Tuesday, March 20, 2012

LÁ THƯ ÚC CHÂU KỲ 25 – MỘT THỰC TẾ CHÍNH TRỊ MỚI Ở ÚC

Ngày 18.03.2012     
Lời dẫn: Trong Lá thư Úc châu kỳ này, tác giả sẽ giới thiệu sơ lược về cấu trúc chính trị của nước Úc, một đất nước được xem là một trong những quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhất, mặc dù chỉ lập quốc hơn 200 năm. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả lá thư của ông Đằng-phong hầu, nhân dịp diễn ra cuộc tuyển cử tại tiểu bang Queensland, qua sự trình bày của chị Bạch Mai.

Có thể khi lá thư này tới tai thính giả thì một thực tế chính trị mới vừa bắt đầu ở Úc. Theo sự tiên đoán của mọi bình luận gia thời cuộc thì chính quyền tiểu bang Queensland, tiểu bang đứng hàng thứ ba về dân số và diện tích ở Úc, sẽ đổi từ đỏ sang xanh, sau 14 năm nằm dưới sự kiểm soát của đảng Lao Động.

Tói đây xin mở một dấu ngoặc nhỏ để giải thích thêm với quý thính giả rằng, Úc châu là một liên bang gồm có 6 tiểu bang là Tây Úc, Nam Úc, Victoria, New South Wales, Tasmania và Queensland. Ngoài ra còn có hai lãnh thổ là Bắc Úc và biệt khu thủ đô là Canberra. Tất cả đều có chính phủ tiểu bang, hoặc chính quyền lãnh địa. Trong số các tiểu bang, tính trên diện tích và dân số thì Queensland đều đứng hàng thứ ba, với diện tích là 1 triệu 850 ngàn cây số vuông, tức rộng hơn 5 lần nước Việt Nam, nhưng dân số chỉ xấp xỉ 5 triệu. Đây là tiểu bang mạnh về nông nghiệp và dĩ nhiên là có nhiều khoáng sản.
Về chính trường liên bang hay tiểu bang thì tuy nước Úc có nhiều đảng phái, nhưng cũng như Anh và Mỹ, thay nhau lên cầm quyền vẫn là hai đảng chính: đảng Lao Động đối đấu liên minh hai đảng Tự Do – Quốc Gia. Trong thực thể chính trị ở Úc, màu xanh vẫn thường được dùng để chỉ thế lực bảo thủ, tức liên minh Tự Do và Quốc Gia. Và màu đỏ dành cho phe Lao Động.
Nếu người ta tô màu các tiểu bang ở Úc sau thứ bẩy tuần tới, thì 4 tiểu bang lớn nhất nước, với trên 20 triệu dân sẽ mang màu xanh, tức dưới quyền lãnh đạo của phe Liên minh. Hai tiểu bang nhỏ nhất vẫn còn màu đỏ là Tasmania và Nam Úc, với tổng số dân chưa tới 2 triệu.
Chuyện thay đổi màu sắc, tức thay đổi chính quyền, là chuyện rất bình thường trong đời sống chính trị ở Úc. Và đó là trò chơi dân chủ. Chẳng hạn như 15 năm trước, Liên minh nắm chính quyền liên bang, thì các chính quyền tiểu bang và lãnh thổ đều thuộc phe Lao Động. Và rồi chỉ trong mấy năm, một loạt các cuộc thay màu diễn ra. Lao Động vừa thắng cuộc tuyển cử liên bang, thì các tiểu bang cũng đổi màu hàng loạt, từ đỏ sang xanh. Khởi đầu là ở tiểu bang Tây Úc, rồi đến New South Wales Sydney, và mới hơn một năm trước đây là tiểu bang Victoria, với thủ phủ là thành phố Melbourne.
Một qui luật khó ai giải thích được là trong lịch sử nước Úc, tiểu bang NSW mà thủ phủ là thành phố Sydney, và chính quyền liên bang luôn luôn có màu sắc chính trị khác nhau. Nếu liên bang màu đỏ thì tiểu bang này có màu xanh, và ngược lại. Người ta chỉ có thể giải thích rằng, tiểu bang có dân số nhiều nhất nước Úc không muốn bị một chính đảng "đè đầu cưỡi cổ" ở cả hai cấp, nên bỏ phiếu cho phe kia để kềm chế lẫn nhau
Đến thứ Bảy ngày 24 tháng Ba, nếu tài tiên đoán của giới thăm dò dư luận là đúng, thì sau 14 năm cai trị tiểu bang Queensland, đảng Lao Động sẽ bị người dân mời ngồi vào ghế đối lập, và tiểu bang này sẽ trở lại màu xanh.
Tuy nhiên theo tính toán của giới chuyên gia bầu cử, dựa vào kết quả thăm dò, thì đảng Lao Động sẽ đại bại, nhưng nếu như ứng viên của họ thắng được đơn vị Ashgrove thì Liên đảng Quốc Gia – Tự Do lên cầm quyền nhưng không có người cầm đầu để ngồi vào ghế thủ hiến, một chức vụ tương tự như thống đốc tiểu bang của Mỹ.
Lý do là người thủ lãnh của liên đảng, ông Campbell Newman, thị trưởng thành phố Brisbane tuy rất được lòng dân chúng vì cứu được thành phố này qua nhiều cơn hoạn nạn, nhưng không phải là một dân biểu quốc hội. Theo thể chế đại nghị Úc thì thủ hiến, thủ tướng phải là dân biểu trong quốc hội liên bang hay tiểu bang. Chính vì thế dù là thủ lãnh liên đảng, nhưng ông Newman phải thắng được chiếc ghế ở đơn vị Ashgrove, nơi ông ra tranh cử. Nếu không thì sau khi đại thắng, liên đảng của ông phải bầu một dân biểu phe ta lên làm thủ lãnh kiêm thủ hiến.
Thế nhưng chuyện thắng chiếc ghế Ashgrove không phải là dễ dàng, vì đây là đơn vị mà người dân có thói quen bỏ phiếu cho đảng Lao Động. Và đối thủ của ông là bà Kate Jones, đương kim dân biểu Lao Động ở đơn vị này và là một phụ nữ rất được lòng dân chúng trong vùng!
Tiểu bang Queensland thường được người Úc ví von như miền viễn Tây của Hoa Kỳ xưa kia, vì có lối hành xử khá "cao bồi" và "khác người". Nhưng lần này cái "khác người" lại không đến đúng lúc. Lý do là không biết ai đã chọn ngày để nữ thủ tướng Julia Gillard nhóm họp để thảo luận chính sách với các thủ hiến tiểu bang. Người đó đã quên xem lịch khi chọn ngày họp là thứ Sáu 13 tháng Tư, tức ngày kiêng kỵ đối với nhiều người Tây phương. Và trong cuộc họp đó, trực diện với bà Gillard và các tổng trưởng Lao Động là 4 tân thủ hiến thuộc phe Tự Do – Quốc Gia, trong tổng số 6 tiểu bang.
Có nghĩa là sau khi loại được đối thủ là ông Kevin Rudd để đỡ nhức đầu, nữ thủ tướng Úc sẽ phải đau đầu với phe đối lập và các thủ hiến có màu xanh. Và ông nào thì cũng thuộc loại cứng đầu cứng cổ, khiến các chính sách của đảng Lao động khó có thể được họ chấp thuận.
Xin kết thúc Lá Thư ở đây và người viết sẽ tường trình thêm trong những kỳ tới.
Đằng-Phong-Hầu

No comments:

Post a Comment