Saturday, November 9, 2013

Phạm Quỳnh, người đề xướng lập hiến pháp

Thứ Bảy, ngày 09.11.2013
Cụ Phạm Quỳnh được xem là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận.
Cụ là tác giả và dịch giả của nhiều cuốn sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn và tùy bút. Cụ là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo khuynh hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước và là người đã nói câu bất hủ:
"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn".
Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Phạm Quỳnh, người đề xướng lập hiến pháp" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Phạm Quỳnh là một nhà văn hóa và là vị quan lớn của triều Nguyễn. Cụ là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt thay chữ Nho và tiếng Pháp trong văn chương và sách khảo cứu.
Phạm Quỳnh có hiệu là Thượng Chi, bút danh là Hoa Đường, Hồng Nhân, được xem là người đấu tranh bất bạo động, nhưng không hề khoan nhượng đối với chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam. Phạm Quỳnh đòi hỏi phải khôi phục quyền hành của Triều đình Huế tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam, chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì với chủ nghĩa quốc gia và chủ trương Quân chủ Lập hiến.
Phạm Quỳnh sinh ngày 30/1/1893 tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội. Quê quán của cha mẹ ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Đây là một ngôi làng khoa bảng có truyền thống hiếu học. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, Phạm Quỳnh được bên nội nuôi ăn học và đỗ đầu bằng Thành chung.
Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội khi mới 16 tuổi.
Từ năm 1916, Phạm Quỳnh cộng tác với một số tờ báo có uy tín, sau đó làm chủ bút của tờ Nam Phong tạp chí từ năm 1917 cho đến năm 1932.
Trong khoảng thời gian từ năm 1924 -1932, Cụ là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.
Ngày 2/5/1919, Cụ sáng lập và nắm chức Tổng thư ký Hội khai trí Tiến Đức, với cụ Trần Trọng Kim là Trưởng ban Văn học của Hội.
Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội khai trí Tiến Đức, Cụ Quỳnh sang Pháp tham dự Hội chợ triển lãm Marseille, làm diễn giả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý của Viện Hàn Lâm Pháp về dân tộc và giáo dục.
Năm 1924, Cụ được mời làm giảng viên về văn hóa cho khoa Bác ngữ học tại trường Cao đẳng Hà Nội và làm trợ bút tờ báo France - Indochine.
Từ năm 1925 đến 1928, Cụ là Hội trưởng Hội Trí Tri Bắc Kỳ.
Năm 1926, Cụ làm việc ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương.
Năm 1930, Cụ đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của người dân Việt Nam và chính quyền bảo hộ.
Ngày 11/11/1932, khi vua Bảo Đại lên thay Khải Định, Cụ được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế mời tham gia chính quyền. Từ đó, Cụ ngưng làm chủ bút Nam phong Tạp chí.
Tại Huế, trong thời gian đầu, Cụ làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại vào năm 1944 và 1945.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Cụ về sống ẩn dật tại huyện Phủ Cam, Huế.
Cụ bị Việt Minh bắt giam ngày 23/8/1945 và bị hạ sát vào ngày 6/9/1945 cùng với Tổng đốc Quảng Nam là cụ Ngô Đình Khôi, tức anh ruột của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Huân (con trai của cụ Ngô Đình Khôi).
Thi hài Cụ Phạm Quỳnh được tìm thấy vào năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú. Sau đó được cải táng trong khuôn viên chùa Vạn Phước, Huế.
Suốt hơn 50 năm hoạt động cho đất nước, Cụ Phạm Quỳnh đã để lại cho hậu thế một kho tàng văn học với nhiều tác phẩm, đặc biệt là câu tuyên bố nổi tiếng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn".
Ngày 8/1/1945 trong thư gửi Đô đốc Decoux và Tổng toàn quyền Mordant, ông Healewyn là Thống sứ Trung Kỳ đã báo cáo về Cụ Phạm Quỳnh như sau:
"Vị Thượng thư này đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bằng vũ khí để chống đối sự bảo hộ của Pháp, khôi phục lại quyền hành của triều đình Huế và tranh đấu để người Việt Nam nắm vận mệnh của đất nước mình... Con người đó là một chiến sĩ kiên cường và bất khuất cho nền độc lập của Việt Nam và đừng hy vọng xoa dịu lòng yêu nước đó bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một chức vị cao hoặc trả lương hậu hĩnh. Con người đó là một địch thủ đáng sợ trong việc chống lại sự đô hộ của chúng ta và ông ta sẽ trở thành một kẻ thù không khoan nhượng".
Về sau này, giáo sư Văn Tạo nhận xét:
"Cụ Phạm Quỳnh đã góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc Việt thời đầu thế kỷ 20, công lao đó đáng cho chúng ta ghi nhớ."
Trong cơn quốc nạn bị thực dân Pháp đô hộ, đất nước Việt đã sản sinh ra nhiều nhà ái quốc vĩ đại. Cũng như cụ Phan Chu Trinh, cụ Phạm Quỳnh cũng tận dụng ngôn ngữ và kiến thức của người Pháp để đấu tranh chống thực dân Pháp, từng bước giành lại nền độc lập và tự chủ cho nước nhà.
Cả hai Cụ bị Cộng sản lên án là thỏa hiệp với Pháp, nhưng một thế kỷ sau mọi người đều thấy con đường đấu tranh này quá tốt. Ít ra không dẫn đến cái chết của vài triệu người Việt trong hai cuộc chiến khốc liệt như đảng CSVN.
Công bằng mà nói, cụ Phạm Quỳnh chưa làm điều gì trái đạo, chưa có hành động phản quốc để phải lãnh án tử hình. Việc giết hại cụ Phạm Quỳnh, một nhân tài lỗi lạc của đất nước, là một tội ác lớn của đảng CSVN mà không ai có thể biện hộ được!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment