Monday, March 5, 2012

LÁ THƯ ÚC CHÂU NGÀY 04.03.2012

Lời dẫn: Một cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng Lao Động cầm quyền đang gây sôi nổi trong dư luận Úc, và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều màn bi hài nữa trong vài tháng sắp tới. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả Lá thư Úc châu của tác giả Đằng Phong Hầu, để biết thêm về biến cố chính trị này, qua sự trình bày của Bạch Mai.
Cứ tưởng Lá thư Úc châu kỳ này được đi ra ngoài chuyện chính trị, nhưng lòng muốn là một chuyện, mà trời muốn lại là một việc khác, bởi có chuyện chẳng... đặng đừng, thành ra phải xin lỗi quý thính giả nào không thích "chính chị, chính em" ở đây.

Hồi đầu tuần vừa rồi, ngay gần hết mùa hè theo lịch chính thức, người Úc hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử trong nội bộ các dân biểu và thượng nghị sĩ Lao Động, tức là đảng đang cầm quyền. Kết quả không có gì lạ, bởi đương kim thủ tướng Julia Gillard đã tái thắng cử ngôi vị lãnh tụ nghị trường của đảng, đánh bại đối thủ của Bà là Ông Kevin Rudd với đa số áp đảo, 71 chống 31. Đây là đa số lớn nhất trong lịch sử đảng Lao Động.
Cái thắng lợi của Bà Gillard cho người ta một số bài học. Thứ nhất, chức vụ thủ tướng không hẳn chỉ có... đàn ông mới làm đuợc. Thứ nhì là người ta dễ dàng quên mất lý do đưa bà Gillard lên chức thủ tướng. Lý do là Bà Gillard đã đảo chính ông Rudd, lúc ấy là thủ lãnh của bà mà dân gian mình thường hay nói là "đâm sau lưng chiến sĩ" cách đây 20 tháng, để rồi sau đó, bà lại không thắng cuộc tổng tuyển cử do chính bà ấn định ngày giờ.
Dưới con mắt của nhiều người, kể cả ông Rudd, bà đã chơi trò... phản thùng không thể chấp nhận được. Tuy mười tám tháng qua bà tiếp tục cầm đầu một chính phủ thiểu số nhờ tài thương thuyết khéo léo và tài chắp vá không ai bì kịp, nhưng vì bối cảnh lên nắm quyền của bà, khiến cho ông Rudd không sao quên được mối thù cũ. Vì áp lực của ông, sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010, bà Gillard phải trao chiếc ghế tổng trưởng ngoại giao cho ông. Ông Rudd biến thành một thứ Việt vương Câu Tiễn, luôn tìm dịp để triệt hạ Ngô Phù Sai. Bà Gillard cũng biết vậy, cho nên tuy nắm quyền tể tướng trong tay, nhưng lúc nào bà, và những cộng sự viên thân tín, cũng để mắt trông chừng ông "ngoại" Rudd.
Nhưng "ông ngoại' Rudd đã tính sai một nước cờ. Ông quên rằng, hễ làm chính trị thì phải mau quên những gì không đáng nhớ, và nhớ thật kỹ những gì có ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Ông không nhớ điều đó vì ông không hề là chính trị gia, mà là xuất thân từ ngạch công chức cao cấp. Người dân đã quên ông từ lâu, thế nhưng các đồng viện của ông vẫn nhớ thời gian ông làm thủ tướng. Ông đã làm khổ rất nhiều người, bắt họ thức khuya dậy sớm, và sai khiến họ như là những kẻ nô bộc của ông.
Bởi quên mất bài học thứ nhì này nên ông Rudd cứ tin là trong đảng còn nhiều người bênh vực ông, sẵn sàng quay về phe ông trong cuộc giành giật cái ghế thủ lãnh đảng và ghế thủ tướng. Ông cũng quên rằng, lòng trung thành không phải là đức tính cần có của các chính trị gia. Nếu trung thành thì bà Gillard đã không "lẻo mép" lên tiếng ủng hộ ông ngày hôm trước, nhưng rồi "lật" ông vào ngày hôm sau. Chính trị gia nào cũng thuộc nằm lòng phương châm "mục đích biện minh cho phương tiện". Hơn nữa trong lúc này, đảng Lao Động cầm quyền không có mấy người tài giỏi, nên mục đích tối hậu của các ông bà dân biểu và thượng nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền là chỉ làm sao để sống sót, vượt qua cơn "pháp nạn" hiện thời, nên giữa hai thủ lãnh đều dở tệ thì chọn người ít tệ hơn. Bởi thế họ mới dồn phiếu cho Bà Gillard.
Thế nhưng theo các kết quả thăm dò thì dân Úc lại đánh giá ông Rudd "tốt" hơn bà Gillard. Thế là các ông bà dân cử Lao Động bị đặt trong thế "trên đe dưới búa". Một là trở về với ông Rudd, tức phải phục vụ dưới quyền một người lúc nóng lúc lạnh, không biết đằng nào mà đoán. Hai là phải tiếp tục đi với Bà Gillard, một người đã lên nắm quyền bằng thủ đoạn hơi bá đạo và hiện không được lòng dân, nhưng còn tới 18 tháng nữa để o bế cử tri trước khi tổng tuyển cử.
Cuối cùng thì đa số đã chọn Bà Gillard, một sự lựa chọn gần như ép buộc. Nhưng dù đạt được số phiếu tín nhiệm kỷ lục, nữ Thủ tướng Gillard chưa chắc đã vững vàng trên ngai. Người ta tin rằng, Bà chỉ có được 6 tháng để trổ tài king bang tế thế và thu hút cử tri. Nếu trong thời gian đó, mức ủng hộ của dân chúng dành cho đảng Lao Động cứ tiếp tục tuột dốc hay cứ ở mãi mức 30% thì toàn quân cầm chắc là sẽ tan tành trong kỳ tuyển cử vào năm 2013. Có nghĩa là trong vòng 6 tháng tới, Bà Gillard có thể bị đảo chánh, bởi một nhân vật nào đó trong đảng, hoặc có thể là chính ông Kevin Rudd. Lý do là không ai tin rằng ông Rudd chịu đi vào "hoàng hôn lịch sử". Tuy đã hứa là từ nay trở đi sẽ "líu ríu" theo chân bà Gillard và không tranh dành gì nữa, nhưng chẳng ai cản được việc các đồng viện quay sang ông như là đấng cứu tinh, vì chính ông là người đã đưa đảng Lao Động đến chiến thắng vào năm 2007, sau 12 năm đảng này thảm bại liên tiếp trước Liên minh Tự do – Quốc gia.
Khi đó ông Rudd có quyền ép buộc bà Gillard phải từ chức, như bà này đã làm khi đảo chính ông vào 20 tháng trước đây. Nếu chuyện đó xảy ra thì đảng Lao Động đã mở kỷ lục trong lịch sử nước Úc, với hai đương kim thủ tướng bị lật đổ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Dư luận cho rằng trong vụ tranh chấp vừa qua, phe chiến thắng chính là phe đối lập. Họ ung dung ngồi nhìn đảng Lao Động mắng mỏ và bôi xấu nhau. Đến khi tranh cử, họ chỉ cần ráp nối những đoạn "chủi chó mắng mèo" trong đảng Lao Động đem ra chiếu cho cử tri là tha hồ hốt phiếu.
Dân chủ đại nghị nó có những trò hay như thế. Nhưng hay hơn nữa là hoàn toàn không có chuyện quân đội hay công an nhúng tay vào. Tất cả đều được giải quyết bằng lá phiếu của người dân. Và hơn lúc nào hết, đảng Lao Động cầm quyền đang thèm khát những lá phiếu đó, sau khi đã đánh nhau gần như "u đầu mẻ trán" chỉ vì cái ghế thủ lãnh.
Xin hẹn gặp lại quý thính giả vào những đoạn sau của vở bi hài kịch chính trị này.
Đằng-Phong-Hầu

No comments:

Post a Comment