Sunday, June 23, 2013

Đức Nguyễn Trãi

Thứ Bảy, ngày 22.06.2013
Kính thưa quý thính giả,
Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đức Nguyễn Trãi" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để tưởng nhớ đến công đức của ngài trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc.
Nhắc đến Nguyễn Trãi là nhắc đến một quân sư lỗi lạc, đã cống hiến nhiều mưu lược giúp cho đức Lê Lợi đánh bại được giặc Minh, khôi phục lại nền độc lập và tự chủ cho nước nhà.
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, tỉnh Hải Dương. Cha là Tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh và mẹ là Trần Thị Thái, cháu ngoại của thân vương Trần Nguyên Đán. Năm hai mươi tuổi, Nguyễn Trãi cũng đỗ tiến sĩ và hai cha con cùng làm quan thời nhà Hồ.

Năm 1407, giặc Minh xâm chiếm nước Việt, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa sang Tàu. Nghe lời cha khuyên tại ải Nam Quan, ông trở về và mấy năm sau thì tìm đến gia nhập vào đoàn quân khởi nghĩa của đức Lê Lợi. Khi đầu quân, Nguyễn Trãi dâng bản "Bình Ngô Sách" do ông soạn thảo, nội dung đưa ra 3 kế sách đánh đuổi giặc Minh mà chủ yếu là chiến lược "Công Tâm" để thu phục lòng người. Sau khi xem, Lê Lợi liền phong cho Nguyễn Trãi làm Tuyên phong Đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, lo việc quân cơ và viết thư thảo hịch.
Khi quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba, lương thực thiếu thốn, quân sĩ mỏi mệt. Về phía quân Minh cũng vì mệt mỏi nên có ý muốn giảng hòa. Tướng Lê Sát, Lê Thụ, Đinh Bồ, Phạm Vấn kiên quyết muốn đánh nhưng Đinh Liệt và Nguyễn Trãi chủ trương hòa hoãn để củng cố và phát triển lực lượng. Sau khi nghe Nguyễn Trãi phân tích tình hình, Bình Định Vương chấp thuận hòa hoãn.
Thời gian này, Nguyễn Trãi sai binh sĩ dùng mật ong viết lên lá cây tám chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần", khiến loài kiến khi ăn mật ong khoét thành chữ trên mặt lá. Lá khô rụng theo dòng nước trôi đi khắp nơi như điềm trời báo trước, nên mọi người đều tin Lê Lợi sẽ thắng quân Minh.
Năm 1424, tổng chỉ huy quân Minh là Trần Trí biết rằng không thể chiêu dụ quân Lam Sơn đầu hàng, nên bắt giam sứ giả và tuyên chiến với Lê Lợi.
Tháng 8 năm 1425, Lê Lợi tấn công vào Tân Bình, Thuận Hóa, chiếm các vùng đất từ dãy Tam Điệp vào đến đèo Hải Vân. Quân Minh rút về cố thủ trong 5 thành: Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, chờ quân cứu viện.
Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi tấn công ra Bắc, chiến thắng quân Minh ở Tốt Động - Chúc Động, sau đó tiến ra Đông Quan.
Đầu năm 1427, Lê Lợi phong cho Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành khu Mật viện sự. Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư gửi đi chiêu hàng và các tướng giữ thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đều chịu đầu hàng. Can đảm hơn nữa, đích thân Nguyễn Trãi vào thành Tam Giang chiêu hàng được chỉ huy sứ Lưu Thanh.
Đến cuối năm 1427, nhà Minh sai Liễu Thăng đem 10 vạn quân từ Quảng Tây, Mộc Thạnh đem 5 vạn quân từ Vân Nam, tiến sang cứu Vương Thông. Nhưng trong trận Chi Lăng - Xương Giang, hai đạo viện binh này đã bị quân Lam Sơn phục kích tiêu diệt và sau đó quân Minh xin nghị hòa.
Một số tướng lãnh khuyên Lê Lợi nên tấn công thành Đông Quan, giết hết quân Minh trả thù cho dân Việt. Nhưng Nguyễn Trãi khuyên nên đình chiến và cho phép giặc Minh rút quân về nước.
Ngày 29 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, xưng là Lê Thái Tổ, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh, giao cho Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô đại cáo" để bố cáo với cả nước về chiến thắng giặc Minh. Đức Nguyễn Trãi được ban tước Hầu, khắc tên trên bảng Khai quốc Công thần.
Đầu năm 1438, sau thời gian làm quan, đức Nguyễn Trãi về hưu trí ở Côn Sơn. Khi vua Lê Thái Tông băng hà trong chuyến di tuần tại Côn Sơn vào tháng 9 năm 1942, cả gia đình Nguyễn Trãi bị khép tội "đầu độc Quân Vương" và bị tru di tam tộc.
Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho Ngài.
Hiện đền thờ đức Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Hà Nội còn lưu giữ bức chân dung vẽ ngài trên lụa và nhiều bức hoành phi nêu cao công lao và đức độ của Ngài.
Tháng 1 năm 1964, đền thờ này được xếp vào Di tích Lịch sử Văn hóa và năm 1980, UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là một danh nhân thế giới. Tên của Ngài được đặt cho nhiều con đường lớn tại nhiều thành phố ở Việt Nam.
Lịch sử nước Việt, không những chỉ ghi nhận những đóng góp về quân sự mà còn vinh danh những tác phẩm văn chương của Ngài, như những bài văn thơ trong "Ức Trai thi tập", "Quốc Âm thi tập", "Ức Trai thi phú", "Băng Hồ di sự lục" và đặc biệt là bài "Bình Ngô đại cáo". Bài này được xem là "Bản tuyên ngôn độc lập thứ 2" của nước Việt, trong đó có đoạn mô tả sự đau khổ tột cùng của dân Việt dưới gót giầy xâm lược của giặc Minh như:
"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ".
Hoặc nỗi gian khổ tột độ và cô đơn trong cuộc chiến kháng Minh, với hai câu thơ đầy ngậm ngùi:
"Khi Linh sơn, lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi huyện, quân không một đội!".
Thế nhưng với chủ trương "Việc nhân nghĩa cốt để yên dân", nên "Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo", cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã biến thành một cuộc chiến giữa thiện và ác, "Lấy chí nhân thay cường bạo" "Đem đại nghĩa thắng hung tàn" nên đã khoan dung cho giặc Minh rút về Tàu.
Nhưng điều đáng nói hơn nữa, là nếu đổi hai chữ "quân Minh" hay "giặc Ngô' trong bài "Bình Ngô đại cáo" bằng cụm từ "chế độ cộng sản", thì áng văn này đã vượt quá thời gian và không gian của hơn 500 năm về trước.
Lý do là xã hội Việt Nam hôm nay, cũng không khác gì thời bị giặc Minh chiếm đóng. Nếu có khác thì chỉ khác là những kẻ cai trị hôm nay là người Việt chứ không phải lũ giặc Minh.
Nhưng cả hai thời đại đều có một điểm chung và cũng là một điều may mắn cho dân tộc. Đó là dân tộc Việt, dù trong giai đoạn đen tối nhưng "hào kiệt thời nào cũng có", chứ không phải là "nhân tài như lá mùa thu" hay "tuấn kiệt như sao buổi sớm".
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã sinh ra nhiều văn thần võ tướng được ghi vào lịch sử và hiện nay, cuộc đấu tranh chống lại chế độ cộng sản độc tài cũng đã và đang xuất hiện nhiều bậc anh hùng và anh thư của nước Việt.
Chúng ta có thể tin rằng, khi cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam thành công, ắt sẽ có một "áng văn tuyệt tác" không kém gì bài "Bình Ngô đại cáo" của đức Nguyễn Trãi./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment