Friday, March 16, 2012

SIÊU ĐÁM CƯỚI VÀ TRẺ CON MIỀN NÚI

Ngày 16.03.2012     

Lời dẫn: Trong khi hàng trăm ngàn gia đình ở miền núi hay vùng nông thôn vẫn còn đói ăn thiếu mặc, thì tại một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh vừa diễn ra một đám cưới được xem là siêu đẳng, với đoàn xe hơi dài cả cây số và tổng chi phí hơn 1 triệu Mỹ kim. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết đầy nỗi nghẹn ngào của Mai Thanh Hải, người đang mở các chương trình quyên góp giúp trẻ con miền núi có được chút thịt trong bữa ăn và áo ấm chống lạnh, qua sự trình bày của chị Như Giang.
Trên báo Dân Trí vừa có bài viết mang tựa đề "Siêu đám cưới một thiếu gia gây rúng động phố núi", nói về cái đám cưới của "con trai nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu" ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh với con gái của một đại gia ở Hà Nội. Cô dâu chú rể từng đi du học tại Singapore.

Đọc xong, chịu không nổi, phải ra ngoài sân đứng hút thuốc. Cái "siêu đám cưới" này có dàn xe rước dâu sang đến độ chiều tối ngày 29/2, hàng ngàn người dân Hà Tĩnh, sống hai bên quốc lộ 8A, chen chúc nhau đứng xem, kéo dài từ ngã tư giao nhau giữa đường mòn Hồ Chí Minh và quốc lộ 8A ở thị trấn Phố Châu đến thị trấn Tây Sơn, khiến giao thông gần như tắc nghẽn.
Cái "siêu đám cưới" còn có sự trình diễn của các ca sĩ tên tuổi ở trong nước và hải ngoại như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê và MC Lê Anh, càng khiến dòng người kéo đến xem dài dằng dặc. Hội trường không đủ chỗ ngồi, gia chủ phải đóng cửa, khiến hàng trăm người chen lấn xô đẩy bên ngoài.
Tự dưng, mình nhớ lại những gì đã thấy trên những nẻo đường miền núi, khi đi làm chương trình "Cơm có thịt", "Áo ấm cho trẻ em vùng cao", hay "Gánh hàng xén lên miền núi". Mình nhớ đến con bé Sùng Thị Súa 5 tuổi, ở trường Mầm non Dền Thàng huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai, co rúm trong cái áo ướt sũng, giữa trời lạnh 3 độ C và trận mưa ào xuống trên quãng đường 30 phút trèo đồi từ nhà đến trường. Mắt con bé đờ đẫn, môi tím ngắt, răng đánh lập cập và cả người cứ ưỡn theo nhịp đập từ lồng ngực trái. Chỉ khi được khoác áo và trùm khăn, nó mới hé được mắt ra để nhìn tụi mình...
Mình nhớ cảnh cô giáo Trần Thị Lập, dắt 2 đứa học sinh 5 tuổi bé như cái nấm, bì bõm hiện ra trong sương mù đặc quánh Nhìu Cồ San để đến nhận giùm áo ấm, ủng cao su và các đôi tất cho mấy chục bé ở Trà Pha vì con đường đến chỗ nhận quà quá xa, xe máy cũng không chạy vào được. Nhận xong quà, cô Lập buộc chặt vào lưng, lại tất tả dắt 2 đứa trẻ trèo núi gần một tiếng đồng hồ trong rừng để về với các học sinh.
Mình rưng rưng nước mắt vào một buổi sáng ở trường mầm non Sàng Ma Sáo, khi thấy bọn trẻ con lếch thếch tay kéo quần, tay quệt mũi nhưng nách vẫn kẹp chặt mấy cọng rau cải, chạy ùa vào cái bếp tranh để dúi vào tay cô giáo Phúc những cây rau còn dính đất, để góp với cô giáo nấu cơm canh ăn buổi trưa. Mình không thể quên cảnh lũ trẻ ở Y Tý nuốt nước bọt ừng ực, nhìn các cô giáo chia cơm trưa. Khi nhận được phần cơm có chút thịt, chúng cắm đầu ăn hùng hục, không nói chuyện, không nhìn ngang nhìn ngửa, loáng cái đã sạch bách bát cơm, và ngoan lành cất bát, trải chỗ ngủ như chó con say sữa.
Mình cũng nhớ dáng con bé Sao 8 tuổi học lớp 3 ở Pa Cheo, ngồi ngoan viết bài, trên lưng là em bé 2 tuổi nằm ngủ vùi trong địu vải. Bữa trưa của 2 chị em, chỉ là nắm cơm trắng, không có được hạt muối. Mình vẫn nhớ trong đầu những đứa trẻ con trên ngã ba biên giới A Pa Chải ở Mường Nhé, nghiêm nghị xếp hàng dưới cột cờ bằng tre, rụt rè nhận từng chiếc áo ấm và thi nhau hít hà trước món quà có giá trị, lần đầu tiên có được. Mình nghẹn ngào trước lũ trẻ con Tả Gia Khâu ở Mường Khương, loay hoay trước chiếc kẹo và hộp sữa không biết mở ra sao. Chúng luýnh quýnh chạy lên dốc như đàn gà con, mang về khoe bố mẹ chiếc áo ấm mới nhận.
Và mình không quên hình ảnh những em Quỳnh, em Thanh, em Huyền, em Tuyển, em Vân, em Lan cùng hàng trăm gương mặt giáo viên vùng cao khác, mừng đến cuống quýt sững sờ, cứ loanh quanh chạy đi chạy lại khi thấy những chuyến xe chở hàng hóa, quần áo, thực phẩm lên cho học sinh. Và mình không quên những giọt nước mắt rơi vội vàng trên gò má của những "Cơm thịt viên","Hàng xén viên" sau khi lấp ló ngoài cửa nhìn trộm bọn trẻ con ngoan ngoãn, xúc cơm thịt, canh nóng, để no bụng bữa trưa.
Và mình cũng không quên những email, điện thoại, những cái trao tay trân trọng của bao người từ trong đến ngoài nước, từ cụ già đến em nhỏ, từ 10 ngàn đồng dành quà sáng của em bé đến khoản lương hưu của các cụ già cho "Quỹ Cơm Có Thịt" và "Gánh hàng xén lên vùng cao".
Và mình đứt ruột trước cái tin là chi phí "siêu đám cưới" tại vùng đất nghèo Hà Tĩnh là hơn 25 tỷ đồng, chỉ riêng tiền rượu đã hơn 2 tỷ, và tiền ca sĩ là hơn 60 ngàn Mỹ kim. Mình nhờ cô bé kế toán làm bài tính. Cô gái lặng người trước phép tính của mình. Nếu mỗi đứa trẻ vùng cao cần tối thiểu 120 ngàn đồng để được ăn cơm có thịt thì cái chi phí đám cưới đó sẽ nuôi được khoảng 200 ngàn đứa trẻ mầm non trong một tháng.
Vẫn biết "có tiền thì làm gì cũng được". Thế nhưng cứ rưng rưng muốn khóc, xót xa tận đáy lòng, khi nghĩ đến những đứa trẻ lít nhít đang chịu đói, chịu lạnh trên vùng cao miền núi, ở biên giới xa xôi!
Mai Thanh Hải

No comments:

Post a Comment