Saturday, March 3, 2012

CHIA RUỘNG CHO QUAN

Ngày 02.03.2012     

Lời dẫn: Sau 70 năm cầm quyền, đảng cộng sản VN đang biến những quan chức của mình thành những địa chủ mới ở nông thôn, đặc biệt là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều mỉa mai là những ông địa chủ này cũng đồng thời là những kẻ lãnh lương từ tiền thuế của dân, trong đó có những tá điền đang thuê mướn những cánh đồng mà các quan chức được đảng chia chác. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phân tích dưới đây của Trúc Lê, qua sự trình bày của anh Nguyên Khải.
Hiện hàng ngàn mẫu đất của vùng Tứ giác Long Xuyên đã được cấp cho các quan chức tỉnh Kiên Giang. Thành phần được cấp là các cán bộ tỉnh huyện cho đến các ban ngành. Việc cấp đất cho cán bộ là một chủ trương mà tỉnh Kiên Giang đã thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều người sau khi được cấp đất đã bỏ hoang.

Trong khi đó thì hàng vạn nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đi thuê đất để sinh sống. Hiện có nhiều người từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đến vùng Tứ giác Long Xuyên để thuê đất sản xuất, chủ yếu là trồng lúa. Vì không phải là đất của họ, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lúa nước, nên người nông dân thuê đất không được thế chấp vay vốn ngân hàng đê trồng trọt. Họ thường phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cắt cổ, nên không sao thoát được cảnh đói nghèo. Câu hỏi đặt ra là liệu có công bằng hay không, khi những quan chức vừa là chủ đất, vừa phát canh thu tô, vừa hưởng lương từ những đồng thuế của chính những tá điền của mình nai lưng ra làm việc?
Có lẽ đến bây giờ, chẳng mấy ai dám nghĩ các quan chức là đầy tớ của dân. Cán bộ công chức không nghĩ thế đã đành, người dân lại càng không dám nghĩ thế. Song về nguyên tắc, khi anh cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách, tức là từ tiền thuế của nhân dân và từ tiền bán tài nguyên của đất nước do nhân dân làm chủ thì họ vẫn là công bộc của nhân dân. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hằng ngày đang có hàng vạn nông dân lam lũ mưu sinh trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Những cánh đồng được coi là công thổ quốc gia nhưng nông dân đang đóng vai tá điền, quần quật làm việc để phần lớn thành quả thu được là để "nộp tô" cho chủ đất. Oái oăm thay, chủ đất bây giờ không phải địa chủ trong cải cách ruộng đất sau hòa bình lập lại năm 1954 ở miền Bắc, mà chính là những cán bộ công chức đảng viên.
Chủ trương cấp ruộng cho cán bộ công chức tỉnh Kiên Giang đang tạo cơ hội cho một lực lượng quan chức tỉnh này làm giàu trên mồ hôi nước mắt của nông dân, trở thành một tầng lớp cường hào ác bá mới. Có thể chủ trương này là một giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho giới cán bộ công chức gặp khó khăn vì đồng lương eo hẹp. Thế nhưng khi đề ra chủ trương này, nhà cầm quyền tỉnh Kiên Giang không hình dung ra hậu quả là sẽ biến các quan chức của mình thành một "giai cấp địa chủ mới".
Điều này đã xảy ra và những công bộc của dân giờ đây đang đóng cả hai vai trên sân khấu cuộc đời. Ở công sở, họ là cán bộ công chức, là người đề ra, thực thi và phổ biến những chính sách nhằm phục vụ cho lợi ích của dân. Trên cánh đồng của mình, trong vai chủ đất, họ thực thi những biện pháp để thu lợi nhiều nhất từ sức lao động của những người đang làm thuê cho mình. Họ vừa là ông chủ, vừa là người làm công bộc cho cùng một đối tượng, nên thật khó để có thể đóng tròn cả hai vai diễn đối lập nhau như thế. Và cũng thật khó để yên tâm rằng, những ông chủ đất trong vai cán bộ công chức sẽ nhìn nhận các tá điền của mình như một đối tượng mà họ cần tận tâm phục vụ.
Câu chuyện chia đất ruộng cho cán bộ công chức ở Kiên Giang có thể chưa gây ra những hậu quả trực tiếp. Song rõ ràng đây là một chỉ dấu cho thấy sự mâu thuẫn giữa tư tưởng và hành động ở giới quan chức lãnh đạo địa phương. Khi những cán bộ cấp dưới, tức những người trực tiếp thực thi các chính sách kinh tế xã hội thừa hành pháp luật ở địa phương, đã đứng sai vị trí, nhầm lẫn vai trò của mình trong cuộc sống thì hậu quả của nó là sự biến dạng các chính sách, tạo mầm mống bất ổn cho xã hội.
Khi nguồn tài nguyên quan trọng nhất của đất nước trở thành công cụ để đẩy nhanh quá trình phân hóa giàu nghèo trong xã hội thì những người nắm giữ nguồn tài nguyên đó, tức những ông địa chủ hiện đại, chắc chắn sẽ không nhìn nhận mình là đầy tớ, là công bộc cho những tá điền trên cánh đồng của mình. Và khi đó họ sẽ không thể ý thức được rằng vai trò công chức của họ là để phục vụ cho lợi ích của người dân.
Trúc Lê

No comments:

Post a Comment