Thursday, March 22, 2012

CUỘC CHIẾN SINH TỬ GIỮA DÂN TỘC VÀ ĐẢNG CSVN

Ngày 22.03.2012    
Lời dẫn: Với những thực trạng đang ngày càng hiện rõ, dân tộc VN không còn một chọn lựa nào khác hơn là phải bước vào cuộc kháng chiến mới để cứu nguy tổ quốc trước họa diệt vong đến từ phương Bắc. Đây là cuộc chiến này có tầm sinh tử giữa dân tộc và đảng CSVN, để đưa đất nước ra khỏi vũng lầy suy thoái về kinh tế và mang lại nền dân chủ tự do đích thực cho mọi người. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của Đà Giang, có tựa đề "Cuộc chiến sinh tử giữa dân tộc và đảng CSVN", qua sự trình bày của chị Vân Khanh
Từ ngày đảng CSVN cướp chính quyền trên tòan thể đất nước vào năm 1975, chúng ta đau lòng khi nhìn thấy nhiều quốc gia nhược tiểu đã vượt qua mặt dân tộc Việt trên các phương diện kinh tế và dân chủ hóa đất nước.
Tại vùng Đông Á, ngòai Nhật Bản đã canh tân xứ sở từ thế kỷ 19, các quốc gia khác như Nam Hàn và Đài Loan, từ một nền văn hóa và một căn bản kinh tế tương tự, đã vượt qua tất cả những chướng ngại, nghiễm nhiên trở thành những con rồng của châu Á, chẳng những qua mặt nhiều quốc gia Tây phương mà còn bỏ xa Việt Nam.
Ngay tại Đông Nam Á, các quốc gia kém hơn hoặc tương đương về phương diện kinh tế trước năm 1975 như Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai đều qua mặt đất nước chúng ta về cả lãnh vực kinh tế lẫn dân chủ. Miến Điện cũng đang nhập cuộc và nếu CSVN còn ngoan cố nắm độc quyền, với tài nguyên dồi dào, Miến Điện sẽ qua mặt chúng ta trong tương lai rất gần.
Tại Trung Đông và Bắc Phi, mùa xuân Á Rập đã và đang đem lại nền dân chủ cho Ma Rốc, Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen. Ngay cả Syria cũng vừa trải qua một cuộc trưng cầu dân ý. Nếu tin vào loan báo của chế độ, thì hơn 90% dân chúng đã đồng ý hủy bỏ điều 8 hiến pháp, tức điều khoản chống lưng cho đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á rập của Tổng thống Bachar Al- Assad, tương tự như điều 4 hiến pháp của đảng CSVN.
Thậm chí những tiểu quốc tân lập thoát thai từ chế độ bộ lạc, như Đông Timor và Papua New Guinea tại Thái Bình Dương, hoặc những quốc gia nhược tiểu ở Phi châu như Liberia, South Africa, hoặc Botswana đều trở thành những quốc gia dân chủ thực sự, và đã vượt qua mặt nước ta về phương diện phát triển kinh tế.
Trước những thực tế phũ phàng như thế, bộ Chính trị đảng CSVN vẫn đui mù, cương quyết chỉ thị cho Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, dưới quyền chỉ huy của chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa (trên phương diện kinh tế) và điều 4 hiến pháp (trên phương diện chính trị).
Rõ ràng là giới lãnh đạo CSVN nhất quyết không trao trả tự do cho dân tộc Việt Nam. Trong tâm thức bảo thủ và vô cùng vị kỷ của các thành viên bộ chính trị hiện nay, họ vẫn hy vọng rằng con cháu của họ và đảng họ sẽ muôn năm trường trị trên đất nước Viêt Nam. Trong tiềm thức của các tay trùm CSVN, cho đến lúc chế độ độc tài cuối cùng gục ngã trước sức mạnh của quần chúng, đảng CSVN vẫn sẽ trường tồn.
Đối với họ, quyền lực và quyền lợi là tất cả. Họ sẵn sàng:
1. Hướng về Bắc phương Đại Hán xưng thần.
2. Bán các vùng đất và vùng biển của dân tộc cho Bắc phương.
3. Áp đặc mù quáng xã hội chủ nghĩa hầu bóp chẹt mọi phát triển kinh tế.
4. Duy trì điều 4 hiến pháp hầu độc tôn thống trị chính quyền và xã hội dân sự.
Chính vì thế, ngày hôm nay, cuộc chiến đấu sinh tử của dân tộc Việt:
a. Không còn là cuộc chiến đấu chống các thế lực cục bộ để xây dựng ý thức về quốc gia dân tộc như thời Đinh Bộ Lĩnh,
b. Không phải là cuộc chiến đấu mở mang bờ cõi về phương nam, thanh toán dân tộc Chiêm Thành và đẩy lui bờ cõi của dân tộc Khmer vào các thế kỷ 11 đến 18 tây lịch
c. Không phải là cuộc chiến đấu chống các thế lực thực dân xâm chiếm đất nước và chủ quyền dân tộc vào các thế kỷ 19 đến 20 Tây lịch.
Cuộc chiến ngày hôm nay là cuộc chiến sống còn giữa dân tộc Việt và kẻ tử thù nguy hiểm nhất lịch sử. Đó là "đảng CSVN cam tâm làm chư hầu cho Trung Quốc".
Tại sao CSVN là kẻ tử thù nguy hiểm nhất lịch sử dân tộc?
Lý do là khi duyệt xét phản ứng của CSVN, trước trận cuồng phong dân chủ lần lượt đang quật ngã những chế độ độc tài trên thế giới, chúng ta nhận thấy tình trạng tồi tệ của tập đòan thống trị này.
Thông thường một đảng phái chính trị có 2 khuynh hướng: cấp tiến và bảo thủ. Sự trao đổi quan điểm và đôi khi ma xát giữa hai khuynh hướng sẽ đưa đến những chính sách thể hiện chủ trương chung của tập thể.
Tuy nhiên đảng CSVN không rơi vào quy luật này. Trong nội bộ đảng không có hai khuynh hướng tiêu biểu trên. Phe cấp tiến hoặc quá yếu hoặc không hiện hữu. Hai phe chính trong đảng hiện thời là "nhóm bảo thủ" dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng, và "nhóm liệt kháng" dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tấn Dũng. "Bảo thủ" sẽ đưa đến tham quyền cố vị mù quáng và khi tòan dân đứng dậy lật đổ độc tài sẽ không khỏi đổ máu. "Liệt kháng" (qua chủ trương " dĩ bất biến ứng vạn biến" cười ra nước mắt của Nguyễn Tấn Dũng) sẽ đưa tòan dân tộc vào vòng bắc thuộc diệt vong, và nghèo khổ tận cùng.
Một tập thể vừa bảo thủ vừa liệt kháng, mà độc quyền lãnh đạo quốc gia trong một thế giới sinh động và cạnh tranh ráo riết, là tai họa lớn lao nhất của dân tộc.
Cuộc chiến sinh tử giữa dân tộc Việt và đảng CSVN là cuộc chiến mà dân tộc chúng ta phải nhất định thắng, và CSVN phải nhất định thua. Có như thế chúng ta mới mong chặn đứng dã tâm của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, và đưa dân tộc Việt lên chiều cao thực sự của mình trong cộng đồng các dân tộc tự do trên thế giới.
Đà Giang
2/3/2012

No comments:

Post a Comment