Monday, May 20, 2013

Thánh Gióng, Nguyên Kha, Phương Uyên – huyền thoại và cuộc đời.

Thứ Bảy, ngày 18.05.2013    
Tháng Gióng hoặc Đức Phù Đổng Thiên Vương nói lên khí phách và hào hùng của tuổi trẻ đánh đuổi ngoại xâm giữ vững sơn hà. Cũng trong tinh thần bất khuất đó, ngày hôm nay, Nguyên Kha, Phương Uyên và thế hệ thanh thiếu niên đất Việt đang vùng lên đạp đổ nội thù CSVN. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận với tựa đề: "Thánh Gióng, Nguyên Kha, Phương Uyên – huyền thoại và cuộc đời." sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong kho tàng huyền thoại nước Việt, có lẽ chuyện Thánh Gióng thể hiện khí phách và cao vọng độc lập dân tộc, ghét bạo tàn và sẵn sàng đứng lên bảo vệ độc lập dân tộc mạnh nhất, điển hình nhất. Thánh Gióng, một cậu bé vốn câm bẩm sinh, ba tuổi vẫn còn nằm nôi, không nói, không cười, dường như trong tâm hồn câu bé luôn mang một bí ẩn nào đó làm người mẹ thấy buồn lo vì nghĩ rằng có lẽ con mình bị dị tật.

Thế rồi, trong một ngày, giặc đến phá quê hương, lũ mọi rợ Tàu Ân đã đốt phá xóm làng, giết tróc trẻ con, người lớn. Đất nước lâm nguy, bế tắc, chưa tìm ra hiền tài cứu quốc. Lúc này, cậu bé Gióng bỗng dưng nói năng khác thường, bảo mọi người chuẩn bị bảy nong cơm, ba nong cà, ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt để ra trận diệt giặc. Và mọi người đã làm theo cậu, đương nhiên là có cả những bô lão cùng làm. Cậu ăn tức thì "bảy nong cơm ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông" và vươn mình đứng dậy, ra trận, đánh tan giặc Ân rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Câu chuyện tưởng đơn giản, huyền thoại, nhưng đó là một triết lý thể hiện dân tộc tính và niềm tự hào, óc sáng tạo và cả nhiệt huyết, biết hy sinh cái tôi, giải trừ mọi định kiến để hướng đến cái chung của dân tộc. Vì, nếu đặt ngược vấn đề sẽ thấy ngay bản chất của câu chuyện. Nếu cộng đồng người Việt lúc bấy giờ cố chấp, bảo thủ với định kiến rằng một thằng bé ba năm nói năng còn chưa được, bây giờ bập bẹ nói thì bày đặt lừa người lớn, nói là đánh giặc, nó lừa được mẹ nó chứ không lẽ lừa cả nước hay sao? Nghĩ như vậy, sẽ chẳng có ai dám hy sinh cơm cà trong lúc giặc giã, đói kém để cho cậu bé ăn, đám đàn ông sẽ sĩ diện hảo bảo rằng tao đây vai u thịt bắp, đúc được cả con ngựa sắt mà còn chưa ăn thua, nghĩa lý gì thằng bé chưa sạch cứt mũi. Kết cục, sẽ không có bảy nong cơm, ba nong cà, sẽ không có ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt, và đất nước sẽ mãi chìm trong biển lửa cùng thân phận vong nô.
Câu chuyện vốn là huyền thoại mang tính nhắc nhỡ, kêu gọi đoàn kết và hy sinh nhiều hơn là tự hào dân tộc, nếu không nói là câu chuyện nhằm kêu gọi dân tộc phải tỉnh thức, đừng tự mãn và đừng bao giờ khinh suất, xem thường những nguyện vọng của tuổi trẻ, cho dù là trẻ con! Và hơn hết, phải biết hy sinh, biết giải trừ cái tôi, cởi bỏ định kiến vì sự nghiệp chung của dân tộc!
Và trong thời hiện đại, câu chuyện huyền thoại Thánh Gióng vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó, năm 2013, trong tháng Năm đỏ lửa Hạ, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam lại một lần nữa chứng kiến những huyền thoại của tuổi trẻ Việt ngay giữa đời thường. Hành động, tư tưởng và thái độ điềm nhiên của hai em Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên cũng như bao bạn trẻ khác đã hy sinh đời tư, hy sinh những hưởng thụ cá nhân để hòa chung vào niềm khát khao tự do, ý chí quyết bảo vệ độc lập trước kẻ ngoại xâm và tự đấu tranh cởi trói dân tộc trước họa độc tài. Đó là những Thánh Gióng thời hiện đại, những Thánh Gióng giữa đời thường, bằng xương bằng thịt, bằng trí tuệ của con người hiện đại và bằng nhiệt huyết của tuổi đôi mươi. Họ đã đứng lên kiên cường, mạnh mẽ và đầy khí phách, họ đã ngạo nghễ một nụ cười Việt Nam anh hùng trước cường quyền, bạo chúa.
Chính hành động của họ đã tạo niềm tin và gieo hy vọng về một tương lai tươi sáng, quật cường và sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Nhưng, cũng chính sự hy sinh, óc sáng tạo và lòng quả cảm của họ lại đặt ra cho dân tộc một câu hỏi lớn, đó là: Đến bao giờ dân tộc Việt Nam mới trở lại đúng bản lai diện mục của mình – một bản lai diện mục mà ở đó, không có sự đố kị, gièm pha, không có sự cố chấp, không có định kiến, sẵn sàng nghe con trẻ nói lên chí hướng của chúng và sẵn sàng hy sinh vì cái chung? Đến bao giờ những bạn trẻ, những Thánh Gióng Việt Nam lại được dân tộc vun vén, cưu mang và tin tưởng để đúc cho một con ngựa sắt, bộ giáp sắt, chiếc roi sắt và ân cần mang bảy nong cơm, ba nong cà đến để nuôi lớn, chắp cánh cho cậu bé Gióng thân yêu của mình?
Những câu hỏi này nghe ra tưởng đơn giản vì trong thời hiện đại, đó là những thứ nằm trong khả năng cung cấp của con người. Nhưng, những câu hỏi đó lại vạch trần một âm mưu và làm lộ một vết thương của dân tộc. Vì dân tộc Việt thời Thánh Gióng chỉ bị ngoại xâm có ba năm, kẻ thù chưa kịp tẩy não con dân nước Việt thì đã bị đánh tơi tả, cuốn gói chạy không kịp. Còn thời bây giờ, kẻ thù nằm ngay trong chính nội bộ dân tộc, kẻ thù đã có ba mươi mấy năm ở miền Nam và bảy mươi mấy năm ở miền Bắc để tẩy não, đẩy dân tộc vào tối tăm, sợ hãi, đói kém, ích kỉ và mông muội.
Chính vì thế, hơn bao giờ hết, đã đến lúc dân tộc Việt Nam phải tự cởi bỏ định kiến, giải trừ cố chấp để chung tay bảo vệ, xây dựng đất nước. Đất nước sẽ tươi sáng nếu chúng ta biết chuyển hóa huyền thoại vào đời thường, vì huyền thoại đã trở lại Việt Nam!

No comments:

Post a Comment