Thursday, May 23, 2013

MẠNG SỐNG NGƯ DÂN TRONG ÂM MƯU BÁN NƯỚC CỦA VIỆT CỘNG

Thứ Năm ngày 23.05.2013    
Những hành động của Trung cộng gần đây cho thấy sự nôn nóng muốn chiếm toàn bộ Trường Sa, theo những thỏa thuận đã được bí mật ký kết với Việt cộng đang dần hiện rõ. Máu ngư dân Việt có lẽ sẽ lại đổ trên biển đông. Vậy chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề để có thể tự bảo vệ mình. Trong tiết mục Người Dân Tự Quyết, mời quý thính giả nghe bài MẠNG SỐNG NGƯ DÂN TRONG ÂM MƯU BÁN NƯỚC CỦA VIỆT CỘNG của Lý Trần Công qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng, khi mà Trung cộng gia tăng hành động ngang ngược, xua tàu đánh cá tràn vào vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh bắt cá trái phép. Trước đó Trung cộng đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng Năm đến tháng Tám năm 2013. Lệnh cấm này được ban ra từ thiên triều ở tận Bắc Kinh, nhưng lại nhắm trực tiếp vào ngư dân ở Việt Nam.

Tập đoàn bành trướng Bắc Kinh sẽ không thể thỏa mãn, nếu chưa thâu tóm trọn vẹn 21 đảo còn sót lại thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang trấn giữ. Với thực lực quân sự như hiện nay của Trung cộng, thì việc cưỡng chiếm toàn bộ Trường Sa chỉ là việc nên cá cược xem nó sẽ diễn ra vào năm nay hay năm tới mà thôi. Trung cộng tự cho phép mình đặt ra luật chặn bắt khám xét tàu thuyền trên biển đông, thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2013. Mục đích của luật này đương nhiên nhắm vào tàu thuyền của Việt Nam. Nếu Trung cộng thi hành luật này một cách cứng rắn thì việc tiếp tế lương thực hay vũ khí cho Trường Sa của Việt cộng sẽ phải chấm dứt, và số phận 21 đảo chìm, nổi ở Trường Sa coi như đã được an bài. Gỉải quyết tranh chấp biển đảo với Trung cộng, Việt cộng thường dựa vào phương châm là không nổ súng trước và không tạo cớ cho Trung cộng nổ súng. Như vậy nếu tàu chiến Trung cộng chặn xét, ngăn cản tàu hải quân Việt cộng trên biển đông thì việc duy nhất có thể làm là tàu Việt cộng nên bỏ chạy. Nếu tàu hải quân của Việt cộng mà còn phải bỏ chạy trước tàu Trung cộng, thì hà cớ gì chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại xúi ngư dân tay không tấc sắt, cứ tiếp tục ra khơi bám biển đánh cá để xác lập chủ quyền biển đảo, khi mà đảng Việt cộng đã bán Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung cộng để đổi lấy súng đạn từ lâu. Thật chưa có thời nào mà những kẻ lãnh đạo đất nước lại tán tận lương tâm như thời Việt cộng nắm quyền.
Ngư dân Việt hẳn vẫn chưa quên vụ sát hại ngư dân Hậu Lộc- Thanh Hóa, do Trung cộng gây ra tại vùng biển Vịnh Bắc bộ năm 2005, với 9 người chết, 7 người bị thương và 8 người bị bắt giữ, và đưa về đảo Hải Nam của Trung cộng để đòi tiền chuộc. Từ đó đến nay, ngư dân chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm từ tài sản đến sinh mạng, do những hành động tàn bạo theo lối hải tặc của Trung cộng. Tàu chiến, tàu hải giám và tàu cá Trung cộng xuất hiện dầy đặc trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt không cho đánh bắt hải sản, tịch thu ngư cụ, bắt người giữ tàu đòi tiền chuộc, đánh đắm tàu, và cả bắn thẳng vào tàu của ngư dân để uy hiếp tính mạng nếu cần. Những hành động trấn cướp của hải quân Trung cộng đối với ngư dân Việt là hoàn toàn rõ ràng và không khoan nhượng. Thế nhưng hải quân của Việt cộng hầu như chẳng có ứng cứu hay hành động gì để can thiệp khi ngư dân cầu cứu sự bảo vệ của họ. Sự khai báo và phàn nàn của các ngư dân sống sót trở về với chính quyền cho thấy rằng hải quân Việt cộng thích sống, chiến đấu trên bờ hơn là trên biển. Và để lấp liếm sự nhu nhược khiếp sợ trước Trung cộng, người phát ngôn bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị miễn cưỡng đọc lời phản đối Bắc Kinh mà nội dung, câu chữ của nó nghèo nàn và quá nhàm tai, nó chẳng thay đổi được gì ngoài việc tạo cơ hội cho Lương Thanh Nghị khoe bộ đồ Vest mới của ông ta.
Ngư dân Việt đang sống trong cùng cực của sự bế tắc, khi nợ nần thì chồng chất mà ngư trường truyền thống nay coi như đã mất vào tay Trung cộng. Đang vào mùa đánh bắt hải sản, nhưng ngư dân không muốn mạo hiểm tiền bạc, cũng như sinh mạng của mình trước những họng súng trên tàu hải giám của Trung cộng, sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Nghề đi biển cha truyền con nối bao đời nay, đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn của nhiều ngư dân là tiếp tục ra khơi hay tìm đường giải nghệ. Trong khi cuối tháng Tư vừa qua, nhà nước bỏ ra tiền tỷ để tổ chức lễ tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa của cha ông ta năm xưa trên đảo Lý Sơn. Tuy Việt cộng chịu tốn kém là thế nhưng việc hoài cổ này cũng chẳng nâng cao được tinh thần yêu nước chống ngoại xâm trong người dân là bao. Nó chỉ mang dáng dấp của một vở tuồng chèo hay một vở cải lương cổ trang. Cái mà lễ hội đạt được có lẽ là sự tốn kém và số đông người tham dự chỉ vì tò mò. Một ngư dân miền Trung đã phải thốt lên rằng nếu nhà nước dùng số tiền tổ chức lễ hội, đem hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển để khẳng định chủ quyền quốc gia, thì nó còn thiết thực hơn nhiều. Nhưng nếu ngư dân miền Trung biết được sự thật về một nhân vật xuất thân từ xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có tên là Phạm Văn Đồng, đã theo lệnh Hồ Chí Minh ký một công hàm bán nước năm 1958, dâng Hoàng Sa, Trường Sa và lãnh hải Việt Nam cho Trung cộng, thì những vấn nạn mà ngư dân miền Trung đang gặp phải hiện nay sẽ được lý giải. Không phải ngẫu nhiên mà ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi viết bài nhân dịp ngày thành lập quân đội nhân dân, trong đó ông ta có viết một câu rằng: " Đảng không bán rẻ đất nước...", thì người dân có thể lập luận rằng đảng Việt cộng của ông ta đã bán đất nước này rất được giá và không hề rẻ chút nào cho Trung cộng.
Vì vậy ngư dân cần phải hết sức tỉnh táo trước những lời kêu gọi của Việt cộng rằng hãy bảo vệ chủ quyền biển đảo . Vì chúng đang dùng chính sinh mạng của ngư dân, để lừa dối dân chúng là Việt cộng cũng quyết tâm bảo vệ lãnh thổ tổ quốc, nhưng thực tế là để che dấu hành vi bán nước trong quá khứ. Chúng ta sẵn sàng hy sinh để chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, chứ chúng ta không thể bị sai khiến bởi những âm mưu bán nước hại dân của Việt cộng.
Lý Trần Công.
24/05/2013.

No comments:

Post a Comment