Saturday, June 6, 2015

Học giả Lý Đông A

Thứ Bảy, ngày 06.06.2015
Kính thưa quý thính giả,
Một nhà cách mạng nổi tiếng nhân ái và thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước, quyết tâm đi làm cách mạng cứu nước giữ nòi bằng cả trái tim đầy máu nóng. Các tác phẩm của ông ngoài phần văn chương trác tuyệt và tâm huyết đối với Quốc gia Dân tộc, còn là một hệ tư tưởng cao sâu thực tiển, có viễn kiến chính trị, có thể làm nền tảng cho công cuộc cách mạng phục hưng , phục hoạt sắp tới của dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Học giả Lý Đông A" của Việt Thái qua sự trình bày của Tam Thanh.
Thái Dịch Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh ngày 1/11/1920 tại tỉnh Hà Nam. Thân sinh là cụ Nguyễn Chi Phương. Năm 3 tuổi Nguyễn Hữu Thanh đã đọc thông thạo chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Năm 4 tuổi được thầy giáo Khuê kèm dậy và đã được khen ngợi là một Thần đồng với lời sau: "Anh ấy thực là một thần đồng , trong vòng non 8 tháng đã học hết chữ của tôi".
Nguyễn Hữu Thanh thông hiểu về Dịch Lý, Phật Học và Sử Việt... khi mới 16 tuổi. Theo lời kể, ông phát nguyện noi gương Anh Hùng Dân Tộc dâng hiến trọn đời cho công cuộc cách mạng cứu nước ở lứa tuổi chưa tròn 17 và ông lấy bút hiệu là Lý Đông A.
Năm 1942, Lý Đông A đến thư viện Liễu Châu (Trung Hoa) để kiểm lại các sách viết về triết học, lịch sử, xã hội Đông Phương, khoa học Tây Phương và nghiên cứu địa lý Trung Hoa, đồng thời khảo sát thêm về lịch sử và nền văn minh Việt tộc.
Tại đây, ông bắt đầu viết sách trong bộ "Đại Việt Duy Dân Đại Cương Thảo Án Quốc Sách Toàn Khoa". Sách ông viết về chủ thuyết Duy Dân Nhân Chủ (khoảng 30 cuốn), nhưng phần lớn không được phổ biến vì nhiều lý do, và một số bị thất lạc. Trong sách, ông dùng nhiều từ ngữ Việt - Nho, ý tưởng rất xúc tích và trình bày với dạng thức đặc biệt.
Lý Đông A khai triển văn hóa và truyền thống dân tộc kết hợp với các suy tư về sự kết cấu xã hội nhân loại và xã hội tự tính để lập thuyết. Một cách giản lược, lấy người làm chính, căn bản triết lý của chủ nghĩa Duy Dân có ba biện chứng đưa đến một quan điểm thống nhất về con người:
- Vũ trụ: duy nhiên, vô nguyên.
- Nhân loại: duy nhân, nhất nguyên.
- Dân tộc: duy dân, đa nguyên tương đối.
Năm 1940, Lý Đông A làm ủy viên chính trị cho Phục Quốc Quân, cánh quân của Việt Nam Quang Phục Hội. Ông cùng với Ðoàn Kiểm Ðiểm và Trần Trung Lập chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Lạng Sơn. Khởi nghĩa thất bại, Lý Đông A chạy thoát sang Trung Hoa, ông tiếp tục liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam thuộc nhiều phe phái và ngày 1 tháng 1 năm 1943, Lý Ðông A thành lập và làm Tổng thư ký Đại Việt Duy Dân Cách Mạng Đảng đấu tranh chống Pháp. Trong thời gian quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc, Đại Việt Duy Dân tìm cách xâm nhập gây cơ sở ở Hòa Bình, xây dựng Hòa Bình thành căn cứ và liên kết với một số lang đạo chống chính quyền. Vì vậy, cơ sở Đại Việt Duy Dân phát triển nhanh chóng bao gồm một số quận huyện của tỉnh Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình.
Đảng Đại Việt Duy Dân chọn Mường Diềm làm căn cứ chính. Được các lang đạo giúp đỡ, đảng Đại Việt đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang bằng cách đưa thành viên từ miền xuôi lên, tập hợp thành viên ở địa phương, thành lập được một số đơn vị, mở một vài lớp huấn luyện quân sự...
Giữa năm 1946, đảng Đại Việt bị Việt Minh tấn công tại Hà Nội và các tỉnh ở đồng bằng. Đảng trưởng Lý Đông A phải rời Hà Nội về Gia Viễn (Ninh Bình). Tại đây, Lý Đông A lại bị truy đuổi phải chạy lên Hòa Bình và về vùng Mường Diềm.
Trong thế bị truy đuổi, dồn ép, đảng Đại Việt dựa vào sự giúp đỡ của các lang đạo chống chính quyền thành lập một vài đơn vị vũ trang dự định đánh chiếm Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ, Suối Rút, sau đó tiến lên đánh chiếm thị xã Hòa Bình, làm chủ toàn bộ tỉnh Hòa Bình. Lấy Hòa Bình làm bàn đạp chiếm Sơn La, xây dựng Hòa Bình - Sơn La thành một căn cứ rộng lớn ở miền núi rừng Tây Bắc để chống lại nhà cầm quyền. Nhưng kế hoạch này đã bị Việt Minh phát giác.
Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã đưa lực lượng vũ trang, công an tiêu diệt các toán vũ trang của Đại Việt Duy Dân, bắt sống các thành phần lãnh đạo tại Bến Chương và Đảng trưởng Lý Đông A bị Việt Minh giết chết tại nơi này.
Các tác phẩm của ông đã được xuất bản gồm: Đạo Trường Ngâm, Huyết Hoa, Chu Tri Lục, Duy Nhân Cương Thường, Thiết Giáo, Việt Sử Thông Luận, và một số tài liệu khác. Những tài liệu này đã được thế hệ đi sau dùng làm tài liệu học tập, tu dưỡng, lập chí và thực hành.
Tóm lại, cụ Lý Đông A được kể là một trong số ít triết gia Việt Nam có tinh thần cách mạng nhân bản. Cụ không những là nhà chính trị đạo đức, mà còn là một nhà đại thi hào của dân tộc.
Qua quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn Việt gian cộng sản, hàng ngàn người yêu nước đã gục ngã vì nền tự chủ của dân tộc, những con người yêu nước, thương nòi chống Pháp và chống Cộng vì tự do cho đồng bào chứ không dựa vào chủ thuyết ngoại lai như đảng cộng sản Việt Nam.
Thời gian đó đảng CSVN muốn độc quyền lãnh đạo, dựng ra Mặt trận Việt Minh để thanh toán, thủ tiêu các nhà ái quốc không theo đường lối và chủ trương của đảng như nhà ái quốc Hồ Văn Ngà, giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, học giả Lý Đông A... Hành động này đã ghi thêm một tội ác vào hồ sơ tội ác tày trời của đảng cộng sản trong lịch sử ô nhục của dân tộc.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment