Sunday, July 14, 2013

GIANG VĂN MINH, MỘT SỨ THẦN KIÊU DŨNG

Thứ Bảy, ngày 13.07.2013    
Kính thưa quý thính giả,
Hình ảnh chủ tịch nước Trương Tấn Sang khom lưng cúi đầu quá đáng khi cùng với Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự của Trung Cộng. Sang đã làm nhục quốc thể, không xứng đáng là con cháu của Giang Văn Minh kiêu hùng,
Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "GIANG VĂN MINH, MỘT SỨ THẦN KIÊU DŨNG" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để tưởng nhớ đến tinh thần bất khuất của ngài trong chuyến đi sứ sang Tàu năm 1638.
Là một nước nhỏ luôn bị đế quốc Trung Hoa dòm ngó, việc giao hảo là một chính sách ngoại giao hàng đầu của các vua quan Đại Việt. Hằng năm, triều đình Đại Việt đều cử sứ đoàn sang Tàu để triều cống. Nhưng quan trọng là các sứ thần phải gìn giữ thể diện và sĩ khí quốc gia. Đây là trọng trách nặng nề, vì thế những người được chọn, không chỉ giỏi về văn chương chữ nghĩa, có tài hùng biện mà còn có tinh thần bất khuất.

Lịch sử Việt Nam đã ghi lại nhiều sứ thần trung dũng, trong số đó có Thám hoa Giang Văn Minh, người đã bị vua nhà Minh xử tử chỉ vì đề cao truyền thống quật cường của dân tộc Việt.
Giang Văn Minh tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê. Ông được phong là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" vì đã kiên cường bất khuất, đối đáp trước mặt vua Minh và bị hành hình vào năm 1638.
Giang Văn Minh sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ đầu kỳ thi Hội, khi thi Đình, đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn, đời vua Lê Thần Tông. Sau đó, ông được bổ nhiệm vào các chức vụ: Binh khoa Đô cấp (1630), Thái bộc Tự khanh (1631).
Năm 1637, Giang Văn Minh và Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh.
Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt với mục đích kéo dài cuộc chiến tranh Lê - Mạc. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh vào năm 1638 nhưng khi vào triều kiến, vua nhà Minh lấy lý do "Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ". Ý của vua Tàu là không muốn công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ việc ngoại giao với nhà Mạc.
Trong lúc triều kiến, vua Minh đã ngạo mạn ra một câu đối cho sứ bộ Đại Việt bằng câu
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục".
Câu này có ý nghĩa là "Cột đồng nay rêu đã xanh". Nó hàm ý nhắc lại chuyện viên tướng Mã Viện từng dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó đã đặt trồng một trụ đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, sứ thần Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Nghĩa là "sông Bạch Đằng từ ngàn xưa đến nay máu vẫn còn đỏ".
Câu đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Lần đầu tiên là đức Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán. Lần thứ hai là quân dân nhà Tiền Lê đánh tan quân Tống, và lần thứ ba là đức Hưng Đạo Vương phục kích tiêu diệt quân Mông Cổ.
Câu đối này như một cái tát giáng thẳng vào mặt vua Minh, trước văn võ bá quan của triều đình và sứ thần các nước. Vua nhà Minh nổi điên, quên cả thể diện, bất chấp luật lệ bang giao là cấm giết sứ thần, đã ra lệnh hành hình Giang Văn Minh bằng cách đổ nước đường nóng vào mắt và miệng ông, rồi mổ bụng để xem gan mật của sứ thần Đại Việt to đến độ nào.
Sau khi hành hình, vua Minh bình tĩnh lại và nể phục tinh thần uy dũng của Giang Văn Minh, nên cho người ướp xác ông đưa về nước.
Khi linh cữu về đến kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng cùng đến lễ bái và truy phong chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng"
Nghĩa là sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.
Mộ và nhà thờ ông hiện ở đồng Dưa, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Tại Hà Nội hiện nay có con đường mang tên Giang Văn Minh tại quận Ba Đình.
Đọc lại trang sử xưa của mấy trăm năm trước, nhìn lại nước Việt dưới thời cộng sản hiện nay, những ai còn nặng nợ với núi sông chắc chắn phải ngậm ngùi khi nhìn thấy tấm hình chủ tịch nước Trương Tấn Sang khom lưng cúi đầu một cách quá đáng khi cùng với Tập Cận Bình duyệt hàng quân của Trung Cộng, trong chuyến đi sứ tháng vừa qua.
Không hiểu từ khi nào, mà người Việt có cách khom lưng cúi đầu cung kính như thế trước quan khách ngoại quốc? Không thể biện minh như dân Nhật Bản, dân Thái Lan có truyền thống tự ngàn xưa, nên hành động của ông Sang không có gì đáng gọi là làm nhục quốc thể. Không lẽ ông Sang không xem truyền hình mỗi ngày để thấy rằng các nguyên thủ quốc gia Tây phương, hay các quốc gia chậm tiến ở Phi châu, nếu không có truyền thống chắp tay vái lạy hay cúi đầu chào thì họ chỉ đứng nghiêm và gật đầu hướng về đội quân danh dự để tỏ vẻ cám ơn là quá đủ.
Chỉ qua bức hình nói trên, đủ thấy tập đoàn cộng sản VN từ trong tiềm thức đã chấp nhận thân phận nô lệ giặc Tàu nên đã thể hiện rõ rệt qua hành động. Họ không những không xứng đáng là con cháu của Giang Văn Minh kiêu hùng, mà còn khiến cho dân tộc Việt khó có cơ hội ngẩng đầu.
Một tập đoàn lãnh đạo, mà từ trên xuống dưới, đều khom lưng cúi đầu trước Trung Cộng mà không cảm thấy xấu hổ với các bậc tiền nhân, thì hiểm họa mất nước vào tay lũ giặc Tàu là chuyện không thể tránh khỏi được.
Không lẽ lời nguyền của Mã Viện sắp được chứng thực? Liệu vong hồn của Thám hoa Giang Văn Minh có thể an nghỉ khi thấy con cháu của mình đang cung kính lắng nghe những lời dạy dỗ về 16 chữ vàng từ các "thiên tử" Tàu Cộng?
Câu trả lời xin dành cho những ai còn thao thức trước tiền đồ của đất nước và hạnh phúc của toàn dân!./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment