Saturday, May 4, 2013

Ngày Quốc Hận 30-4-75 và vài bài học quý báu trên thế giới

Thứ Sáu, ngày 03.05.2013    
Một thể chế chính trị cao đẹp sẽ có những lãnh đạo tư cách thanh cao và viễn kiến. Một thể chế chính trị thấp hèn, sẽ sản xuất những lãnh đạo tư cách kém cỏi tương tự. Trong chiều hướng đó, rõ ràng tư cách của các lãnh tụ CSVN như Lê Duẫn, Trường Chinh, v.v... đều thua xa tư cách của các lãnh tụ dân chủ chân chính như Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, Nelson Mandela của Nam Phi, Helmut Hohl của Đức, v.v... Tư cách kém cỏi của các lãnh tụ CSVN chính là tai họa lớn lao cho dân tộc.
Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang: "Ngày Quốc Hận 30-4-75 và vài bài học quý báu trên thế giới" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nhân Ngày Quốc Hận, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại bức tranh đen tối của nước nhà sau biến cố 30-4-75 rồi sau đó so sánh với trường hợp của ba nước khác cũng đã có nội chiến như Việt Nam để chúng ta rút tỉa kinh nghiệm.

Sau khi xâm lăng và chiếm trọn miền Nam ngày 30-4-75, CSVN đã tỏ ra rấ tự đắc và đối xử với người dân miền Nam như kẻ thù truyền kiếp. Họ đàn áp, khủng bố, cướp đoạt các cơ sở tôn giáo cũng như nhà cửa, tài sản của dân chúng, tập trung cải tạo và bỏ tù hàng trăm ngàn người có liên quan đến chế độ. Miền Nam lúc bấy giờ đã trở thành địa ngục trần gian nên dân chúng đã có câu ta thán: "nếu có chân thì các trụ đèn cũng muốn vượt biên"! Hậu quả tai hại của chính sách trả thù vô nhân đạo đó của CS đã khiến cho dân chúng miền Nam sau mấy chục năm vẫn còn căm hờn chế độ, vì vậy, đất nước tuy đã thống nhất nhưng trên thực tế lòng người vẫn phân ly và oán hờn CS.
Trên thế giới cũng có nhiều nước từng trải qua những cuộc nội chiến, nhưng không nơi nào có chính sách phi nhân, ác độc như CSVN. Trái lại, đã có nhiều cuộc nội chiến được kết thúc trong tình đồng bào, tương thân hết
Trước hết là cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, kết thúc năm 1865. Khi đoàn quân miền Nam bại trận đến đầu hàng, họ đã được tiếp đón lịch sự, không phân biệt kẻ thắng người thua. Không những thế, họ đã được chia sẻ lương thực, giúp đỡ phương tiện để trở về quê quán. Chính phủ liên bang còn giúp đỡ tiền bạc và công ăn việc làm cho binh sĩ bại trận, giúp họ có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn do hậu quả của chiến tranh. Nhờ đó, sau cuộc nội chiến khốc liệt với hơn nửa triệu binh sĩ và dân chúng bị thương vong, Hoa Kỳ đã mau chóng hàn gắn vết thương và phát triển kinh tế để trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Bài học thứ hai là cuộc chiến chống nạn kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela. Ông đã từng bị nhà cầm quyền da trắng cầm tù ngót 29 năm, đến khi chế độ kỳ thị Nam Phi sụp đổ, Mandela được trả tự do và đến năm 1994,ông đã đắc cử và trở thành Tổng Thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Ông là một chính trị gia lỗi lạc biết nhìn xa thấy rộng và có lòng bao dung cao cả. Vốn là người da đen nên ông rất thông cảm sự khổ đau và căm thù của đồng bào ông đối với thiểu số da trắng từng cai trị Nam Phi theo chính sách kỳ thị chủng tộc. Nhưng ông đã ý thức rằng, sau khi dẹp bỏ chế độ kỳ thị chủng tộc, nếu nhà cầm quyền trong tay người da đen lại trả thù người da trắng, lấy oán trả oán thì đất nước Nam Phi sẽ tiếp tục rối loạn và suy yếu vì nạn chia rẽ và kỳ thị chủng tộc. Do đó, việc làm đầu tiên rất ý nghĩa và khôn ngoan của Mandela là mời ông De Klerk, vị Tổng Thống da trắng vừa mãn nhiệm ra làm Phó cho ông. De Klerk đã sát cánh cùng Mandela thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù để cùng nhau xây dựng đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mandela, Nam Phi đã vững tiến trên con đường dân chủ pháp trị. Ông đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1993 và được xem là biểu tượng của hòa bình thế giới.
Bài học thứ ba là sự thống nhất của Tây Đức và Đông Đức năm 1990. Sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh năm 1945, nước Đức bị chia đôi, Đông Đức trở thành nước Dân Chủ Cộng Hòa Đức (German Democratic Republic), theo chủ nghĩa cộng sản và Tây Đức trở thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức (Federal Republic Germany), theo thể chế tự do dân chủ. Sau 45 năm chia cắt, do chủ trương và đường lối khác biệt giữa hai thể chế chính trị tự do dân chủ và độc tài chuyên chế đã khiến cho Tây Đức càng ngày càng giàu mạnh trong khi Đông Đức ngày càng suy yếu, thua xa Tây Đức.
Với các kinh nghiệm từ ba quốc gia Hoa Kỳ, Nam Phi và Đức quốc, chúng ta có thể rút ra được một số bài học quan trọng cho tương lai Việt Nam.
Muốn cứu nguy tổ quốc, trước hết phải loại trừ chế độ độc tài phản dân hại nước để xây dựng đoàn kết và nội lực dân tộc ngõ hầu có thể đối đầu với giặc ngoại xâm.
Dựa vào các bài học lịch sử về sự sụp đổ của các chế độ CS tại Liên Xô và các nước Đông Âu, chúng ta thấy rằng nguyên nhân chính đã đưa đến sự sụp đổ các chế độ đó là sự bất mãn tột cùng của dân chúng vì nhân quyền bị chà đạp và đời sống khốn khổ do thất nghiệp và đồng bạc mất giá. Các chế độ đó đã không bị sụp đổ vì bị tấn công bằng vũ lực do các lực lượng từ bên ngoài, mà chỉ do tình trạng tức nước vỡ bờ, đại bộ phận dân chúng đã quá bất mãn với chế độ CS độc tài, phi nhân, họ đã vùng lên đòi quyền sống, tự do và dân chủ. Và các cuộc nổi dậy đó đã được sự tiếp tay bí mật hoặc công khai của một số giới chức cao cấp trong guồng máy chính quyền và các cựu đảng viên Cộng Sản thức thời. Họ đã nhanh chóng đứng về với quần chúng để đạp đổ độc tài chuyên chế nhằm cứu nguy dân tộc.
Tình hình Việt Nam hiện nay cũng đang tiến dần đến giai đoạn chín muồi cho cơn bão tố chính trị. Trên tờ nhật báo New York Times số ra ngày 24-4-2013, ký giả Thomas Fuller cho rằng CSVN đang đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của người dân về sự trược dốc của nền kinh tế. Và cũng trong cùng bài báo, một thương gia ngoại quốc đã từng sống lâu năm tại Việt Nam, ông Peter R. Ryder, Giám Đốc quỹ đầu tư Indochina Capital cũng đã nhận xét: "Trong vòng 21 năm sống ở đất nước nầy, tôi chưa bao giờ thấy sự bất mãn của trí thức và doanh nhân đối với chế độ lại lên cao đến mức như hiện nay". Đó là dấu hiệu báo trước nguy cơ sụp đổ của chế độ CSVN trong một tương lai không xa.
Nhân Ngày Quốc Hận năm nay, mỗi người chúng ta hãy tự hứa với lòng mình sẽ gia tăng nỗ lực vận động Nhân Quyền và Dân Chủ cho Việt Nam và cầu xin hồn thiêng sông núi phù hộ cho con dân Việt Nam trong và ngoài nước đoàn kết một lòng quyết tâm dẹp trừ chế độ Cộng Sản độc tài phản dân hại nước để mang lại Tự Do, Dân Chủ và phú cường cho Dân Tộc đồng thời cứu nguy tổ quốc thoát khỏi đại họa xâm lăng từ phương Bắc.
Nguyễn Thanh Trang
San Diego, 30-4-2013

No comments:

Post a Comment