Thursday, March 29, 2012

GIÁ XĂNG BẮT ĐẦU NGẤM

Ngày 29.03.2012    
Lời dẫn: Chỉ sau mấy ngày nhà nước VN cho tăng giá xăng dầu thêm 10%, vật giá đã bắt đầu gia tăng theo và viễn ảnh lạm phát cao hơn năm trước là điều chắc chắn vì giá điện cũng rục rịch tăng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của tờ Sài Gòn Tiếp Thị, về vật giá ở hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội, qua sự trình bày của chị Dian
Việc giá xăng tăng thêm 10% vào chiều ngày 7/3 đã gây áp lực lớn khiến nhiều loại hàng hoá tăng theo. Những ngày qua, ảnh hưởng đầu tiên của giá xăng có thể nhìn thấy qua giá lương thực, thực phẩm và vận tải. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu...

Bị ảnh hưởng trực tiếp của đợt tăng giá xăng lần này là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Theo khảo sát của báo Sài Gòn Tiếp Thị vào chiều ngày 11/3 ở Hà Nội, tại các chợ bán sỉ như chợ Hà Đông, chợ Ngã Tư Sở, chợ Trương Định, chợ Mơ, chợ Phùng Khoang, siêu thị Big C, siêu thị Thành Đô... thì giá nhiều mặt hàng đã thay đổi do chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ tiệm thực phẩm tại chợ Hà Đông, cho biết: "Những thực phẩm ở quê chị mua để bán cho người dân thì giá tăng ít, nhưng thực phẩm ở trong Nam hay ở các nơi khác mang về thì tăng mạnh". Chị bảo, có lẽ là do giá xăng tăng.
Anh Đỗ Trọng Tấn, bán thịt tại chợ Trương Định, nói: "Sau khi giá xăng tăng, giá thịt cũng tăng theo. Thịt lợn tăng thêm từ 10 đến 15 ngàn đồng một ký, thịt bò tăng hơn 20 ngàn đồng một ký. Nếu cứ đi theo giá xăng thì loại thực phẩm này có thể tiếp tục tăng thêm vài ngàn đồng một ký trong thời gian tới".
Hà Nội hiện có làn sóng người dân kéo tới các siêu thị để mua thực phẩm đóng hộp như thịt hộp, cá hộp, mì gói... vì sợ giá cả các loại thực phẩm này cũng sẽ tăng theo chi phí vận chuyển. Vì thế nhiều siêu thị hay tiệm tạp hoá đang rơi vào tình trạng thiếu hàng hóa để bán. Giá cả ở nhiều siêu thị đang rục rịch gia tăng vì các đại lý tính toán giá cả theo giá xăng.
Tại Sài Gòn, giá một số thực phẩm bán ở các chợ cũng bắt đầu nhích lên, dù chỉ vài trăm hay vài ngàn đồng. Nhưng tại các chợ bán sỉ, nguồn hàng còn khá dồi dào nên giá cả chưa tăng.
Sáng ngày 11/3, tại chợ Rạch Ông ở quận 8, sườn heo non loại ngon đang bán với giá 125 ngàn đồng một ký, tức tăng 5 ngàn đồng so với năm ngày trước. Người bán giải thích là giá xăng tăng, cộng thêm trời nắng nóng nên chi phí vận chuyển và thịt hư hỏng nhiều hơn. Người bán rau quả ở chợ Thái Bình hay Hoàng Hoa Thám thì có cách tăng giá khéo léo hơn. Chẳng hạn như cà chua vẫn giữ mức 12 ngàn đồng một ký, nhưng loại trái to ngon thì bán giá 14.000 đồng, chỉ có loại xấu mới có giá 12 ngàn đồng một ký.
Giới tiểu thương ở các chợ lẻ cho biết là giá mua sỉ tại các chợ Bình Điền, Tam Bình, Hóc Môn vẫn chưa tăng, nhưng vì chi phí vận chuyển tăng khoảng 10 đến 30 ngàn đồng một chuyến, nên phải chọn cách luồn lách để kiếm chi phí bù vào tiền xăng.
Trong khi đó tại các siêu thị Sài Gòn, vẫn chưa có đại lý nào đề nghị tăng giá. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark, giá xăng tăng đang ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt các vấn đề khác trong kinh doanh, nên siêu thị khó mà lắc đầu trước các đề nghị tăng giá được.
Giá xăng, cộng với giá sữa, giá gas, giá điện đều tăng, sẽ khiến cho một người có thu nhập ổn định với mức lương 4 hay 5 triệu đồng một tháng rất vất vả trong việc chi tiêu các khoản ăn uống, đi lại, học hành, khám bệnh... phù hợp với ngân sách gia đình.
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co-op, cho biết, kinh nghiệm từ những đợt điều chỉnh xăng dầu lần trước thì những hệ lụy sẽ rõ rệt sau một tuần đến mười ngày, đặc biệt là ở lãnh vực thực phẩm tươi sống. Mức tăng còn tùy thuộc vào sức mua và sức chịu đựng của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Đăng Phú, phó giám đốc chợ Bình Điền, thì cho rằng, khoảng một tuần nữa, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng lên giá hàng hoá, thực phẩm sẽ thể hiện rõ hơn.
Nhiều ngành vận tải ở Sài Gòn đã thông báo tăng giá cước phí. Tăng nhanh và sớm nhất là giới xe ôm, xe lôi, xe tải nhỏ. Một tài xế xe ôm cho biết cước phí xe ôm nay tăng lên 6 đến 10 ngàn đồng cho mỗi cây số. Một chủ một xe lôi ở bến xe Miền Đông cho biết đã tăng 15 ngàn lên 20 ngàn đồng cho mỗi cây số. Hiệp hội Taxi Sài Gòn cũng đồng ý tăng giá, bắt đầu từ ngày 12/3. Trong khi đó, nhiều hãng xe đò liên tỉnh chất lượng cao đang cố gắng cầm cự vì sợ mất khách. Nhưng các hãng xe chuyên chở về miền Tây cho biết là do giá xăng dầu tăng và bộ giao thông không hạ giảm lệ phí trên cao tốc Sài Gòn – Trung Lương nên phải tăng giá ngay để bù lỗ!
SGTT

No comments:

Post a Comment