Friday, November 22, 2013

Thư của Hiền Nguyễn gửi đến người em miền Trung thân yêu

Thứ Sáu, ngày 22.11.2013    
Lòng tham không đáy của nhóm lợi ích bất nhân đã làm dân lành khốn khổ, mất cả mạng sống.Toàn dân phải cho chúng một bài học mà nhớ đến đời cháu chắt ...". Trong chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" do Phùng Kiên phụ trách tuần này, chúng tôi mời quý thính giả nghe Mỹ Linh trình bày "Thư Của Hiền Nguyễn Gửi Đến Người Em Miền Trung Thân Yêu" để tiếp nối chương trình tối nay
Em thân yêu!
Trong lúc chị ngồi viết thư này, giữa một quán cà phê ấm áp, thân thiện và rất may là quán cà phê chị ngồi lại tọa lạc trên một đất nước văn minh, giàu có, tôn trọng quyền và giá trị con người… Thì em, giữa miền Trung mưa chan nắng cháy, trận lũ như trút nước đã cuốn đi tài sản, tính mạng và niềm hy vọng của đồng bào miền Trung. Chị không biết nói gì hơn, ngoài chút lòng hảo tâm mà bà con bên này đã gói gém gửi về miền Trung; bên này chỉ biết cầu nguyện bề trên hãy cứu giúp, thương yêu và nâng đỡ miền Trung tai qua nạn khỏi!

Chị đã nhìn thấy trâu bò chết lăn lóc, heo gà cũng cứng đơ nằm rải rác dọc đường, bùn non lớp lớp nhầy nhụa, nhà cửa sụp xệ, đổ nát ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi; người chết không có chỗ chôn, phải khiêng đi trong mưa và nước ngập ở Vân Canh, Tuy Phước, Bình Định; chị cũng đã nhìn thấy người mẹ khóc mừng và điên loạn khi nhận ra xác con ở một nhánh sông đào trên dòng Thu Bồn, Quảng Nam sau ba ngày ba đêm tìm kiếm tận xứ Đại Lộc xuống đến Điện Bàn, khoảng cách gần sáu mươi cây số. Rồi những em thơ khóc nức nở bên đống sách vở chỉ còn bùn non nhão nhoét với những chữ nghĩa ngoằn ngoèo nở bung như sợi mì tôm. Nói chung, nhìn chung, mọi thứ tan hoang, cõi lòng tan nát…!
Thế nhưng, chị nhận ra trong ánh mắt của người miền Trung vẫn còn lửa. Sự kiên cường, chịu đựng, tính kiên nghị và quyết tâm sống, sống cho đến hơi thở cuối cùng đã giúp người miền Trung vượt qua nhiều thử thách, gian nan do thiên nhiên khắc nghiệt mang lại. Nhưng, sâu trong ánh mắt của người miền Trung cũng ẩn chứa sự thật thà, cam chịu và thương thân trách phận. Chính vì sự thật thà, cam chịu này, vô hình chung đồng bào mình bị lợi dụng, bị người ta coi rẻ sinh mạng và bán đứng sự an toàn của mình.
Theo thống kê của các nhóm khí tượng gồm cả Việt Nam và các nước khu vực, thì lượng mưa vừa rồi không thể nào thành lụt lớn được, cao lắm cũng chỉ là lụt lòng sông, nước ngập lên đồng là hết mức. Nhưng ở đây tại sao lại có chuyện lụt ngập nhà, cuốn trôi mọi thứ, dẫn đến chết người?
Đó là do thủy điện xả đập, hàng loạt các đập thủy điện ở miền Trung không được xây dựng kiên cố bởi nó đã bị rút ruột trong lúc xây dựng và khi tích đầy nước sẽ có nguy cơ bị vỡ bất kì giờ nào. Bên cạnh đó, lượng nước trong các lòng hồ thủy điện luôn được tích ở mức rất cao trong mùa nắng nên khi mưa một trận nhỏ cũng có nguy cơ vượt mức báo động.
Vì sao lại có chuyện nghịch lý như thế? Lẽ ra, mùa mưa thì tích nước, mùa nắng xả đập để phát điện, đến chu kì, gặp mùa mưa lại tích nước trở lại thì mọi chuyện sẽ khác đi, thậm chí thủy điện có thể giúp bà con giảm bớt thiên tai, đằng này thì ngược lại?
Cũng nên xem lại qui trình xây dựng thủy điện ở Việt Nam và mật độ phân bố của nó. Có thể nói rằng hiện tại, mạng lưới thủy điện ở miền Trung Việt Nam phân bố dày đặc dọc trên các con sông chẻ dọc từ Trường Sơn xuống biển Đông, nhìn vào giống như một cái tổ mối. Cả miền Trung có chưa đến hai mươi con sông lớn nhưng lại có trên một trăm thủy điện treo mắc trên nó. Đáng sợ là thủy điện nào cũng to, cũng thuộc vào tầm hô hào công trình thế kỷ cả! Thử hỏi, với số lượng thủy điện như thế, lấy nước đâu ra để chạy? Chính vì thế mà mùa nắng, các dòng sông bị cạn kiệt bởi các thủy điện tranh nhau tích nước.
Trả giá cho việc tích nước vô tội vạ này là phía hạ lưu bị cạn kiệt vào mùa nắng, nông dân không có nước để tưới ruộng vì nước nhiễm mặn, lượng nước èo ọp chảy trên các con sông không đủ sức để đẩy các đợt triều cường từ phía biển. Cay đắng nhất là tuy thủy điện mọc ra như nấm vậy nhưng giá điện vẫn cứ tăng vùn vụt. Mùa hè, nhà nông phải trả tiền triệu cho việc bơm nước chống mặn trên ruộng và tưới rau cải, thậm chí còn bị phạt vì sử dụng quá công suất qui định!
Suy cho cùng, người nông dân không được bất kỳ chút lợi lộc nào trong vấn đề xây dựng thủy điện, cái lợi đó thuộc về những nhóm lợi ích có dây mơ rễ má trong bộ máy cầm quyền. Nhưng đến khi có tai họa, thì người nông dân lãnh đủ, chỉ cần xả đập đồng loạt thì miền Trung có thể trôi ra biển Đông, trong đợt xả lũ vừa rồi, các thủy điện chỉ mới xả một cửa mà đã để lại hậu quả kinh hoàng như vậy, nếu như đập nào cũng mở bung từ ba đến năm cửa, thì e rằng miền Trung không còn dân sống sót!
Trong khi đó, qui trình xây dựng thủy điện ở Việt Nam gồm có giai đoạn phá rừng đầu nguồn, biến rừng thành lòng hồ, sau đó mới xây dựng. Một khi lá phổi thiên nhiên bị tổn thương, cộng thêm những cái túi nước treo lơ lửng trên đầu như vậy, e rằng sinh mạng người dân miền Trung chẳng khác nào con sâu, cái kiến!
Em ạ, chị nghĩ rằng đã đến lúc người dân miền Trung đòi lại những quyền lợi và sự an toàn chính đáng của mình. Người dân cần phải biết đi kiện thủy điện, buộc họ phải đền bù thiệt hại và cam kết không được làm tổn hại đến đời sống nhân dân, đừng để đến khi thiên nhiên thật sự nổi giận, đồng bào đưa lưng trả giá, kẻ hưởng lợi lại chễm chệ ngồi đếm tiền lợi nhuận. Đừng để đến lúc cái chết ghé đến rồi chúng ta mới nổi giận, mới kêu gào vì oán giận, việc đó chẳng có ích gì đâu!
Hiện tại, chị xin khuyên em hãy tìm đến những trí thức, những người hiểu biết để nhờ họ làm cố vấn và hãy đến với những gia đình có người thân chết vì lũ lụt, có nhà cửa đổ nát, thiệt hại tinh thần lẫn vật chất do lũ lụt để cùng viết đơn, khiếu nại, khiếu kiện, trong đơn cần dẫn chứng rõ nguyên nhân gây nên lũ lụt, đưa ra các thông số thiệt hại và yêu cầu phía thủy điện, điện lực phải công khai đứng ra xin lỗi nhân dân, thực hiện đền bù cho nhân dân đúng theo qui định của pháp luật và lương tri con người!
Thôi thư đã dài, cầu chúc em và gia đình mạnh khỏe, mau phục hồi mọi sự và nhớ đừng quên viết đơn kiện em nhé!
Chị của em,
Hiền Nguyễn

No comments:

Post a Comment