Monday, July 1, 2013

Nguyễn Phú Trọng học được điều gì ở Thái Lan

Thứ Hai, ngày 01.07.2013    
Theo lời mời của nữ thủ tướng Thái, bà Yingluck Shinawatra, Nguyễn Phú Trọng sang thăm Thái Lan từ ngày 25/6/2013, gọi là để thắt chặt mối quan hệ hai nước và nâng tầm ngoại giao lên tầng đối tác chiến lược. Nhân danh Tổng Bí Thư đảng CS, với một tư duy khép kín, sơ cứng và lạc hậu, liệu Nguyễn phú Trọng có học được gì từ người bạn hàng xóm hay không? Mời quí thính giả nghe quan điểm của LLDTCNTQ về cuộc viếng thăm này qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Việt Nam ta có câu ca dao "đi một ngày đàng, học một sàng khôn" để nói lên hai điều rất thực tế, giao tiếp với thế giới bên ngoài là một nhu cầu. Khi các phương tiện giao thông còn hạn chế, và các nguồn thông tin đại chúng chưa phổ cập, đời sống con người chỉ quanh quẩn với ruộng vườn trong làng xóm, bao quanh bởi lũy tre xanh, nên những chuyến đi xa khỏi quê quán là một cơ hội hiếm hoi. Thứ hai là từ cơ hội hiếm hoi ấy, giúp con người nhìn thấy những điều khác biệt của thế giới, từ đó có thể học hỏi mở mang kiến thức, bắt chước những điều hay lẽ phải của thiên hạ đem về áp dụng nơi quê hương mình. Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, câu nói trên cũng vẫn đúng, nó lại càng đúng và cần thiết cho nước Việt Nam hôm nay hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Phú Trọng được chính phủ Thái mời sang thăm viếng, với tư cách Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam; trên mặt tổ chức hành chánh công quyền ông Trọng không có tư cách đại diện cho chính phủ nước Việt Nam hiện nay, cũng không có tư cách đại diện cho nhân dân Việt Nam, vì ông Trọng cũng như đảng CS chưa bao giờ đại diện cho nhân dân VN, và cũng sẽ không bao giờ được nhân dân Việt Nam tín nhiệm trao quyền đại diện một cách danh chính ngôn thuận. Cái chính phủ do đảng CSVN nắm giữ hôm nay là họ đã dùng súng đạn bạo lực và gian trá để cướp đoạt mà thôi.
Nói một cách cụ thể, từ các đại biểu quốc hội, đến thành phần chính phủ và tòa án của Việt Nam đều là bù nhìn cả, vì phải nhận lệnh từ Bộ Chính Trị gồm 16 người mà Trọng đang là người lãnh đạo. Chính phủ Thái Lan cũng biết rõ điều ấy, nhưng vì mối bang giao giữa hai dân tộc đã có từ rất lâu, và để mối bang giao hữu hảo ấy có thể đem lại phúc lợi cho người dân hai nước, nên nói như Đặng Tiểu Bình rằng "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột", nên Trọng hay một đảng viên CS nào khác, không thành vấn đề, miễn sao hai bên cùng có lợi là tốt. Về phía Thái Lan thì nghĩ thế là đúng, nhưng về phía Việt Nam thì cần phải xét lại!
Trọng được chính phủ Thái đón tiếp rất lịch sự, lại được bộ Ngoại Giao Thái vận động với phân khoa chính trị học của trường đại học Thammasat tặng cho bằng tiến sĩ danh dự. Điều mà nhiều tổ chức, cũng như cá nhân người Việt trong nước cũng như hải ngoại đã lên tiếng phản đối, vì Trọng không xứng đáng để được nhận danh dự ấy, nó làm hoen ố uy tín của một đại học đã có danh tiếng từ lâu. Bởi Trọng tiêu biểu cho một tập đoàn độc tài, tàn ác, phi nhân tính, phản dân chủ, đã và đang gây tội ác cho nhân dân Việt Nam.
Trở lại với câu hỏi, Nguyễn Phú Trọng học được gì từ chuyến viếng thăm Thái Lan lần này? Chắc chắn người dân và những đảng viên đảng CS còn có chút liêm sỉ, muốn Trọng hãy mở thật to đôi mắt để nhìn cho rõ những gì trên xứ Thái hiện nay, mà nếu trở ngược dòng lịch sử 50 năm về trước, hay gần hơn là 40 năm thôi, từ kinh tế, xã hội, giáo dục, đến đời sống của người dân giữa Thái Lan và Việt Nam Cộng Hòa khác nhau ở chỗ nào? Và thực trạng sau gần 40 năm thống nhất đất nước, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì người dân VN hôm nay ra sao? Đã gần 4 thập niên trôi qua VN không thể viện dẫn lý do nào để bào chữa cho tình trạng suy thoái hiện nay được nữa.
Thái Lan với dân số 67 triệu có lợi tức toàn quốc năm 2012 là trên 700 tỷ Mỹ Kim, bình quân đầu người khoảng 11 ngàn mỹ kim một năm, trong khi VN có dân số trên 90 triệu, mà tổng số lợi tức chỉ được 320 tỷ, nên bình quân đầu người chỉ bằng một phần ba người Thái. Tại sao vậy? Trong khi VN vẫn vỗ ngực tự hào về đủ thứ, nào là đỉnh cao trí tuệ với hàng chục nghìn người có bằng tiến sĩ, nhưng xem ra toàn là tiến sĩ trường đảng, hoặc tiến sĩ tại chức, tức là tiến sĩ giấy, loại học thuê, học giả mà có bằng thật.
Nếu xét về địa dư chính trị, về địa dư kinh tế, về dân trí, và truyền thống văn hóa, cùng những điều kiện tự nhiên khác thì chẳng những Việt Nam không có gì thua kém Thái Lan, mà còn vượt trội hơn nhiều mặt. Vậy tại sao Việt Nam hôm nay lại tụt hậu, lại chậm tiến và thua sút Thái Lan xa như vậy.
Câu trả lời rất đơn giản, là vì VN vẫn duy trì một thể chế chính trị độc tài độc đảng, bám theo một chủ nghĩa lỗi thời lạc hậu là cộng sản, mà lịch sử đã chứng minh nó hoàn toàn thất bại. Thật ra Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng đảng của ông ta cũng biết như thế, nhưng vì kiêu ngạo, vì quá tham lam, nên phải dùng công an, quân đội, côn đồ, tòa án, nhà tù, để bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số đảng viên, mà phản lại nguyện vọng của đại đa số đồng bào.
Thái Lan vẫn theo chế độ quân chủ lập hiến, chấp nhận đa đảng, chấp nhận đối lập, cho dù chưa phải là một thể chế chính trị toàn hảo, nhưng nhân quyền và các quyền căn bản của con người được tôn trọng. Khiến đời sống của người dân thanh thản tự do hơn, không bị chính quyền khủng bố, rình mò, chụp mũ, đe dọa và kềm kẹp như tại Việt Nam.
Nguyễn Phú Trọng đến Thái Lan, chắc phải biết quốc gia này cũng là nơi đã tiếp đón hàng trăm ngàn người Việt phải trốn chạy CS sau cuộc xâm chiếm Miền Nam năm 1975. Những di tích còn đó đã nói lên bản chất tàn ác của CSVN thế nào rồi.
Tóm lại Nguyễn Phú Trọng có vểnh tai để nghe, mở mắt để nhìn thấy sự thua sút của VN so với Thái Lan hay không? Và có đủ trí tuệ và lương tri để nhìn nhận nguyên do tụt hậu, chậm tiến, khiến xã hội điên đảo tại VN hay không, hay vẫn vênh váo tự hào theo đuổi cái chủ nghĩa lạc hậu sơ cứng đang nhận chìm dân tộc và đất nước như hiện nay. Chúng ta hãy chờ xem Trọng học được gì.
Cám ơn quí thính giả đã nghe quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment