Wednesday, May 1, 2013

Tin tức ngày thứ Tư, 01.05.2013

Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế: Đề Nghị CPC Cho Việt Nam

Hôm nay 30 tháng 4, 2013 Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công bố bản phúc trình hàng năm và đề nghị Hành Pháp chỉ định thêm 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào thành phần Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concerns, hay CPC).

Bản phúc trình nêu ra nhiều trường hợp nổi bật về đàn áp tôn giáo, gồm một số cá nhân bị đánh đập hay tù đày. Trong đó có trường hợp xử tù các thanh niên Công Giáo, việc đàn áp và bỏ tù các tín hữu Tin Lành người Hmong và Thiểu Số Tây Nguyên, việc kiểm soát hoạt động của Phật Giáo Hoà Hảo và Cao Đài, việc tịch thu đất đai tài sản của nhiều tổ chức tôn giáo, và việc bắt bỏ đạo. Vấn đề đàn áp Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng cũng được nêu ra.
Bản phúc trình đặc biệt quan tâm đến Nghị Định 92 về Tôn Giáo và cho đó là một bước đi lùi sẽ tạo nhiều khó khăn cho các nhóm tôn giáo đang hoạt động không chính thức.
Cũng cần nhắc lại, Ngày 10 tháng 4 vừa qua, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, BPSOS đã tổ chức một phái đoàn gồm các lãnh đạo tôn giáo và các nhà tranh đấu cho nhân quyền tiếp xúc với Tiến sĩ Katrina Lantos Swett, Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Phái đoàn cung cấp nhiều thông tin về sự đàn áp tôn giáo, vừa thô bạo vừa tinh vi, ngày càng gia tăng ở trong nước.
Để tìm hiểu thêm về sự việc này, mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng từ Washington.

Người Lao Động VN Chịu Nhiều Sức Ép

Việt Nam có nguồn lao động trẻ nhưng nạn thiếu việc cũng đang tăng khiến cho sức ép lên đời sống người dân càng nặng nề. Công nhân Việt Nam đang đương đầu với các thách thức từ cố gắng duy trì thu nhập tối thiểu tới tìm kiếm được việc làm trên thị trường nhiều cạnh tranh.
Nền kinh tế VN hiện nay đang suy giảm trầm trọng do đó vấn đề việc làm, vấn đề thu nhập cũng như các căng thẳng khác đang là những nỗi lo thường trực đối với người lao động khi mà không phải cứ có việc là có được thu nhập kha khá, mà phải làm thêm nhiều công việc, trong nhiều thời gian khác nhau mới mong bù đắp qua lại được. Thêm nữa các nguy cơ về căng thẳng tâm lý, với những lo toan trong thời buổi 'thóc cao gạo kém', lạm phát, giá cả thất thường, có thể ảnh hưởng vào công việc tới gia đình và ngược lại.
Ngoài ra sự phân biệt giới tính Nam-Nữ cũng làm cho sức ép này trầm trọng thêm. 'Tổ chức Lao động Quốc tế' (ILO) hồi tháng 3/2013 cho hay lao động nữ có thu nhập ít hơn đồng nghiệp nam giới mặc dù trên cùng một vị trí và nội dung công việc, lương của nữ công nhân chỉ bằng 70-80% các đồng nghiệp nam.

Nước Mắm Phú Quốc Của VN Bị Làm Giả

Đối với người Việt khắp nơi trên thế giới thì "Nước mắm Phú Quốc" là nổi tiếng nhưng hãng này hiện đang trong tình trạng chật vật để sinh tồn vì để mất thương hiệu.
Các nhà sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đều có tàu đánh cá riêng, cho thợ ướp muối cá cơm sọc tiêu, cá cơm đỏ và cá cơm than đánh được ngay trên mặt biển. Sau một quy trình ủ trong thùng gỗ, kéo dài 12 tháng, người ta có một loại nước mắm màu cánh gián tự nhiên, thơm lừng. Ước tính mỗi năm có khoảng 30 triệu lít nước mắm có màu cánh gián tự nhiên được xuất cảng khắp năm châu. Thế nhưng, nước mắm mang tên Phú Quốc lại có mặt khắp thị trường thế giới lên đến 200 triệu lít mỗi năm. Tình trạng giả mạo này khiến ngư dân và nhà sản xuất nước mắm hiệu Phú Quốc đau xót, nhưng không làm gì được từ hàng chục năm nay.
Bằng chứng là tại thị trường Hoa Kỳ, "Nước mắm Phú Quốc" được bày bán khắp các chợ Việt Nam, thản nhiên ghi hàng chữ "Product of Thailand" thách thức những người sản xuất "Nước mắm Phú Quốc" chính hiệu.
Tại Việt Nam, thương hiệu "Nước mắm Phú Quốc" đã được Cục Sở Hữu Công Nghiệp công nhận tên gọi và xuất xứ. Ðến Tháng Mười năm rồi, "Nước mắm Phú Quốc" được Liên Âu cấp quy chế bảo vệ thương hiệu.
Trước đó, từ giữa năm 2005, Bộ Thủy Sản cộng sản Việt Nam ban hành qui định nói rằng thương hiệu NMPQ chỉ được công nhận khi nhà sản xuất sử dụng 95% nguyên liệu cá cơm, cũng như phải chế biến, đóng gói tại vùng đất thuộc đảo Phú Quốc.

Cựu Thứ Trưởng Bộ Y Tế Trung Cộng Có Thể Bị Tước Bằng Bác Sĩ Danh Dự

Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung cộng và là bác sĩ ghép nội tạng hàng đầu ở bên Tàu là Hoàng Khiết Phu đang phải đối mặt với việc bị tước bằng giáo sư danh dự của Đại học Sydney. Ông ta là người đứng sau các chương trình ghép nội tạng đầy tai tiếng của Trung cộng trong suốt 12 năm, vừa rời chức tháng 03/2013.
Đại học Sydney đang phải chịu chỉ trích từ các nhóm học giả, bác sĩ và luật sư cũng như các nhóm Nhân quyền vì trao bằng danh dự cho ông này và yêu cầu trường tước bằng danh dự.
Chương trình cấy ghép nội tạng này lâu nay vẫn bị phản đối mạnh mẽ trên toàn cầu, do phần lớn các bộ phận như thận, phổi, gan lấy từ các tử tù. Hồi tháng 03/2012, chính phủ Tầu từng đưa ra cam kết chấm dứt sử dụng nội tạng tử tù trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, chợ đen buôn bán nội tạng vẫn phát triển mạnh.
Giáo sư Y khoa trường Đại học Sydney, bà Maria Fiatarone Singh nói: "Quan chức Trung cộng sử dụng biện pháp tử hình bằng tiêm thuốc độc là để bảo đảm cho nội tạng của tử tù được nguyên vẹn. Người đó bị làm cho mê đi, họ không chết ngay, nhờ thế người giải phẫu có đủ thời gian để lấy đi bao nhiêu nội tạng tùy thích và lại tiến hành tiêm thuốc độc để kết thúc. Điều này rất khác với việc làm cho ai đó chết nhanh nhất và nhân tính nhất một cách có thể. Cách làm này thật đáng ghê tởm vì cùng là một đội bác sĩ thực hiện xử tử và làm công việc giải phẫu".
Các nhóm nhân quyền cho rằng, cơ thể một tử tù có thể lên tới mức giá 500.000 đô la Mỹ, cho các bộ phận như mắt, gan, thận...

No comments:

Post a Comment