Monday, May 20, 2013

Nói với người cộng sản 19.05.2013

Chủ Nhật, ngày 19.05.2013    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua giọng đọc của Dian ".
Kính thưa quí thính giả, thưa quí vị đảng viên lâu năm, thưa các bạn công an, bộ đội,
Cách đây vài năm nhạc sỹ trẻ Lê Minh Sơn đã sáng tác một bài hát rất hay về nông thôn Việt Nam. Bài hát đó có những ca từ rất đẹp và mộc mạc:

"Ngày xưa lũ chim về đây
Những bông cỏ may lay động bờ đê
Ngày xưa tiếng ru mẹ ru
Tiếng ru mỏng manh rung động nhà tranh."
Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Còn nông thôn ngày nay, nhạc sỹ Lê Minh Sơn tả:
"Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi
Chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa
Bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào
Ngực cau nhu nhú đã vội đi xa
...
Rặng tre hót giữa trưa hè, tiếng con sáo sậu gốc rễ về đâu.
Đàn trâu lững thững qua cầu đất bán hết rồi đàn trâu về đâu..."
Chỉ bằng vài ca từ, nhạc sỹ Lê Minh Sơn đã khái quát được cả thực trạng nông thôn hiện tại của Việt Nam: Mất đất nông nghiệp, môi trường văn hóa suy thoái, người nông dân phải ly tán, phải tha phương mưu sinh bằng cả cách nhục nhã nhất: bán thân nơi xứ người hòng nuôi miệng, nuôi gia đình.
Thực trạng đó còn đau lòng hơn nữa nếu chúng ta nhớ lại nông thôn và nông dân Việt Nam chính là khu vực và là những người đã phải đổ nhiều của cải và máu xương nhất cho những cuộc chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ xướng.
Trong khi đó tất cả giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, con cái và gia đình họ, từ thế hệ trước đây cho tới tận ngày nay luôn có một cuộc sống khác hẳn. Con cái của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt hay của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh đều đang là những triệu phú đô-la, đang sinh sống tại những ngôi nhà đồ sộ, sang trọng bậc nhất Việt Nam, đang sở hữu những khối tài sản kếch xù tại ngoại quốc.
Tại sao đã gần 40 năm hết chiến tranh rồi mà tình trạng của nông thôn Việt Nam lại trở nên não nề như thế? Tại sao Việt Nam đã có những căn nhà trị giá bạc triệu Mỹ Kim mà đời sống của bà con nông dân lại lầm than, chua xót như thế?
Để lý giải câu hỏi này, chúng ta cần đi ngược trở lại lịch sử từ thời kỳ Việt Minh những năm 1940 do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Để chuẩn bị cướp chính quyền trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ 2 sắp kết thúc, Hồ Chí Minh đã chủ xướng thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội – gọi tắt là Việt-Minh – với mục đích tập hợp và huy động sự ủng hộ từ dân chúng. Dưới khẩu hiệu "đánh Pháp đuổi Nhật" và khẩu hiệu "người cày có ruộng", Việt Minh đã rất thành công trong việc thu phục quần chúng đặc biệt là nông dân – thành phần chiếm gần 100% dân số lúc đó. Thời gian đầu khi mới giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã giữ đúng lời hứa cho thực hiện chính sách "người cày có ruộng". Nhưng chính sách đó không được thực hiện bằng những biện pháp khoa học và nhân văn mà bằng những biện pháp rất phi nhân tâm và phi pháp như chúng ta đã biết về "cải cách ruộng đất".
Tuy nhiên, sau năm 1954, khi chính quyền đã được cũng cố một cách chắc chắn, Hồ Chí Minh đã cho tiến hành quốc hữu hóa đất đai và thực hiện chính sách hợp tác hóa nông nghiệp theo sự chỉ đạo của các đồng minh cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc. Như vậy, sau khi chia lại ruộng đất cho nông dân từ việc trấn áp, cướp bóc của những chủ đất, Đảng Cộng sản Việt Nam lại thu toàn bộ đất đai đã chia đó vào tay của họ. Kể từ sau 1954 trên miền Bắc và sau 1975 trên toàn Việt Nam, không ai có quyền sở hữu về đất nữa. Những mảnh ruộng do mua bán, do cha ông để lại hay do được nhà nước cấp đã hoàn toàn trở thành tài sản của chính quyền cộng sản dưới những mỹ từ như "sở hữu toàn dân" hay "sở hữu nhà nước".
Sau năm 1986, vì tình trạng đói kém, thiếu gạo trở nên trầm trọng do người nông dân không chấp nhận tình trạng "xã viên làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm xây nhà mua xe", Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải thực hiện chính sách giao đất trở lại cho người nông dân, bãi bỏ chương trình hợp tác hóa nhưng họ vẫn duy trì chế độ đất đai là thuộc "sở hữu toàn dân". Nghĩa là người nông dân vẫn không có quyền định đoạt ruộng đất của mình. Quyền định đoạt ruộng đất trên thực tế, ở nông thôn, cũng như thành thị, đều phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của những kẻ cầm quyền, giới quan chức tại các xã, huyện, tỉnh lỵ thành phố hay trung ương.
Từ năm 1990 trở lại đây, với chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá và dựa chủ yếu vào xuất khẩu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện những chính sách kinh tế nhằm thu lợi nhanh nhất bất chấp những yêu cầu phát triển bền vững và lâu dài cho quốc gia. Thí dụ: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ tập trung vào việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất để xây dựng nhà máy, sản xuất công nghiệp nhưng không tính đến việc duy trì đất nông nghiệp cho nông dân; họ ưu tiên phát triển ồ ạt ngành sản xuất gia công, làm thuê cho nước ngoài mà không chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội; họ coi trọng lợi nhuận vật chất cho giới chủ nước ngoài và giới kinh doanh hơn là việc bảo vệ môi trường và nâng cao điều kiện lao động và đời sống cho công nhân, nông dân.
Chính vì lẽ đó mà nông thôn Việt Nam vẫn còn nhưng đất để trồng lúa ngày càng bị thu hẹp. Tỷ lệ người đăng ký sống ở nông thôn vẫn duy trì ở mức cao khoảng trên 70% nhưng người ở nông thôn phải bỏ nhà ra đi để tìm kế mưu sinh là rất lớn. Do môi trường văn hóa và đạo đức bị buông thả, xuống cấp nên tệ nạn mại dâm ở nông thôn và kết hôn với người nước ngoài để thoát khỏi nghèo đói ngày càng tăng cao. Trong khi đó đất đai của người dân nói chung và nông dân nói riêng vẫn luôn bị đặt trong tình trạng bị giải tỏa bất cứ lúc nào khi kẻ cầm quyền muốn vì đất đai "thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý" và Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước.
Thưa quí vị và các bạn công an, bộ đội, hôm nay là ngày được nhà nước Việt Nam coi là ngày sinh của Hồ Chí Minh và chúng ta cũng vừa đề cập đến Hồ Chí Minh – người đã để lại những di hại rất lớn mà người nông dân và toàn bộ nông thôn Việt Nam đang phải gánh chịu.
Dian Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
(19/05/2013)

No comments:

Post a Comment