Saturday, March 3, 2012

NHỮNG NGƯỜI QUAI ĐÊ LẤN BIỂN Ở TIÊN LÃNG

Ngày 01.02.2012     

Lời dẫn: Tại huyện Tiên Lãng, không chỉ có một mình gia đình anh Đoàn Văn Vươn đã nỗ lực quai đê lấn biển để mưu sinh mà còn rất nhiều gia đình khác cũng đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu suốt nhiều năm ròng rã. Thế nhưng chỉ cần một cái lệnh quái đản của nhà cầm quyền là hàng chục gia đình trở nên trắng tay, đứng ngồi không yên. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Hà Anh, viết về nỗi khổ của một số người đó, qua sự trình bày của chị Dian.
Sau những lần gặp bão bị mất trắng tôm cá, nhiều người dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng - Hải Phòng phải ăn chuối xanh để sống qua ngày. Có phụ nữ bị chồng dọa bỏ vì suốt ngày quấn lấy đầm tôm.

Giữa tháng 2, khi những gia đình ở xã Đông Hưng đóng cửa ngủ trưa, vợ chồng chủ đầm Lương Văn Trong ngồi bên ấm trà nóng kể về nỗi vất vả khi quai đê lấn biển từ cả chục năm trước.
Theo lời người đàn ông tuổi lục tuần, tóc ngả bạc, gia đình ông là một trong những người đầu tiên ở xã Vinh Quang đứng ra xin nhận đầm. Thấy tôm cá ở biển nhiều trong khi gia đình với gần chục người luôn luôn đói khổi, ông Rễ (bố ông Trong) đã vận động các con ra sức quai đê để giữ tôm cá, nhằm đánh bắt lâu dài.
Từ ý tưởng táo bạo đó, năm 1988 gia đình ông được xã Vinh Quang đồng ý cho phép chinh phục bãi bồi hoang vu rộng 100 mẫu. Ông Trong vẫn nhớ, hồi đó để làm được những bờ đê, gia đình đã huy động đến vài trăm người trong làng, chia thành nhiều tổ. Máy móc chưa có nên mọi việc đều dùng sức người. Suốt 12 năm sau đó, hễ đắp được con đê vào buổi tối thì đến sáng sớm hôm sau lại bị sóng đánh vỡ. Ông Trong kể: "Thấy các con nản lòng, ông cụ động viên rằng: 12 năm loạn lạc chẳng nhẽ không có một năm bình yên? Nghe câu nói đó, anh em trong nhà thêm sức mạnh để dấn thân lấn biển".
Cùng vật lộn với chồng, bà Bèo cho hay ngày đó bãi bồi hoang vu, sâu đến ngang ngực. Mỗi lần ra lấn biển, bà và những người trong gia đình phải mặc bộ quần áo tẩm toàn dầu để tránh bị muỗi đốt. Để có tiền trả công cho những người trong làng và đầu tư vào đầm, gia đình bà đã vay mượn khắp nơi với lãi suất cao. Nhiều lúc, trong nhà không còn tiền đong gạo, bà cùng chồng phải đốn những buồng chuối xanh về nấu ăn qua ngày. Bà Bào kể: "Những đứa trẻ nhà tôi hồi đó khổ lắm. Sáu đứa thì có đến 4 phải bỏ học giữa chừng để cùng cha mẹ ra đầm. May mắn sau này khi thu nhập ổn định, hai đứa út được học lên đại học".
Suốt 20 năm làm đầm, bà Bèo cho biết đã gặp không biết bao nhiêu là thiên tai. Hễ có đợt bão nào sắp đến, cả gia đình lại lo lắng đến độ mất ăn mất ngủ. Năm 2005, trong một tuần có tới 3 cơn bão ập đến. Do tiếc của, chồng bà lao xuống đầm để chặn tôm cá trôi ra biển và suýt bỏ mạng. Nhiều người dân nơi đây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Nằm cách xa đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn, tức gia đình bị cưỡng chế vào đầu tháng Giêng, ông Nguyễn Văn Phao cũng được nhà cầm quyền giao cho 15 mẫu. Ông Phao kể rằng, sau khi đi bộ đội về, không có công ăn việc làm ổn định nên gia cảnh khó khăn. Thấy ông Vươn thuê người đến đắp đê, ông cũng nhận lời làm với khoản tiền công ít ỏi. Những ngày tháng làm gần đó, thấy bãi bên cạnh bỏ không, người đàn ông này đã đặt ra câu hỏi: "Tại sao Vươn nó làm được mà mình thì không"?
Khi được nhà cầm quyền đồng ý, ông Phao thuyết phục vợ con bán hết đồ đạc trong nhà để lấy tiền thuê thợ đắp các bờ bao. Những năm 1994, trong nhà không còn gì đáng giá, không đủ tiền tiếp tục đầu tư, vợ chồng ông lặn lội về thành phố vay người anh vợ 100 triệu đồng để mua giống, dựng tạm chiếc lán ở ngoài đê để cả nhà cùng ở. Bà Phùng Thị Nhót, vợ ông Phao, nhớ lại: "Tháng 3 năm 1996, khi mọi việc đã khá suông sẻ thì chỉ một tháng sau cơn bão số 2 và số 4 đổ bộ vào khiến đầm ngập trắng xóa. Toàn bộ của cải vốn liếng đầu tư năm đó mất trắng. Đứng trên đê nhìn cảnh đó tôi đã ngất lên ngất xuống".
Người phụ nữ 55 tuổi dáng vẻ lam lũ tâm sự là khi thấy chồng làm ăn thua lỗ, nhiều người thân trong nhà đã khuyên dừng việc làm đầm nữa vì không có hiệu quả. Bà Nhót dọa làm đơn ly dị nhưng ông chồng vẫn không lung lay ý chí. Bà Nhót kể: "Ông ấy từng tuyên bố vợ con thì có thể bỏ được chứ đầm thì không. Quả thực, hồi đó nhiều đêm tôi nằm khóc vì không biết phải làm sao. Vì nếu bỏ chồng thì thương mấy đứa con nheo nhóc".
Trong căn nhà lợp ngói xi măng tạm bợ từ năm 1996 đến nay, ông Phao cười buồn tâm sự, đến nay nhiều chủ nợ đã chấp nhận chỉ lấy lại vốn mà không đòi thêm bất cứ khoản tiền lãi nào. Ông chủ đầm ở xã Vinh Quang nói: "Giờ gia đình chúng tôi chỉ nuôi khoảng 1000 con vịt để trang trải nợ nần chứ chẳng dám đầu tư mạnh vào khu đầm này vì huyện đã có quyết định thu hồi từ năm 2010. Sau vụ việc của gia đình nhà ông Vươn, nghe Thủ tướng nói thế tôi cũng mừng phần nào, nhưng đến nay vẫn chưa biết ra sao".
Sau bao năm đi vay tiền đắp bờ chống lại những đợt sóng dữ, đến nay ông Nguyễn Bá Độ ở xã Đông Hưng không còn có những khoản nợ lớn, nhưng cuộc sống không mấy dư giả. Hàng năm, tằn tiện và khéo léo chi tiêu gia đình cũng chỉ để dành được khoảng 100 triệu đồng. Ông Độ nói: "Nghề này cũng như canh bạc vậy. Thời tiết thuận lợi thì còn được. Nếu không thì vài năm tích cóp chỉ cần một vụ cơn bão là có thể trắng tay".
Thay mặt cho những hội viên trong Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng, ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch, cho biết những người làm đầm nơi đây ai cũng có những vất vả, thậm chí phải trả giá rất đắt. Nhưng đến nay tất cả vẫn mong tiếp tục được đổ những giọt mồ hôi trên bãi bồi lấn biển năm xưa.
Hà Anh

No comments:

Post a Comment