Sunday, June 23, 2013

Những Vấn Đề của Chúng Ta: NỀN GIÁO DỤC VN HẬU CỘNG SẢN (phần 2)

Thứ Bảy, ngày 22.06.2013
Kính thưa quý thính giả, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA nêu lên những vấn nạn mà đất nước đang đối đầu, đồng thời cũng gợi ý các phương thức, đường hướng để giải quyết các vấn nạn này. Diễn giả tuần này là Gs. Nguyễn Thanh Trang với (phần 2) “Nền Giáo Dục Hậu Cộng Sản” qua sự điều hợp của Hải Nguyên.
Thứ Bảy tuần trước, chúng tôi đã thảo luận với GS Nguyễn Thanh Trang, Chủ Tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Sách ược Hưng Quốc về đề tài Nền Giáo Dục VN hậu Cộng Sản. Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận đề tài nầy.
HN: Kính chào GS Nguyễn Thanh Trang. Nhiều người cho rằng thời điểm nầy tương đối còn quá sớm để lo lắng về nền giáo dục hậu Cộng Sản, vì hiện nay chế độ CSVN còn rất mạnh và chưa biết đến bao giờ mới bị sụp đổ.

NTT: Không ai có thể tiên đoán khi nào chế độ Cộng sản sẽ bị sụp đổ, nhưng mọi người đều tin chắc là chế độ ấy sớm muộn gì cũng bị giải thể, vì sự bất mãn và chống đối của quần chúng ngày càng lan rộng và gia tăng. Chúng ta phải nghiên cứu và chuẩn bị các kế hoạch hậu Cộng Sản, không thể thụ động, đợi nước đến chân mới nhảy.
HN: Là một trong những người đã từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ cũng như đã có dịp du lịch và học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, có lẽ giáo sư cũng thấy rằng nền giáo dục của mỗi nước đều có các nét đặc thù. Như vậy, nền giáo dục VN hậu Cộng Sản, theo giáo sư, chúng ta nên chú trọng đến các lãnh vực nào cho thích hợp với hoàn cảnh của đất nước và yêu cầu của thời đại?
NTT: Nước ta có bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam và tỉnh nào cũng có nhiều sông ngòi, hói lạch. Việt Nam cũng có nhiều rừng núi và là một xứ nông nghiệp với hơn 70% dân chúng sống ở nông thôn. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể quên truyền thống của dân ta như cần cù, siêng năng và hiếu học, và nhược điểm lớn nhất của các nền giáo dục VN xưa nay là quá nặng tính cách từ chương và nhồi sọ. Vì thế, dù người dân thông minh không thua kém ai, nhưng Việt Nam không đào tạo được những nhân tài kiệt xuất trong các lãnh vực sáng tạo và phát minh khoa học.
Không cần nhìn đâu xa, tại Á Châu, chúng ta hãy nhìn sang Nhật Bản và Ấn Độ để học hỏi kinh nghiệm của họ. Tại Nhật Bản, dưới thời Minh Trị thiên hoàng, nhờ nỗ lực canh tân giáo dục thức thời và hữu hiệu, chỉ trong vòng chưa đầy hai mươi năm, Nhật đã thoát khỏi cảnh chậm tiến để trở thành một quốc gia hùng cường trước sự ngạc nhiên và khâm phục của thế giới. Riêng tại Ấn Độ, dưới thời Thủ Tướng Nehru, nền giáo dục cũng đã được canh tân triệt để, đặc biệt các ngành khoa học và điện toán. Nhờ đó ngày nay Ấn Độ đã đào tạo được rất nhiều khoa học gia và kỹ sư điện toán lỗi lạc với một đội ngũ hùng hậu để phục vụ không những cho Ấn Độ mà còn làm việc cho rất nhiều công ty khắp nơi trên thế giới.
Nền giáo dục VN hậu Cộng Sản cần phải được nhanh chóng canh tân dựa vào các nét đặc thù về địa dư, các điểm mạnh và yếu của truyền thống giáo dục VN và những kinh nghiệm quý báu của thế giới. Có như thế chúng ta mới hy vọng có thể theo kịp đà tiến bộ của cộng đồng nhân loại văn minh.
HN: Vừa rồi Giáo Sư đã nêu lên hai trường hợp Nhật Bản và Ấn Độ. Nền giáo dục của hai nước đó đã được canh tân một cách tốt đẹp nhờ viễn kiến và sự quyết tâm của Minh Trị Thiên Hoàng tại Nhật Bản và Thủ Tướng Nerhu tại Ấn Độ. Như vậy, theo Giáo Sư, đâu là các điều kiện tiên quyết để việc canh tân nền giáo dục VN hậu CS đạt được kết quả tốt đẹp như ý?
NTT: Điều kiện tiên quyết là nhà cầm quyền hậu Cộng Sản phải ý thức rằng mục tiêu của Giáo Dục không phải là để phục vụ cho một chế độ, một đảng phái chính trị hay một tôn giáo nào. Trái lại, Giáo Dục là một công cuộc đầu tư phi chính trị và dài hạn, mục đích để nâng cao dân trí, giúp cho dân giàu, nước mạnh. Giáo Dục chỉ có thể phát triển tốt đẹp nhất trong một môi trường Tự Do và hoàn toàn độc lập với mọi thế lực.
HN: Thưa GS Nguyễn Thanh Trang, trong tuần trước, ông cho biết Việt Nam có rất nhiều chuyên gia, giáo sư lỗi lạc đang giảng dạy tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Úc, Nhật. v.v. Họ có thể về nước giảng dạy và góp phần canh tân nền giáo dục VN. Nhưng như Giáo Sư đã nhận xét, mỗi nước có một nền giáo dục đặc thù, có phương pháp đào tạo cá biệt, vậy liệu rằng khi về nước, họ có chấp nhận làm việc chung với nhau hay không?
NTT: Thưa anh, khi các chuyên gia Việt Nam từ hải ngoại về, thế nào cũng không sao tránh khỏi một số dị biệt quan điểm trong khi làm việc chung với nhau, không những giữa họ với nhau, mà còn giữa họ với các giáo sư và chuyên gia tại quốc nội nữa. Điều đó rất bình thường và dễ hiểu và đã từng xảy ra tại Miền Nam trước năm 1975. Vào thời đó, những người tốt nghiệp từ Úc, Nhật, Canada và Mỹ về sau năm 1960 hầu hết đều trẻ tuổi hơn các vị từ Pháp về trung bình từ 10 đến 20 tuổi. Không những họ đã được đào tạo trong các hệ thống giáo dục khác nhau, mà giữa họ còn có hố cách biệt về tuổi tác. Hơn thế nữa, vào thời đó, các phương tiện truyền thông chưa được phát triển nên sự thảo luận và thông tin giữa họ không được rộng rãi, dễ có những hiểu lầm. Nhưng ngày nay báo chí, truyền thanh, truyền hình quá tiến bộ, phổ thông, nhất là điện thoại di động và hệ thống điện toán toàn cầu, giúp thế giới ngày càng thu hẹp, sự trao đổi quan điểm và kinh nghiệm giữa những người trí thức tâm huyết tại quốc nội và hải ngoại về sẽ dễ dàng hơn, giúp họ dễ thông cảm nhau trong khi làm việc chung.

No comments:

Post a Comment