Thursday, March 22, 2012

THÊM MỘT CÂU HỎI CHO TIÊN LÃNG

Ngày 21.03.2012     
Lời dẫn: Trong một biến chuyển khá bất ngờ, chị Đoàn Văn Vươn và chị Đoàn Văn Quí đã làm đơn xin giới hữu trác hạ giảm mức kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng và cũng là người cầm đầu lực lượng cưỡng chế khu đầm của anh Vươn. Tại sao hai chị lại có tấm lòng cao thượng đến độ như thế? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả câu trả lời qua bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Quang Lập, với sự trình bày của anh Hướng Dương.

Việc bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết vừa làm đơn gửi một số cơ quan hữu trách Hải Phòng xem lại mức kỷ luật của ông Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng là một sự kiện đáng chú ý. Trong khi chồng đang bị giam giữ, bản thân đang bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, thế mà các chị vẫn làm đơn xin giảm mức kỷ luật cho ông Khanh, điều đó chẳng những chứng tỏ cái tâm sáng của các chị mà còn cho thấy việc kỷ luật ông Khanh có gì đó không đúng.

Theo tờ báo Nông Nghiệp thì "bà Hiền cho biết, bà và chị dâu làm đơn là vì trước khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất, họ nghe ông Đoàn Văn Vươn nhắc nhiều về việc ông Khanh từng phản đối quyết định thu hồi và cưỡng chế đầm mà huyện ủy Tiên Lãng đã ban hành. Tôi được biết ông Khanh và một người khác ở Viện kiểm sát do phản đối từng bị đuổi ra khỏi cuộc họp. Nhưng không hiểu sao hôm đó ông Khanh vẫn dẫn đầu đoàn cưỡng chế?"
Tết nhiên đây chỉ là chuyện "nghe nói" và chẳng ai có thể dựa vào cái sự nghe nói để giải quyết cả. Nhưng chính quyền huyện Tiên Lãng thì biết rõ ông Khanh có phản đối việc thu hồi đất để đến nỗi "bị đuổi ra khỏi cuộc họp" hay không?
Có một văn bản xác nhận việc ông Khanh phản đối việc thu hồi đất, trong đó có nhắc đến kết luận của ông Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, như sau:
"Hồi 3 giờ chiều ngày 18/10/2010, tại phòng họp số 1 ở trụ sở huyện Tiên Lãng, sau khi làm việc và nghe ý kiến 2 hội viên của Liên chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ là ông Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân, đại diện huyện Tiên Lãng là ông Vũ Văn Khanh kết luận:
Một là nhanh chóng, khẩn trương tiếp tục giao lại đất cho nhân dân để nhân dân sản xuất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh, chính trị của địa phương, chấm dứt tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Hai là theo thỏa thuận giữa ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng với ông Luân và ông Vươn để giải quyết vụ án hành chính, huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho các ông thuê đất theo quy định của pháp luật.
Ba là yêu cầu phòng Tài nguyên – Môi trường cung cấp mẫu đơn xin thuê đất theo đề án 30 cho ông Luân và ông Vươn, đồng thời hướng dẫn ông Luân và ông Vươn làm thủ tục xin thuê đất để trình chủ tịch huyện Tiên Lãng, giải quyết theo Giám đốc thẩm".
Văn bản này rất quan trọng để xác định công tội của ông Khanh.
Trong bài "Mía sâu có đốt", ông Huỳnh Văn Cát đã nhắc lại Khoản 5 (điều 9 mục 1) của Luật Cán bộ Công chức, ban hành năm 2008, ghi rõ về việc chấp hành quyết định của cấp trên: "Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định".
Có lẽ cái tội của ông Khanh là khi thấy "quyết định đó là trái pháp luật" thì chỉ phản đối miệng mà không "kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định". Người ta có thể căn cứ vào điều này để bắt chẹt ông Khanh. Bắt chẹt thôi chứ người ta thừa biết là trong chế độ này, số người cả gan "thông báo bằng văn bản" như luật pháp qui định chỉ chiếm 1 phần triệu là may lắm rồi.
Đến đây thì xuất hiện câu hỏi: Tại sao biết ông Khanh phản đối mà chính quyền huyện Tiên Lãng vẫn giao cho ông Khanh vai trò trưởng ban cưỡng chế? Phải chăng đây là trò chơi buộc ông Khanh phải nhúng chàm để hết đường chối cãi? Hay là ông Khanh sau khi phản đối cưỡng chế đã bị phê phán nặng nề, nguy cơ mất chức treo ngay trước mũi nên đã thuận theo chính quyền huyện Tiên Lãng, vui vẻ nhận chức trưởng ban cưỡng chế để "lập công chuộc tội"?
Cho đến nay ông Khanh không hề lên tiếng. Sự im lặng này có thể dẫn đến hai giả thiết: Một là ông Khanh bụng thì vẫn phản đối nhưng ngoài mặt thuận theo chính quyền huyện Tiên Lãng, bây giờ há miệng mắc quai. Hai là ông Khanh rất muốn lên tiếng nhưng sợ "giang hồ đất Cảng" trả thù nên không dám?
Cả hai trường hợp đều có thể xảy ra. Nhưng khi xét đến sự hồ đồ, điêu ác và tráo trở của nhiều ông quan trong chính quyền Tiên Lãng sau vụ cưỡng chế khu đầm Đoàn Văn Vươn, thì mình tin vào giả thiêt thứ hai. Đám quan lại đất Cảng có khi còn nguy hiểm hơn cả "giang hồ đất Cảng". Ông Khanh sợ là phải!
Nguyễn Quang Lập

No comments:

Post a Comment