ra những điều luật để tránh các thành viên trong nghiệp đoàn trở thành những thành viên xấu, thiếu chất lượng, gây ảnh hưởng đến an sinh của tập thể quần chúng. Và nếu thành viên nào vi phạm luật thì sẽ bị đuổi ra khỏi ngành nghề và giấy phép hành nghề sẽ bị rút đi. Đây là một trách nhiệm mà các nghiệp đoàn ưu tú này tại các quốc gia tân tiến, dân chủ đều có cho thành viên của nghiệp đoàn mình.
Các công ty cũng phải có trách nhiệm với xã hội do những sản phẩm mình tạo ra. Nếu sản phẩm tạo ra có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, hoặc công ty trong quá trình tạo ra sản phẩm làm môi trường bị thiệt hại -- thì công ty phải có trách nhiệm với những ai bị thiệt hại do sản phẩm công ty tạo ra; hoặc do môi sinh thiệt hại đưa đến ảnh hưởng y tế và tài chính của người dân thì công ty phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại này của người dân. Trách nhiệm này sẽ làm cho công ty cẩn thận hơn trong việc tạo ra sản phẩm cũng như quan tâm đến môi trường của cuộc sống. Cơ quan nhà nước là đơn vị đưa ra những luật lệ để kiểm soát các công ty nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi về an sinh cho quần chúng trên lãnh vực môi sinh, sức khoẻ.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường là trách nhiệm dành cho tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ là các công ty sản xuất sản phẩm. Chính vì thế mọi người dân đều phải biết trách nhiệm này là gì, và cần phải làm gì trước trách nhiệm trên. Môi sinh thường ảnh hưởng đến số đông và gồm có không khí, nước, rừng. Khi mà một nông dân sử dụng phân hóa học, thuốc xịt sâu quá nhiều sẽ tạo ra tình trạng thuốc hóa học chảy ra sông và ảnh hưởng đến nước cũng những sinh vật sống trong nước. Khi mà một công ty hay cá nhân nào đó phá rừng không có giấy phép, cuối cùng thì rừng chẳng còn cây và khi mưa xuống sẽ tạo ra lũ lụt ở những vùng dân cư sinh sống bên cạnh rừng. Khi mà nhớt xe, bình điện xe bỏ bừa bãi trong đất, hoặc dưới sông thì sẽ tạo ra một ảnh hưởng đến nước cũng như sinh vật sống trong nước gồm cả sức khoẻ của con người. Cho nên trách nhiệm này phải được sự nhắc nhở thường xuyên của các cơ quan truyền thông, cũng như các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc thực hiện và có kế hoạch bảo vệ môi sinh. Ai đó tố cáo một công ty hay cá nhân nào đó vi phạm môi trường tức là cá nhân đó thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội trên lãnh vực môi sinh.
Trách nhiệm đối với chính dân tộc của mình. Đây là trách nhiệm không phải chỉ trong thời chiến mà là trách nhiệm ngay cả thời bình. Trách nhiệm đó chính là chúng ta không thể nào đánh đập dân tộc mình, đánh người dân của mình khi người dân đó không có hành động làm ảnh hưởng đến sinh mạng của chúng ta. Bất cứ ai, cho dù là các cá nhân được người dân giao phó nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, không thể nào làm chuyện đánh đập dân tộc mình, đàn áp dân tộc mình. Chỉ có kẻ ngoại xâm mới làm chuyện đánh một dân tộc khác, đàn áp một dân tộc khác. Cho nên, là người Việt Nam, ai cũng phải có trách nhiệm đối với dân tộc mình. Bất cứ ai, bất cứ đảng phái nào, bất cứ nhà cầm quyền nào làm chuyện bắt bớ, đàn áp người dân của chính mình, đánh đập những người không một vũ khí trong tay, hoặc tàn bạo với dân tộc mình bằng chính sách ngu dân, nhồi sọ thì chúng ta phải có trách nhiệm đứng lên để đấu tranh -- mục đích tạo ra một nhà cầm quyền biết bảo vệ dân tộc mình, biết trách nhiệm đối với dân tộc mình.

No comments:

Post a Comment