Saturday, June 1, 2013

Tin tức ngày thứ Năm, 30.05.2013

VN ĐANG NỢ THẾ GIỚI HƠN 100 TỶ MỸ KIM

Trong khi nhà cầm quyền CSVN khẳng định mức nợ công đang ở mức an toàn và muốn tiếp tục vay thêm nữa, thì giới báo chí lề đảng lại loan tin là mức nợ công đã lên đến 95% tổng sản lượng quốc gia, tức xấp xỉ 100 tỷ Mỹ kim, chứ không phải ở mức 55% như báo cáo của bộ tài chánh. Lý do của sự chênh lệch này là vì báo cáo này không cộng các khoản vay mượn của các tập đoàn quốc doanh, mà nhà nước CSN đứng ra bảo lãnh khi vay mượn thế giới.

Cần biết là quốc hội VN ấn định mức nợ công tối đa, được cho phép, là 60% tổng sản lượng quốc gia. Tuy nhiên một cuộc nghiên cứu của ủy ban kinh tế quốc hội VN và Chương trình Phát triển LHQ cho thấy là tỷ lệ nợ nần của VN đã vượt qua mức 95%, thậm chí là có thể hơn 100%, sản lượng quốc gia.
Một số chuyên gia kinh tế và tài chánh nhận định là quốc hội bù nhìn cuối cùng cũng phải đồng ý nâng tỷ lệ nợ công mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang đề nghị, vì ngân sách thu chi đang bị thâm thủng nặng nề. Nhưng họ cho rằng việc đi vay mượn thêm sẽ là một điều rất nguy hiểm nếu tiếp tục điều hành yếu kém như nhiều năm qua. Nếu vay mượn thêm mà tạo ra được công ăn việc làm thì quá tốt, nhưng nếu chỉ để giải cứu các tập đoàn nhà nước càng làm ăn càng lỗ thì đất nước sẽ lún sâu thêm vào vũng lầy nợ nần.
Cần nói thêm là rất nhiều nước trên thế giới có mức nợ rất cao, điển hinh như Nhật Bản đang nợ ở mức 200% sản lượng quốc gia. Tuy nhiên Nhật có tiềm lực xuất cảng mạnh, thậm chí còn là một chủ nợ lớn của thế giới. Trong khi đó thì nền kinh tế VN hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn vốn ngoại quốc, với 100 đồng làm ra thì khoảng 95 đồng là tiền đi vay mượn.

MỘT HỌC GIẢ TRUNG CỘNG KÊU GỌI DÙNG VÕ LỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, một giáo sư thuộc đại học quốc phòng Trung Cộng tuyên bố là nhà cầm quyền Bắc Kinh nên chọn phương thức "cần đánh thì cứ đánh" thay vì giải quyết bằng đường lối ngoại giao về các tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Theo thông tấn xã Đài Loan, CNA, thì Giáo sư Hàn Húc Đông thuộc đại học quốc phòng Trung Cộng cho rằng việc giải quyết các tranh chấp thông qua đường lối ngoại giao là rất khó khăn, vì thế nên tấn công bằng quân sự khi thấy cần thiết. Theo quan điểm của giáo sư hiếu chiến này thì đường lối ngoại giao chỉ có hiệu quả khi có quân đội yểm trợ sau lưng. Họ Hàn đặt câu hỏi là tại sao nhà cầm quyền Bắc Kinh không đánh chiếm ngay lập tức hai đảo Cỏ May và Cỏ Rong ở quần đảo Trường Sa đang nằm trong Phillipines?
Họ Hàn nói thêm là hải quân Trung Cộng hiện nay đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền, vì thế Bắc Kinh nếu thấy cần thì "cứ đánh, miễn đàm" để lấy lại những vùng đất thuộc chủ quyền của mình.
Các lời tuyên bố này được đưa ra trong lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Vào hôm 27/5 vừa qua, VN đã gửi công hàm phản đối việc 16 tàu Trung Cộng bao vây và tấn công một tàu đánh cá VN ở vùng biển Hoàng Sa. Trung Cộng lập tức phủ nhận và nói rằng chiếc tàu đó đã xâm phạm hải phận của họ. Trong khi đó thì thế giới đang quan tâm đến việc hải quân Trung Cộng dàn trận ở bãi Cỏ May, thuộc quyền kiểm soát của Philippines.

BỘ TRƯỞNG MỸ ĐẾN ĐÔNG NAM Á ĐỂ CỦNG CỐ CHIẾN LƯỢC QUỐC PHÒNG

Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Chuck Hagel, đã đặt chân đến Singapore vào hôm qua để tham dự hội nghị thường niên về an ninh trong khu vực, mang tên là Đối thoại Shangri-la. Hội nghị sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày, và sẽ là diễn đàn quan trọng để ông Hagel khẳng định châu Á là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ.
Cần nói thêm, chiến lược này ban đầu được gọi là "chuyển trục" (pivot), sau đó được đổi lại là "tái cân bằng" (rebalance) lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực Á châu – Thái Bình Dương. Chiến lược mới này được Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo vào năm ngoái, mục tiêu là nhằm đương đầu với sự gia tăng về tiềm lực quân sự của Trung Cộng ở châu Á.
Trong hội nghị Shangri-la lần này, ngoài bài tham luận trong ngày đầu tiên, mang tên "Phương thức tiếp cận an ninh khu vực của Hoa Kỳ", ông Hagel sẽ có nhiều cuộc thảo luận song phương với các đồng minh thân thiết như Philippines, Nam Hàn, Singapore, Indonesia, Malaysia, Úc và Tân Tây Lan.

THẾ GIỚI VÔ CÙNG LO NGẠI VỀ TÌNH HINH BẠO ĐỘNG TÔN GIÁO Ở MIẾN ĐIỆN

Chính phủ Miến Điện đã lên tiếng kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh và tự kiềm chế, trong khi lực lượng an ninh Miến loan báo là họ đã làm chủ tình hình ở thành phố Lashio, thủ phủ của tỉnh Shan, sau cuộc bạo động dữ dội vào hôm thứ Tư 28/5.
Cuộc bạo động diễn ra sau khi một tín đồ Hồi giáo 48 tuổi tấn công một tín đồ Phật giáo. Nhiều tu sĩ và giáo dân đòi hỏi cảnh sát giao hung thủ cho họ giải quyết nhưng bị từ chối, dẫn đến cuộc bạo loạn với nhiều khu dân cư, cửa tiệm, một cô nhi viện và một thánh đường Hồi giáo bị đập phá và đốt cháy. Quân đội Miến ngay lập tức được điều đến để tái lập trật tự và an ninh trong thành phố Lashio. Phát ngôn nhân phủ tổng thống Miện lên án cuộc bạo loạn và nói rằng những hành động này "không nên xảy ra trong một xã hội dân chủ mà chúng ta đang cố gắng xây dựng".
Cần nhắc lại là Miến Điện đang diễn ra làn sóng bài trừ Hồi giáo ngày càng nghiêm trọng. Vào năm ngoái, các vụ xung đột tôn giáo ở miền tây đã gây thiệt mạng cho hơn 200 người, và hàng trăm ngàn người đã phải di tản lánh nạn. Vấn nạn này cũng được Tổng thống Mỹ nêu ra trong chuyến công du lịch sử của Tổng thống Miến Điện ở Mỹ vì lo ngại cho tiến trình cải cách dân chủ ở xứ này.

No comments:

Post a Comment