Tuesday, March 27, 2012

PHÁ RỪNG XUNG QUANH ĐỀN THỜ VUA HÙNG

Ngày 27.03.2012    
Lời dẫn: Tệ nạn phá rừng để lấy gỗ quý là một trong những quốc nạn diễn ra hằng ngày ở VN. Thế nhưng quốc nạn này chắc chắn là có sự bao che hay cấu kết với bọn lâm tặc của giới quan chức. Nếu không thì tại sao khu rừng quí hiếm ở núi Nghĩa Lĩnh, nơi có khu di tích đền Vua Hùng, cũng bị đốn hạ mà không ai hay biết? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây trên tờ báo Giáo dục VN, qua sự trình bày của chị Dian
Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ, từ mấy ngàn năm qua đã trở thành vùng đất thiêng liêng, gắn liền với truyền thuyết và lịch sử cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế mà Đền Hùng được xếp vào danh sác các di tích đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, với các nhà khoa học tôn phong Đền Hùng là "siêu di tích".

Chính vì tầm quan trọng đó mà mấy năm vừa qua nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác bảo vệ, trùng tu khu di tích này. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng che phủ núi Vua Hùng, hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh. Khu rừng quốc gia đền Hùng có diện tích là 538 mẫu, với các thực vật đa dạng và nhiều loại gỗ quý hiếm. Các loại gỗ quý tập trung ở khu vực 32 mẫu bao trùm núi Hùng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên, nâng cao giá trị cho khu di tích Đền Hùng.
Theo sự chỉ dẫn của một người dân bản địa, các phóng viên chẳng mấy chốc đã lên đến đền Thượng. Ngôi đền uy nghi này nằm trọn trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, và cạnh đền Thượng là mộ tổ vua Hùng linh thiêng, phía dưới là đền Trung, đền Giếng, đền Hạ. Các ngôi đền linh thiêng này được bao phủ bởi một thảm rừng rậm rạp và xanh mướt. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, ngay sau lưng đền Thượng, sát với mộ Vua Hùng là cả một cánh rừng rộng bị kẻ nào đó đốn hạ không thương tiếc.
Nhìn những vết tích để lại, chúng tôi có thể nhận ra là việc chặt phá cây cối tại đây đã xảy ra khoảng 1, 2 năm. Các lâm tặc đã triệt hạ cây cối, tạo thành một con đường rộng từ 2 đến 3 thước, từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh kéo dài xuống tới chân núi. Khoảng cách từ chân lên tới đỉnh núi là hơn 300 thước, nên nếu làm phép tính đơn giản thì đã có hàng ngàn thước vuông rừng bị "xẻ thịt".
Quyết tâm ghi lại hình ảnh của vụ chặt phá này, chúng tôi đã xắn quần, tháo giày dép rồi bám theo cây rừng tụt xuống chân núi theo con đường mà các lâm tặc đã mở. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm cây cối lớn nhỏ bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc, trông thật thê thảm. Thậm chí có những cây cối nằm "cản đường làm ăn" đã bị bứng luôn cả gốc để lại những hố sâu hoắm.
Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi là tại sao các lâm tặc sau khi phá rừng lại không xóa hết mọi dấu vết bằng cách trồng lại rừng? Lý do là bất cứ ai cũng biết rằng, việc phá rừng ở núi Nghĩa Lĩnh, nơi có di tích Đền Hùng linh thiêng là sẽ phạm vào một trọng tội mà "trời không dung, đất không tha".
Một số người dân bản địa cho biết, vì đây là rừng đặc dụng, chủ yếu gồm toàn gỗ quý có số tuổi hàng trăm năm nên những kẻ phá rừng có "bắc thang lên trời" cũng không tìm thấy những giống gỗ quý đó để trồng lại. Nhưng rừng Đền Hùng được bảo vệ rất nghiêm ngặt, vậy tại sao các lâm tặc có thể ngang nhiên tàn phá rừng trước mặt lực lượng bảo vệ của Ban Quản lý Khu di tích? Dư luận có quyền đặt câu hỏi là có hay không có việc cấu kết nhau để phá rừng lấy gỗ quý ở khu di tích Đền Hùng?
Việc bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng xung quanh Đền Hùng đã có từ lâu đời, chứ không phải mới đây. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Lê ở thành phố Việt Trì, người đã phải trả một cái giá rất đắt cho sự bồng bột vào thời trai trẻ. Năm 1982, khi mới 20 tuổi, trong lần dạo chơi trên rừng Đền Hùng anh Lê đã tiện tay chặt một cái cây bạch đàn tại đây. Khi vác xuống núi thì anh bị lực lượng bảo vệ khu di tích và kiểm lâm bắt giữ. Sau đó anh bị truy tố và xử tù hai năm về tội "phá rừng". Ở trong tù anh đã tự xăm lên tay mình chữ "hận". Anh tâm sự, bây giờ các con anh đã trưởng thành, nhưng anh vẫn buồn về câu chuyện trong quá khứ và cũng không muốn nhắc lại. Ngoài anh Lê, tại xã Hy Cương còn có anh Sơn, vì cần có gỗ để sửa ngôi nhà đã dột nát, anh lên rừng chặt một cây gỗ, khi xuống chân núi thì bị bắt giữ và cũng đi tù 3 tháng vì tội "xâm hại di tích lịch sử".
Ông Hùng, phó giám đốc ban quản lý khu di tích Đền Hùng cho biết khu rừng Quốc gia Đền Hùng là rừng đặc dụng, lại gắn liền với di tích Đền Hùng nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Quy định nêu rõ là nếu chặt một cành cây cũng phải báo cáo chủ tịch tỉnh, và nếu cây chết vì bị mưa bão cũng không được đốn bỏ mà phải để cho chết mục.
Nếu như thế thì đang xảy ra một chuyện không công bằng là, có người chặt cây bị xử tù 2 năm, còn những kẻ đốn hạ hàng trăm cây gỗ quý, phá nát cả một góc rừng thiêng thì không sao cả. Nếu không có chuyện cấu kết và bao che cho nhau thì phải giải thích như thế nào đây?
Báo Giáo dục VN

No comments:

Post a Comment